Chủ nhật, 24/11/2024, 21:22[GMT+7]

Vai trò của nông dân trong công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông thôn

Thứ 2, 15/10/2018 | 08:10:16
3,921 lượt xem
Trong quá trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, nông dân đóng vai trò chủ thể. Nhận thức rõ điều này, những năm qua, các cấp hội nông dân trong tỉnh đã phát huy vai trò, sức mạnh của giai cấp nông dân thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới đạt những kết quả nổi bật.

Mô hình trồng cam của ông Nguyễn Văn Vinh, thôn Phú La, xã Đô Lương (Đông Hưng) cho hiệu quả kinh tế cao.

Từ mảnh đất chua trũng, cấy lúa kém hiệu quả, năm 2012, ông Nguyễn Văn Vinh, thôn Phú La, xã Đô Lương, huyện Đông Hưng đầu tư hàng chục triệu đồng cải tạo, chuyển đổi sang trồng 2.000 cây cam chanh và cam đường. Năm 2014, vườn cam của ông Vinh cho thu hoạch vụ đầu tiên, những năm sau đó đều cho năng suất cao. Năm 2017, 2.000 cây cam cho 4 tấn quả, vợ chồng ông thu 120 triệu đồng, gấp nhiều lần cấy lúa. Năm nay, vườn cam của ông Vinh cũng sai trĩu quả chuẩn bị cho thu hoạch ước đạt 5 tấn, bán được khoảng 150 triệu đồng. Điều đặc biệt là ông Vinh trồng và chăm sóc cam theo quy trình VietGap, chỉ dùng thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc hữu cơ và phân hữu cơ nên cam quả to, mọng nước, vị ngọt thanh mát, cung không đủ cầu. Mô hình trồng cam của ông Vinh đã mở ra một hướng đi mới trong phát triển nông nghiệp hàng hóa ở các địa phương, có thể giúp nông dân biến “tấc đất thành tấc vàng”, làm giàu trên chính đồng ruộng quê hương.

Năm 2006, anh Nguyễn Văn Liệu ở xã Thụy Liên, huyện Thái Thụy đấu thầu 30ha đất ven sông Diêm Hộ của xã đầu tư nuôi trồng thủy sản. Trải qua muôn vàn khó khăn, bằng ý chí quyết tâm vươn lên làm giàu, anh Liệu đã biến bãi cỏ hoang hóa thành những ao nuôi cua, tôm, cá thu bạc tỷ. Anh còn tự bỏ kinh phí đi học đại học chuyên ngành thủy sản, nghiên cứu xây dựng quy trình kỹ thuật “Lưu cá vược giống qua đông” và “Nuôi cá vược thương phẩm ghép 3 đối tượng: cá vược - cá rô phi - vọp”. Thành công của 2 quy trình đã cho tỷ lệ cá vược sống qua mùa đông cao, tạo ra một chu trình nuôi khép kín về năng lượng, tận dụng tối đa diện tích đất, giảm chi phí, tăng thu nhập. Năm 2011, anh chuyển nhượng 21ha cho 16 hộ gia đình, 9ha còn lại vay thêm vốn đầu tư, cải tạo chuyển sang nuôi thâm canh và bán thâm canh tôm sú và cua xanh. Với cách làm đó, thu nhập gia đình ngày một tăng, năm 2017 lãi 1,5 tỷ đồng, tạo việc làm thường xuyên cho 5 - 10 lao động với thu nhập bình quân 3,5 - 4 triệu đồng/người/tháng và hàng chục lao động thời vụ với thu nhập 3,5 triệu đồng/người/tháng. Với những nỗ lực của mình, anh Liệu đã nhận được nhiều giải thưởng, giấy khen, bằng khen của các cấp, các ngành. Anh cũng được vinh danh là 1 trong 87 hội viên nông dân tiêu biểu toàn quốc 30 năm đổi mới.

Mô hình nuôi tôm công nghệ cao ở xã Thái Thượng (Thái Thụy).

Ông Vinh và anh Liệu chỉ là hai trong hàng vạn nông dân Thái Bình biết khai thác tiềm năng, lợi thế về đất đai, sản xuất, kinh doanh giỏi vươn lên làm giàu. 

