Chủ nhật, 19/05/2024, 07:42[GMT+7]

Tiền Hải: Nhiều giải pháp để công nghiệp cất cánh

Thứ 7, 13/10/2018 | 10:42:13
2,404 lượt xem
Xác định công nghiệp là một trong ba trụ cột quan trọng trong phát triển kinh tế, phát huy tiềm năng, thế mạnh của huyện, Tiền Hải đã tập trung mọi nguồn lực đầu tư hạ tầng, tạo môi trường sản xuất, kinh doanh thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân. Những kết quả đạt được rất đáng ghi nhận, thực sự mở ra bức tranh kinh tế sinh động cho địa phương.

Dây chuyền sản xuất của Công ty TNHH Sứ Đông Lâm (Tiền Hải).

Để tạo sự thống nhất từ trong Đảng tới các cấp chính quyền, đoàn thể và các tầng lớp nhân dân, Ban Thường vụ Huyện ủy Tiền Hải thường xuyên lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, nhất là quán triệt sâu rộng nội dung Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX về ba đột phá chiến lược tăng trưởng kinh tế. Trong đó, huyện tập trung cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh và cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh. Cùng với đó, Huyện ủy cũng có nghị quyết chuyên đề về đẩy mạnh phát triển công nghiệp trở thành ngành kinh tế mũi nhọn trong phát triển kinh tế.

Gần 3 năm qua, Tiền Hải đã huy động mọi nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng, kỹ thuật: các tuyến giao thông; quy hoạch, nâng cấp hệ thống điện, hệ thống phân phối khí thấp áp bảo đảm đồng bộ, đáp ứng nhu cầu sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp. Năm 2017, toàn huyện đã xây dựng mới và cải tạo được 12,5km đường huyện, nâng tổng số đường huyện đạt tiêu chuẩn theo quy hoạch là 47,2/80,1km. Hiện tại, Tiền Hải đang triển khai xây dựng tuyến đường ĐH.35 dài 9km, ĐH.33 dài 7,5km, làm thủ tục chuẩn bị đầu tư đường ĐH.34 dài 6,5km. Sau khi các tuyến đường hoàn thành sẽ đạt 87,64% hệ thống đường huyện đạt tiêu chuẩn cấp IV đồng bằng theo quy hoạch. Tiền Hải cũng tích cực vận động nhân dân thực hiện tốt phong trào xây dựng đường giao thông nông thôn theo phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”; đã tiếp nhận 138.767 tấn xi măng hỗ trợ của tỉnh, huy động nhân dân tự nguyện hiến 4.685.040m2 đất, hàng trăm tỷ đồng và hàng triệu ngày công lao động xây dựng 32,6km đường giao thông trục xã, 234,31km đường trục thôn, 423,04km đường nhánh cấp I, 92,5km đường giao thông nội đồng...

Huyện cũng triển khai mở rộng khu công nghiệp Tiền Hải với diện tích 466ha; cụm công nghiệp An Ninh 50ha thu hút hàng chục dự án lớn đầu tư vào địa bàn. Đặc biệt, Tiền Hải phối hợp với các sở, ngành, đơn vị của tỉnh thực hiện các bước quy hoạch chung cho 16 xã nằm trong khu kinh tế Thái Bình góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho người dân địa phương, doanh nghiệp trong và ngoài huyện đầu tư phát triển kinh tế. Nhiều doanh nghiệp khi đầu tư và đi vào hoạt động đều đánh giá cao môi trường đầu tư, kinh doanh của huyện Tiền Hải được cải thiện rõ rệt; hạ tầng giao thông tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp được nâng cấp, hấp dẫn nhà đầu tư. Chỉ tính riêng năm 2017 và 9 tháng đầu năm 2018, Tiền Hải đã thu hút gần 40 dự án đăng ký đầu tư với tổng số vốn hơn 4.000 tỷ đồng.

Không chỉ có môi trường đầu tư thông thoáng, Tiền Hải còn triển khai đồng bộ các giải pháp: giải phóng mặt bằng, tạo quỹ đất sạch cho doanh nghiệp; tổ chức đối thoại tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp; có cơ chế khuyến khích đầu tư và hỗ trợ sản xuất; đào tạo nguồn nhân lực phục vụ các khu công nghiệp, cụm công nghiệp và làng nghề. Nhờ đó, các dự án đi vào hoạt động sản xuất, kinh doanh đều phát huy hiệu quả, giải quyết việc làm và thu nhập ổn định cho trên 6.000 lao động nông thôn. Nhiều doanh nghiệp có doanh thu cao: nhà máy gạch Mikado đạt 300 tỷ đồng/năm, nhà máy gạch Viglacera đạt 250 tỷ đồng/năm, Công ty Sứ Hảo Cảnh đạt 260 tỷ đồng/năm, Công ty Pha lê Việt Tiệp đạt 145 tỷ đồng/năm và Công ty Sứ Đông Lâm đạt 58 tỷ đồng/năm.

