Dấu chân phía trước
Trong cuốn “Lịch triều hiến chương loại chí” Phan Huy Chú đã nêu nhận xét: “Phủ Kiến Xương đất rộng, ruộng tốt, nhiều người giàu”. Trước đó, thế kỷ XV, Lý Tử Tấn cùng thời với Nguyễn Trãi cũng đã viết: “Vùng đất Sơn Nam bằng phẳng, cao ráo, cấy lúa thích hợp, nhân công làm lụng hơn các lộ khác, phí triều nuôi quân đều lấy ở đó”. Khi Hồ Quý Ly tiếm ngôi nhà Trần, để củng cố ngân khố triều đình, Hồ Quý Ly đã nhìn nhận đúng mức về vùng đất ven biển Ba Lạt (Chân Lợi) là một “kho người, vựa lúa”, ngay lập tức ông đã tiến cử viên quan tri phủ Kiến Xương thời nhà Trần đã nghỉ hưu lãnh xướng nhiệm vụ chiêu mộ dân nghèo khai hoang, đắp đê ngăn mặn từ Chân Lợi đến cửa Đại Toàn (Diêm Điền ngày nay)
Cuối thế kỷ XIII, đầu thế kỷ XIV địa danh Kiến Xương được xác lập sau đó đổi thành phủ Kiến Xương. Chân Lợi là một trong ba huyện của phủ Kiến Xương trấn giữ mặt biển và là vùng đất bãi bồi giàu tiềm năng. Đến thế kỷ XV, huyện Chân Lợi đổi thành Chân Định và cuối thế kỷ XIX đổi thành Trực Định.
Theo sách Hồng Đức đồ bản viết vào khoảng năm 1460 - 1490 huyện Chân Định có 62 xã và 1 trang, 1 tổng Đại Hoàng (gồm các xã Tây Lương, Tây Ninh và Tây Sơn ngày nay). Năm 1828, đầu thế kỷ XIX, Doanh điền sứ Nguyễn Công Trứ sau khi dẹp xong loạn Phan Bá Vành đã dâng sớ tâu vua Minh Mệnh thành lập huyện Tiền Hải. Năm 1949, thôn Thư Điền thuộc huyện Kiến Xương được cắt về huyện Tiền Hải. Năm 1969, các xã Bắc Hải, Phương Công, Vân Trường, Vũ Lăng và An Ninh tiếp tục được cắt về huyện Tiền Hải cho đến hôm nay.
Ngược dòng thời gian để tìm lại dấu chân phía trước, tổng Đại Hoàng xưa dấu tích còn lưu lại ở ba xã Tây Lương, Tây Ninh và Tây Sơn. Theo tài liệu khảo cứu ở xã Tây Lương do quá trình biển lùi lại được phù sa các sông Hồng, sông Trà bồi đắp đất đai Tây Lương ngày được rộng mở, cư dân ở các nơi tụ về đây ngày một thêm đông. Quá trình di dân về đất Tây Lương diễn ra qua nhiều thế kỷ và cộng đồng cư dân Tây Lương có nguồn gốc từ nhiều địa phương khác nhau. Một số tộc phả của các làng, các dòng họ có ghi người dân Tây Lương chủ yếu từ trấn Sơn Nam (Phủ Lý nay) xuống và vùng cửa Càn (Nghệ An) ra.
Cũng theo nguồn các tộc phả ở Tây Lương, thời điểm dân di cư đến đây đông đảo nhất và ổn định nhất vào năm 1727. Thời điểm này triều chính vua Lê - chúa Trịnh ở giai đoạn suy tàn, thối nát. Kinh tế suy yếu, triều chính rối ren dẫn đến nhiều cuộc khởi nghĩa của nông dân nổ ra liên tiếp. Quan quân nhà Chúa tiếm quyền vua Lê hoành hành dân chúng, đẩy dân chúng đến bờ khổ cực, khiến họ phải lang thang phiêu bạt khắp nơi và họ đã tìm đến vùng đất Tây Lương. Đất đai Tây Lương thời kỳ này còn là đất bãi bồi, nhiễm phèn mặn nên việc trồng cấy gặp nhiều khó khăn. Những cư dân đến vùng đất này đầu tiên đã lập lên các ấp, trại sống bằng nghề đánh bắt cá, tôm.
Thiên nhiên khắc nghiệt, bão gió phong ba thường xuyên lại thêm cướp biển quấy nhiễu (thôn Thiên Kiều xưa là nơi trú ngụ của cướp biển, nay thuộc xã Thái Học, huyện Thái Thụy) khiến nhiều cư dân phải bỏ đất ra đi. Những người ở lại đã đoàn kết chống chọi thiên nhiên, đào đắp đê ngăn mặn, trồng rừng vẹt ngăn sóng dữ, cải tạo đất đai lập làng ấp mới.
