Thứ 6, 27/12/2024, 10:08[GMT+7]

Đề xuất dành gói tín dụng 110.000 tỷ đồng cho phát triển nhà ở xã hội

Thứ 5, 16/02/2023 | 08:30:46
2,238 lượt xem
Bộ Xây dựng đề xuất Quốc hội, Chính phủ dành gói tín dụng khoảng 110.000 tỷ đồng cấp cho các ngân hàng thương mại để cho các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân vay theo phương thức tái cấp vốn.

Bộ Xây dựng đề xuất dành gói tín dụng khoảng 110.000 tỷ đồng phát triển nhà ở xã hội - Ảnh: VGP

Dự kiến cuối tuần này, hội nghị về thúc đẩy thị trường bất động sản (BĐS) phát triển lành mạnh, bền vững sẽ diễn ra dưới sự chủ trì của Lãnh đạo Chính phủ.

Bộ Xây dựng cho biết, thị trường BĐS có vai trò, đóng góp quan trọng trong nền kinh tế và tác động ảnh hưởng đến nhiều ngành, nghề, lĩnh vực. Thời gian qua và đặc biệt là nửa cuối năm 2022, thị trường BĐS có nhiều khó khăn, đặc biệt là tình trạng thiếu nguồn cung, cơ cấu sản phẩm nhà ở chưa phù hợp, giao dịch trầm lắng, doanh nghiệp không tiếp cận được các nguồn vốn, dừng triển khai các dự án bất động sản, cắt giảm lao động...

Để tháo gỡ khó khăn cho thị trường BĐS, Thủ tướng Chính phủ đã thành lập Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ (theo Quyết định số 1435/QĐ-TTg ngày 17/11/2022) để rà soát, đôn đốc, hướng dẫn tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện dự án BĐS cho địa phương, doanh nghiệp.

Thực hiện nhiệm vụ được giao, Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ đã làm việc với từng địa phương, một số doanh nghiệp và các chuyên gia (lĩnh vực tài chính, bất động sản), Hiệp hội (Bất động sản Việt Nam, TPHCM; Nhà thầu xây dựng Việt Nam).

Trong quá trình làm việc với các doanh nghiệp, địa phương, Tổ công tác đã trao đổi, hướng dẫn trực tiếp về quy định pháp luật và việc tổ chức thực hiên của các bộ, ngành và địa phương. Những nội dung chưa thể trao đổi, hướng dẫn trực tiếp, Tổ công tác đã cho rà soát, tổng hợp để có văn bản hướng dẫn, giải quyết theo chức năng nhiệm vụ các bộ ngành liên quan.

Theo đánh giá của Bộ Xây dựng, hiện nay, thị trường BĐS có những chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, tình hình vẫn còn nhiều khó khăn về thể chế, nguồn vốn tín dụng, nguồn vốn trái phiếu, chứng khoán, tổ chức thực thi pháp luật của địa phương... cần tiếp tục được tập trung tháo gỡ.

Đáng chú ý, để phát triển nhà ở xã hội, tại Hội nghị tới, Bộ Xây dựng sẽ đề xuất Quốc hội giao Chính phủ xây dựng, trình Quốc hội xem xét, ban hành "Nghị quyết của Quốc hội thí điểm một số chính sách nhằm đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội" để tháo gỡ ngay một số khó khăn, vướng mắc.

Cụ thể là về giao đất để đầu tư xây dựng dự án nhà ở xã hội; quỹ đất dành để phát triển nhà ở xã hội; lựa chọn chủ đầu tư; quyền lợi và ưu đãi chủ đầu tư; xác định giá bán, giá cho thuê, giá cho thuê mua nhà ở xã hội; đối tượng và điều kiện được thụ hưởng chính sách nhà ở xã hội. 

Đồng thời, Bộ Xây dựng kiến nghị thực hiện hiệu quả đề án "Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030; xác định việc đầu tư phát triển nhà ở xã hội cho người lao động có thu nhập thấp là một hạng mục đầu tư trong nguồn vốn trung và dài hạn của các địa phương. 

Theo đó, Bộ Xây dựng đề xuất Quốc hội, Chính phủ dành gói tín dụng khoảng 110.000 tỷ đồng cấp cho các ngân hàng thương mại để các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân vay theo phương thức tái cấp vốn.

Hình thức giống gói 30.000 tỷ đồng đã thực hiện rất tốt trong giai đoạn 2013-2016 trước đây - Bộ Xây dựng dẫn chứng. Cùng đó là thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội.

Theo baochinhphu.vn