Ông Nguyễn Văn Hòa, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh cho biết: Để phát huy vai trò của nông dân trong quá trình  công nghiệp hóa - hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, tổ chức hội đã phát động sâu rộng phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”, thu hút đông đảo nông dân tham gia. Trong 10 năm (2008 - 2018), toàn tỉnh có 487.640 hộ hội viên đăng ký sản xuất, kinh danh giỏi các cấp, đạt 81,54% so với tổng số hội viên. Tạo động lực cho phong trào, Hội Nông dân tỉnh ký kết chương trình phối hợp với các sở, ngành và các ngân hàng, một số doanh nghiệp... hỗ trợ nông dân tiếp cận nguồn vốn ưu đãi, thông tin thị trường, giới thiệu những mô hình, các điển hình tiên tiến trong sản xuất, kinh doanh, dạy nghề và tư vấn hỗ trợ việc làm, chuyển giao khoa học kỹ thuật, xây dựng mô hình điểm để nông dân tham quan học tập và làm theo. 

10 năm qua, tổ chức hội đã tổ chức chuyển giao khoa học kỹ thuật 24.900 lớp cho 1.992.000 lượt người tham gia; thực hiện ủy thác với Ngân hàng Chính sách xã hội tổng dư nợ 962,31 tỷ đồng cho 36.533 hộ vay, tín chấp với Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổng số dư nợ 1.305,609 triệu đồng cho 27.606  hộ hội viên vay;  tín chấp trên 7.200 tấn phân bón các loại, xây dựng nhiều mô hình điển hình và tổ chức 980 buổi tham quan các mô hình sản xuất giỏi để nông dân học tập, trao đổi kinh nghiệm; vận động và huy động tạo nguồn quỹ hỗ trợ nông dân, quỹ phát triển khoa học công nghệ, quỹ quốc gia giải quyết việc làm 23,1 tỷ đồng... giúp hội viên xây dựng các dự án khả thi để tổ chức sản xuất có hiệu quả. Ngoài ra, các cấp hội đã tổ chức 1.137 buổi tuyên truyền về kinh tế tập thể cho 86.401 lượt người và tổ chức tập huấn kiến thức về kinh tế tập thể 3.825 lớp cho 420.920 lượt người tham gia; hướng dẫn xây dựng 70 mô hình tổ hợp tác mới có hiệu quả. Với sự hỗ trợ tích cực của tổ chức hội, nhiều nông dân đã năng động, đầu tư vốn giống, tiền của, công sức phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu, trở thành những hộ sản xuất, kinh doanh giỏi. Kết quả, 10 năm qua, các cấp hội đã bình xét 369.232 hộ đạt danh hiệu sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp, đạt 76% so với tổng số hộ đăng ký, 5 cá nhân đạt danh hiệu “Nông dân Việt Nam xuất sắc”.

Cùng với thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, các cấp hội tích cực tuyên truyền, vận động hội viên, nông dân đóng góp ủng hộ quỹ vì người nghèo; chỉ đạo mỗi chi hội nông dân đăng ký giúp đỡ 2 hộ nghèo có điều kiện phát triển sản xuất, vươn lên thoát nghèo. Đến nay đã có 100% chi hội đăng ký và có 1.494 chi hội giúp đỡ cho 2.988 hộ nghèo về tiền vốn, giống cây, giống con để hộ nghèo phát triển sản xuất, vươn lên ổn định cuộc sống. Không chỉ thi đua phát triển kinh tế, nông dân Thái Bình tích cực tham gia xây dựng nông thôn mới, đóng góp trên 80 tỷ đồng, 729,2 triệu ngày công, hiến được trên 2.501ha đất, tháo dỡ 65,850m2 tường, 452 cổng dậu... làm đường giao thông nông thôn. Hàng năm có 95% số hộ hội viên nông dân đăng ký và phấn đấu đạt gia đình văn hóa. Các cấp hội tích cực  xây dựng mô hình nông dân tự quản về phòng, chống ma túy, phòng, chống tội phạm; tuyên truyền, vận động hội viên, nông dân gương mẫu chấp hành pháp luật, tham gia xây dựng thôn, xã không có người phạm tội; không có người tàng trữ vũ khí, vật liệu nổ, buôn bán và đốt pháo nổ; phát hiện, tố giác tội phạm; cảm hóa, giáo dục người phạm tội hòa nhập cộng đồng. Những đóng góp của nông dân trong xây dựng nông thôn mới góp phần quan trọng đưa Thái Bình vươn lên trở thành điểm sáng của cả nước với 200 xã về đích và 1 huyện được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới.

Nguyễn Hình