Đến năm 1757, các làng mới được thành lập, các dòng họ lấy tên làng cũ hoặc ghép địa danh nơi quê cũ với địa danh mới thành tên làng mới. Đại Hoàng cũng là tên một con sông ở trấn Sơn Nam (Phủ Lý), một số làng mang tên cũ cửa Càn (Nghệ An) ví dụ như làng Lương Phú ngày xưa gọi là ấp Phú Lương, tên ghép của địa danh thuộc cửa Càn.
Làng Đại Hoàng có ba thôn là Thượng, Nghĩa, Hiên. Người dân thôn Nghĩa trước đây rất giỏi nghề đánh bắt cá, tôm, tương truyền phụ nữ làng Nghĩa bắt cá, tôm bằng tay rất giỏi hoặc người làng chỉ đánh bắt cá, tôm bằng những dụng cụ rất thô sơ.
Làng Lương Phú xưa cũng nổi tiếng với nghề đánh bắt cá, tôm, nhưng biển đã lùi xa, đất đai mở rộng, nghề đánh bắt cá, tôm không còn được duy trì nữa, người dân đã chuyển làm nghề mộc, nghề xây dựng… giờ thì Lương Phú nhà nào cũng có người làm nghề, cả làng làm nghề. Do từ nhiều nơi tụ hội về đây nên từ xa xưa lệ làng vẫn được đặt lên hàng đầu, mọi người dân ngoài việc chấp hành nghiêm chỉnh quốc triều hình luật (sau này là pháp luật) đồng thời với việc thực hiện nghiêm lệ làng. Những mối quan hệ họ hàng, thân tộc, đồng hương, đồng tộc thường được họp lại thành một giáp. Giáp có vai trò quan trọng trong sinh hoạt của cộng đồng làng xã và cũng vì tha hương đến nơi này bén gốc rễ ở lại nên các tộc họ ở đây không hoàn toàn chi phối mọi hoạt động cộng đồng. Giữa các tộc họ có mối quan hệ bình đẳng, tương thân, tương ái.
Nhìn lại quá khứ, tổng Đại Hoàng vốn là nơi tụ hội của nhiều họ tộc từ các nơi dồn tụ về. Tổng Đại Hoàng gồm các làng lớn như Đại Hoàng, Lương Phú, Trà Lý, Tam Đồng, An Khang, Tiểu Hoàng, Hoàng Môn. Theo tài liệu lưu trữ, tổng Đại Hoàng thuộc huyện Chân Định, phủ Kiến Xương. Năm 1828, với kết quả khẩn hoang biển Tiền Châu, huyện Tiền Hải được thành lập, tổng Đại Hoàng thuộc về huyện Tiền Hải.
Ngay từ thời nhà Trần thế kỷ XIII, các vua Trần luôn coi trọng việc nhà nông. Năm 1266, vua Trần Thánh Tông xuống chiếu cho “vương hầu, công chúa, phò mã, cung tần chiêu tập dân phiêu tán không có sản nghiệp làm nô tỳ để khai khẩn ruộng bỏ hoang lập thành điền trang” đặc biệt đặt hệ thống quan chức trông coi đê sông, đê biển, đặt quan hà đê sứ ở Chân Lợi. Hàng năm vào tháng 6, tháng 7 quan coi đê phải tổ chức canh phòng và tổ chức ứng trực “nếu biếng nhác, không làm tròn nhiệm vụ để đến nỗi dân cư trôi dạt, lúa má bị ngập, tùy tội nặng nhẹ mà khiển phạt”. Do vậy, nhiều tôn thất, ngoại thích nhà Trần đã về vùng biển Chân Lợi khai ấp. Từ cuối triều Lê niên hiệu Quang Thuận (1460 - 1469) đê biển ở Chân Định đã được đắp sừng sững chắn sóng dữ từ làng Trình Phố xuống Cồn Trắng - Bạch Xa (nay thuộc xã Vân Trường, huyện Tiền Hải).
