Thứ 2, 26/05/2025, 01:21[GMT+7]

Kiến Xương thực hiện hiệu quả Nghị định số 41 của Chính phủ

Thứ 2, 26/10/2015 | 09:39:22
556 lượt xem
Kiến Xương là một trong những địa phương thực hiện hiệu quả Nghị định số 41/2010/NÐ-CP của Chính phủ với tốc độ tăng trưởng dư nợ cho vay nông nghiệp, nông thôn bình quân giai đoạn 2010 - 2014 đạt 18,3%/năm, qua đó giúp nông dân tiếp cận nguồn vốn phát triển kinh tế, cải thiện đời sống.

Nguồn vốn tín dụng ngân hàng đã giúp nông dân Phạm Văn Tuấn (thôn Nam Lâu, xã Thanh Tân, huyện Kiến Xương) phát triển sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ, đem lại thu nhập ổn định cho gia đình.

 

Để việc thực hiện Nghị định số 41 mang lại hiệu quả cao, các tổ chức tín dụng trên địa bàn phối hợp với UBND huyện và các xã, thị trấn, các đoàn thể tích cực tuyên truyền để mọi người dân cùng biết và nắm rõ quy chế, thủ tục vay vốn của ngân hàng. Bên cạnh đó, các tổ chức tín dụng cũng bám sát mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương, từ đó xây dựng kế hoạch đầu tư tín dụng theo từng ngành, từng xã và theo đối tượng khách hàng. Ông Hà Khắc Thường, Giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Chi nhánh huyện Kiến Xương, một trong những đơn vị triển khai thực hiện tốt Nghị định số 41 cho biết: Trong quá trình xây dựng kế hoạch kinh doanh hàng năm, Chi nhánh luôn dành phần lớn nguồn vốn để cho vay phát triển nông nghiệp, nông thôn, đồng thời tích cực cho vay thông qua 256 tổ vay vốn nhận ủy thác qua hội nông dân và hội phụ nữ. Đến ngày 30/6/2015, tổng dư nợ cho vay của Chi nhánh đạt 702,714 tỷ đồng, đạt 80,4% kế hoạch năm, tăng 3,87% so với thời điểm 31/12/2014, trong đó cho vay phát triển nông nghiệp, nông thôn chiếm hơn 90% tổng dư nợ cho vay.

 

Cùng với Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Chi nhánh huyện Kiến Xương, các tổ chức tín dụng trên địa bàn huyện cũng tích cực cho vay phát triển nông nghiệp, nông thôn theo Nghị định số 41 như: cho vay xây dựng nông thôn mới (tổng dư nợ 1.613 tỷ đồng với trên 28.100 doanh nghiệp, hộ sản xuất, cá nhân được vay), cho vay các dự án nước sạch nông thôn (số tiền cam kết cho vay 24,1 tỷ đồng với 3 dự án được vay), cho vay cơ giới hóa nông nghiệp (tổng dư nợ 34,7 tỷ đồng với 679 hộ sản xuất, cá nhân được vay). Nhờ nguồn vốn tín dụng ngân hàng theo Nghị định số 41, các doanh nghiệp, hộ sản xuất trên địa bàn huyện có điều kiện mở rộng, phát triển sản xuất, góp phần tạo việc làm, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân, bảo đảm an sinh xã hội và xây dựng nông thôn mới trên địa bàn. Ông Đoàn Xuân Quýnh, Giám đốc Công ty TNHH Đoàn Trương Trọng (xã Lê Lợi) cho biết: Năm 2014, Công ty đã đầu tư xây dựng nhà máy nước sạch với công suất 5.000 m3/ngày đêm, cung cấp nước sinh hoạt cho 10.000 hộ dân trên địa bàn 4 xã (Lê Lợi, Hồng Thái, Trà Giang và Nam Cao) với tổng kinh phí 35 tỷ đồng. Trong quá trình thực hiện dự án, mặc dù còn gặp nhiều khó khăn nhưng Công ty đã được Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Chi nhánh huyện Kiến Xương tạo điều kiện thuận lợi cho vay 6 tỷ đồng, trong đó vốn trung hạn 5 tỷ đồng và vốn ngắn hạn 1 tỷ đồng, giúp Công ty hoàn tất các hạng mục thi công để nhà máy sớm đi vào hoạt động.

 

 

Mặc dù nguồn vốn tín dụng ngân hàng đã góp phần tích cực phát triển nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn huyện Kiến Xương nhưng trong quá trình triển khai thực hiện Nghị định số 41 vẫn còn một số hạn chế như: việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cũng như triển khai thực hiện các cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển sản xuất trên địa bàn huyện còn chậm, các hộ vay vốn chưa được hưởng chính sách miễn giảm phí đăng ký giao dịch bảo đảm, cơ sở vật chất phục vụ hoạt động của các tổ chức tín dụng trên địa bàn huyện còn nhiều khó khăn… Do đó, để việc thực hiện Nghị định số 55 (thay thế Nghị định số 41) mang lại hiệu quả cao, thời gian tới, các ngành, các địa phương trong huyện tích cực thông tin, tuyên truyền về Nghị định số 55, các cơ chế, chính sách của tỉnh khuyến khích phát triển nông nghiệp, nông thôn và vai trò của ngành Ngân hàng đối với quá trình phát triển nông nghiệp, nông thôn và xây dựng nông thôn mới. Bên cạnh đó, các ngành, các địa phương cũng tạo điều kiện hỗ trợ để các tổ chức tín dụng được thuê đất xây mới hoặc nâng cấp trụ sở giao dịch; tạo điều kiện thuận lợi để người dân hoàn thiện thủ tục, hồ sơ vay vốn ngân hàng như: giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, chứng thực hợp đồng thế chấp, đăng ký giao dịch bảo đảm…

 

Đến ngày 30/6/2015

  • Dư nợ cho vay nông nghiệp, nông thôn đạt 1.680 tỷ đồng, tăng 2,1 lần so với thời điểm 31/12/2010, chiếm 13,3% dư nợ cho vay phát triển nông nghiệp, nông thôn toàn tỉnh
  • 33 doanh nghiệp và 31.627 cá nhân, hộ sản xuất còn dư nợ
  • Tốc độ tăng trưởng dư nợ cho vay nông nghiệp, nông thôn bình quân giai đoạn 2010 - 2014 đạt 18,3%/năm

 

 

Minh Hương

  • Từ khóa