Ông Vũ Văn Toan, Phó Trưởng phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Tiền Hải cho biết: Đối với việc phát triển nghề và làng nghề, Tiền Hải phát huy tối đa tiềm năng, thế mạnh của huyện, tập trung thu hút đầu tư để phát triển các sản phẩm làng nghề gắn với xây dựng nông thôn mới. Trong đó, huyện khuyến khích, hỗ trợ cho các doanh nghiệp về công tác giải phóng mặt bằng tại các cụm công nghiệp, các thủ tục hành chính và các thủ tục pháp lý để doanh nghiệp đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các dự án. Tạo điều kiện để các làng nghề, các doanh nghiệp trên địa bàn huyện xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm, mở rộng thị trường. Triển khai hiệu quả đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn, tập trung vào các nghề: may mặc, cơ khí chế tạo, chế biến nông, lâm, thủy sản. Tiền Hải tiếp tục triển khai đề án phát triển ngành nghề tiểu thủ công nghiệp và các làng nghề tại các xã khu Nam, giai đoạn 2016 - 2020 với các nghề: làm nón, dệt chiếu, chế biến nước mắm, chế biến thủy sản, chế biến gỗ gia dụng và mỹ nghệ... Ngoài ra, huyện cũng khuyến khích người dân xây dựng mô hình tổ hợp tác nhằm tạo mối liên kết trong quá trình phát triển sản xuất, kinh doanh; tổ chức đào tạo, nâng cao tay nghề cho lao động; tập trung đầu tư máy móc, đổi mới mẫu mã, nâng cao chất lượng sản phẩm làng nghề, mở rộng thị trường trong và ngoài nước.

Trong những năm tới, để phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp theo hướng bền vững, Tiền Hải chủ trương thực hiện tốt công tác cải cách hành chính theo hướng tinh gọn, nhanh chóng, đúng pháp luật, tạo mọi điều kiện hỗ trợ cho các doanh nghiệp khi thực hiện dự án đầu tư trên địa bàn. Tăng cường trao đổi, đối thoại với các doanh nghiệp nhằm nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp để kịp thời có giải pháp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển sản xuất cho doanh nghiệp. Thực hiện các cơ chế hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng để phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp. Đặc biệt, huyện xây dựng lộ trình phát triển nghề và làng nghề tại các địa phương, hình thành các cơ sở vệ tinh cung cấp nguyên liệu cho các doanh nghiệp khi khu kinh tế ven biển thành lập.

Ông Phạm Hồng Tùng, Phó Bí thư Huyện ủy Tiền Hải cho biết: Để tiếp tục thúc đẩy phát triển đồng bộ hệ thống đường giao thông, Ban Thường vụ Huyện ủy chỉ đạo cấp ủy, chính quyền từ huyện đến cơ sở vận dụng sáng tạo các cơ chế, chính sách, khai thác tối đa nguồn lực đầu tư các nguồn vốn của trung ương, của tỉnh dành cho phát triển hạ tầng giao thông. Thực hiện lồng ghép có hiệu quả, ưu tiên sử dụng nguồn vốn ngân sách trong Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới để thực hiện tiêu chí giao thông. Đồng thời, huyện chú trọng phát triển giao thông nông thôn theo quy hoạch gắn với nâng cấp các tuyến đường hiện có, phát triển phù hợp với quy hoạch kết cấu hạ tầng và quy hoạch sử dụng đất. Thực hiện tốt phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, phát huy sức lực, nguồn lực của nhân dân đóng góp để phát triển mạng lưới giao thông nông thôn trên địa bàn. Nâng cao nhận thức của cấp ủy, chính quyền và các tầng lớp nhân dân về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của hạ tầng giao thông. Thực hiện tốt việc quy hoạch, giải phóng mặt bằng xây dựng các tuyến đường ven biển nằm trong khu kinh tế biển nhằm khai thác tối đa lợi thế về điều kiện tự nhiên, vị trí trong việc kết nối kinh tế, công nghiệp, thương mại, dịch vụ, du lịch với các địa bàn lân cận. Kết hợp chặt chẽ giữa thu hút đầu tư, phát triển hạ tầng giao thông với bảo đảm quốc phòng, an ninh, bảo tồn và phát huy giá trị của hệ sinh thái biển.

Với tiềm năng: tài nguyên thiên nhiên phong phú, vị trí địa lý thuận lợi, nguồn nhân lực dồi dào, hạ tầng đồng bộ theo hướng hiện đại cùng với những cơ chế thu hút đầu tư thông thoáng, Tiền Hải đang trở thành điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư. Với truyền thống đoàn kết, cần cù, chịu khó, sáng tạo trong lao động, sản xuất, mỗi người dân Tiền Hải đang trở thành những cánh én dệt nên mùa xuân cho bức tranh kinh tế của vùng đất cửa ngõ tiến ra biển Đông của Thái Bình.

Hà Thanh