Ông Nguyễn Hữu Hưng, Trưởng phòng Nghiệp vụ, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Từ huyện Chân Lợi (thế kỷ XV) tiến tới đất Tiền Châu (thế kỷ XIX) là khoảng thời gian bồi đắp khá dài. Năm 1827, vì việc đánh dẹp khởi nghĩa Phan Bá Vành, Uy viễn tướng công Nguyễn Công Trứ được triều đình nhà Nguyễn cử về Chân Định. Khác mọi văn thần, võ tướng chỉ cần vua thăng thưởng mà đánh, riêng Nguyễn Công Trứ lại thấy nỗi đau “vì đâu dân phải làm phản, chung quy tất cả chỉ vì đói, vì khổ”. Dẹp xong loạn Phan Bá Vành, ông cho các nguyên mộ, thứ mộ dẫn tòng mộ đi tự do và được phiên chế vào các giáp, lý, ấp hoặc tùy số dân mộ khá hơn để cử ra lý trưởng, ấp trưởng. Chỉ trong vòng 3 tháng sở doanh điền Tiền Châu đã tập hợp được 109 nguyên mộ, trong đó có 93 người xuất thân dòng con cháu quan lại, nhà nho và giàu có, 16 nguyên mộ thuộc tầng lớp nghèo (có 1 nguyên mộ người công giáo). Các vị có gia cảnh khá giả hoặc có kiến thức đều bám trụ vững, chỉ có 7 nguyên mộ nghèo bỏ cuộc (tương truyền quan doanh điền cho qua, không truy cứu đòi bồi thường, vì họ cũng không có gì để tịch biên gia sản). Ông Phạm Xuân Đào, hội viên Hội Văn học Nghệ thuật Năm 1427, khởi nghĩa Lam Sơn toàn thắng, năm 1428 Lê Lợi xưng Hoàng đế. Ngay sau ngày lên ngôi, vua đã xuống chiếu “hai năm không thu thuế ruộng, đầm phá, bãi dâu trong cả nước”, “trả lại ruộng đất đã bị tịch thu cho những người dân bị giặc bắt vào thành”. Vua Lê còn thực hiện một chính sách quan trọng bãi bỏ chế độ điền trang có từ thời Trần, giải phóng nông dân, chia ruộng đất cho nông dân và thực hiện chế độ quân cấp công điền… giao cho chính quyền cơ sở phải quan tâm đến sản xuất… giao cho các công thần đi khai hoang, phục hóa, mở đất… Đó cũng là điều kiện để nhân dân Chân Lợi có điều kiện phát triển sản xuất, mở mang ruộng đất, khai hoang lấn biển.Ông Phạm Quốc Chử, chủ tịch hội đồng họ Phạm, huyện Tiền Hải Sau 20 năm dưới sự đô hộ của nhà Minh, kinh tế đất nước kiệt quệ trong đó 10 năm liền dưới sự chỉ huy của Lê Lợi nhân dân ta tiến hành cuộc khởi nghĩa Lam Sơn thắng lợi, Lê Lợi lên ngôi vua đã thi hành chính sách khôi phục kinh tế, huy động các công thần tiên phong đi khai hoang, mở đất. Huyện Chân Lợi thuộc phủ Kiến Xương thế kỷ XV đã đón tiếp nhiều công thần nhà Lê về mở đất, trong đó Phạm Phúc Thiện (Trình Phố), Phạm Tri Vận (Công Bồi, nay là Phương Trạch, xã Phương Công), con cháu Huyện Thượng hầu Phạm Văn Xảo (làng Thư Điền, xã Tây Giang), những công thần họ Phạm này là bậc tiên công mở đất cho đến nay khoảng 17 đến 20 đời. |
Quang Viện
Tin cùng chuyên mục
- Tiền Hải cải thiện ô nhiễm môi trường nông thôn 29.10.2018 | 10:05 AM
- Tiền Hải gỡ khó phát triển Đảng ở vùng giáo (Tiếp theo và hết) 26.10.2018 | 10:04 AM
- Tiền Hải: Tuyên truyền đảm bảo an ninh an toàn công trình đường ống dẫn khí trên biển Thái Bình. 25.10.2018 | 17:07 PM
- Tiền Hải gỡ khó phát triển Đảng ở vùng giáo (Kỳ 2) 25.10.2018 | 08:39 AM
- Thành công mô hình nuôi thử nghiệm 7.500 con vịt biển Đại Xuyên 24.10.2018 | 15:00 PM
- Tiền Hải gỡ khó phát triển Đảng ở vùng giáo (Kỳ 1) 24.10.2018 | 08:26 AM
- Tiền Hải phát triển nhiều mô hình nông nghiệp sạch 21.10.2018 | 07:12 AM
- Vững vàng nơi chân sóng 15.10.2018 | 10:20 AM
- Những mục tiêu mới đang ở phía trước 13.10.2018 | 16:12 PM
- Tiền Hải - Từ truyền thống vẻ vang đến tương lai tươi sáng 13.10.2018 | 15:46 PM
Xem tin theo ngày
- Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh
- Hội nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy
- Đồng chí Nguyễn Khắc Định, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội: Tiếp xúc cử tri tại huyện Quỳnh Phụ, Hưng Hà
- Đồng chí Nguyễn Khắc Thận, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh được bầu giữ chức Bí thư Tỉnh ủy, nhiệm kỳ 2020 - 2025
- Cử tri quan tâm đến việc xây dựng nhà máy xử lý rác thải công nghệ cao
- Kỳ họp thứ tám, Quốc hội khóa XV: Xem xét, quyết định nhiều vấn đề quan trọng, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về thể chế, chính sách, khơi thông nguồn lực phát triển
- Trên 1,3 triệu đại biểu tham dự hội nghị triển khai tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII
- Bế mạc kỳ họp thứ tám Quốc hội khoá XV
- Trao giải thưởng Lương Định Của lần thứ XIX năm 2024 cho 36 thanh niên xuất sắc tiêu biểu
- Thông báo dự thảo báo cáo kết quả kiểm tra công tác lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện Kết luận số 21-KL/TW