Thứ 3, 23/07/2024, 10:20[GMT+7]

Quỹ TDND Thanh Nê Đồng hành cùng nông dân làm giàu

Thứ 4, 03/04/2013 | 14:45:08
1,252 lượt xem
Được thành lập từ tháng 7/1996, trải qua hơn 16 năm hoạt động, Quỹ Tín dụng nhân dân (TDND) Thanh Nê (Kiến Xương) luôn là địa chỉ tin cậy, chỗ dựa vững chắc, đồng hành cùng nông dân vươn lên làm giàu chính đáng.

Mô hình nuôi cá sấu ở gia đình anh Vũ Thái Hiệp (khu Quang Trung, thị trấn Thanh Nê, Kiến Xương).

Xuất khẩu lao động ở Hàn Quốc về, với chút ít vốn tích lũy được cộng thêm 100 triệu đồng vay từ Quỹ TDND Thanh Nê, năm 2012, anh Vũ Thái Hiệp (khu Quang Trung, thị trấn Thanh Nê) đã quyết định đầu tư xây dựng mô hình nuôi cá sấu. Mặc dù chi phí đầu vào cao, phải mất 2,3 triệu đồng/con giống và 4.000 đồng/con/ngày tiền thức ăn, thời gian nuôi kéo dài (2,5 - 3 năm mới có thể xuất bán) song mô hình nuôi cá sấu lại cho hiệu quả kinh tế cao, trung bình 130 nghìn đồng/kg, có những lúc lên đến 250 - 270 nghìn đồng/kg. Anh Hiệp cho biết: Đây là loại động vật có kỹ thuật nuôi tương đối đơn giản, ít dịch bệnh, chỉ cần chuồng trại bảo đảm an toàn, chắc chắn là được. Sau gần 1 năm, đến nay, 100 con cá sấu của anh Hiệp sinh trưởng và phát triển tốt, trung bình mỗi con cân nặng khoảng 20 kg. Nhận thấy hiệu quả, thời gian tới, anh Hiệp tiếp tục duy trì mô hình nuôi cá sấu, đồng thời mở rộng thêm các đối tượng nuôi khác như: cá lóc, cóc và ba ba. Rời nhà anh Hiệp, chúng tôi đến thăm trang trại gia đình bác Trần Văn Phú (thôn An Phú, xã An Bồi). Nhờ có Quỹ TDND Thanh Nê mà gia đình bác Phú đã được vay 100 triệu đồng phát triển trang trại chăn nuôi tổng hợp. Hiện tại, trang trại bác Phú đang nuôi 80 con lợn và các loại cá truyền thống (trôi, mè, trắm, chép) với tổng diện tích mặt nước 2,8 mẫu. Sau khi trừ đi chi phí, hàng năm, bác Phú thu lãi trên 100 triệu đồng.

Nhờ được vay vốn từ Quỹ TDND Thanh Nê, không chỉ có anh Hiệp, bác Phú mà còn có nhiều gia đình khác ở thị trấn Thanh Nê, An Bồi, Quang Trung và Nam Bình đã vươn lên làm giàu chính đáng, như: ông Trương Văn Bốn (khu Thống Nhất, thị trấn Thanh Nê, đầu tư lò ấp trứng), bà Trần Thị Hậu (thôn An Đoài, An Bồi, kinh doanh thóc gạo), ông Nguyễn Văn Thiên (thôn Thượng Phúc, Quang Trung, đầu tư mở rộng cơ sở may mặc)... Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Quang Vĩnh - Giám đốc Quỹ TDND Thanh Nê cho biết: Với mục tiêu chính là tương trợ cộng đồng, giúp đỡ thành viên phát triển sản xuất và cải thiện kinh tế gia đình, thời gian qua, hoạt động cho vay của Quỹ luôn đáp ứng được nhu cầu của các thành viên, không gây phiền hà cho khách hàng. Năm 2012, Quỹ đã cho 2.414 lượt thành viên vay vốn với doanh số 145,38 tỷ đồng và dư nợ 74,93 tỷ đồng. Trong đó, cho vay cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp 3,97 tỷ đồng, cho vay kinh doanh dịch vụ ngành nghề 16,63 tỷ đồng, cho vay an sinh xã hội 4,2 tỷ đồng và cho vay đầu tư xây dựng cơ bản 50,13 tỷ đồng. Qua kiểm tra, vốn vay được các thành viên sử dụng rất hiệu quả, tạo việc làm và cải thiện đời sống cho nhiều hộ gia đình. Công tác phát triển thành viên cũng được Quỹ đặc biệt chú trọng. Nhờ làm tốt tuyên truyền, vận động nhân dân nên số lượng thành viên của Quỹ tăng từ 1.919 người (năm 2005) lên 3.367 người (năm 2012), trong đó thị trấn Thanh Nê 2.187 thành viên, Quang Trung 663 thành viên, An Bồi 476 thành viên và Nam Bình 41 thành viên.

Không chỉ thực hiện tốt hoạt động cho vay, ngay từ khi thành lập, Quỹ còn tích cực, chủ động khai thác mọi nguồn vốn trên địa bàn đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Bằng nhiều biện pháp: áp dụng linh hoạt cơ chế lãi suất tiền gửi tại mỗi thời điểm, không ngừng hoàn thiện và cải tiến quy trình nghiệp vụ, Quỹ đã tạo được uy tín với nhiều khách hàng gửi tiền không chỉ riêng địa bàn hoạt động mà còn ở cả các địa phương khác trong huyện như Bình Định, Minh Tân, Bình Thanh, Hồng Tiến... Chính vì vậy, nguồn vốn huy động từ tiền gửi dân cư của Quỹ luôn chiếm tỷ lệ cao, trung bình trên 80% tổng nguồn vốn.

Luôn đồng hành cùng nông dân làm giàu, từ đầu năm đến nay, Quỹ hoạt động an toàn, hiệu quả và chất lượng, đáp ứng tốt nhu cầu vay vốn của các thành viên. Đến ngày 28/2/2013, tổng nguồn vốn của Quỹ đạt 106 tỷ đồng, trong đó vốn tự có 3,5 tỷ đồng, vốn huy động tiền gửi dân cư 97,6 tỷ đồng; dư nợ cho vay 73 tỷ đồng, trong đó cho vay sản xuất nông nghiệp 4,2 tỷ đồng, cho vay kinh doanh dịch vụ 25,4 tỷ đồng, cho vay xây dựng 40,4 tỷ đồng và cho vay tiêu dùng 3 tỷ đồng. Trong thời gian tới, Quỹ tiếp tục bám sát mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội của các địa phương, trong đó ưu tiên vốn cho các lĩnh vực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa, xây dựng nông thôn mới..., đồng thời đẩy mạnh công tác huy động vốn, phấn đấu đạt mục tiêu vốn huy động tăng từ 15-20%, dư nợ cho vay tăng từ 15-22% so với năm 2012, kết nạp thêm 300 thành viên và lãi kết dư đạt 748,782 triệu đồng.

Bài, ảnh: Minh Hương

  • Từ khóa