Thứ 6, 22/11/2024, 22:12[GMT+7]

400 đơn vị tham gia 3 triển lãm quốc tế chuyên ngành dệt may, da giày

Thứ 2, 22/10/2018 | 15:10:08
1,122 lượt xem
Từ ngày 21 – 24/11, 400 đơn vị trong và ngoài nước sẽ cùng tham gia 3 triển lãm quốc tế gồm: Triển lãm Quốc tế ngành công nghiệp dệt may lần thứ 18 (VTG 2018), triển lãm máy móc, thiết bị và nguyên phụ liệu dệt may (Vitatex); triển lãm ngành công nghiệp da giày - nguyên phụ liệu tại Việt Nam (VFM) và Triển lãm ngành công nghiệp hóa chất dệt may tại châu Á (Interdye Asia 2018).

Các đơn vị chuyên ngành dệt may, da giày Việt Nam có cơ hội gặp gỡ, giao lưu với các doanh nghiệp nước ngoài khi tham gia triển lãm.

Sự kết hợp bộ ba triển lãm VTG, VFM và Interdye Asia được xem là triển lãm quy mô và toàn diện nhất Việt Nam hiện nay. Đây cũng là nơi tập hợp hầu hết các ngành công nghiệp dệt may, da giày của các đơn vị trong và ngoài nước. Ba triển lãm quốc tế đều do Công ty Vinexad phối hợp với Công ty Yorkers cùng tổ chức.

Theo đó, triển lãm đã thu hút hơn 400 đơn vị tham gia với hơn 600 gian hàng của hàng trăm thương hiệu nổi tiếng từ 11 quốc gia và vùng lãnh thổ như: Trung Quốc, Đức, Hong Kong, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia, Bồ Đào Nha, Đài Loan, Thổ Nhĩ Kỳ và Việt Nam.

Trong đó, VFM 2018 sẽ giới thiệu hàng loạt máy móc thiết bị như máy làm giày dép, máy đùn, máy làm da nhân tạo, máy làm túi, hệ thống CAD/CAM, nguyên liệu giày dép… Triển lãm được kỳ vọng sẽ mang lại nhiều lựa chọn về các thành phần sản xuất trong chuỗi giá trị giày dép. Hơn nữa, việc VFM diễn ra đồng thời và cùng địa điểm với triển lãm VTG 2018 sẽ mang đến nhiều lựa chọn hơn về thiết bị sản xuất, công nghệ, hệ thống hỗ trợ liên quan cho các doanh nghiệp trong nước.

Còn triển lãm Interdye Asia 2018 được đánh giá là sự kiện hàng đầu thế giới đã diễn ra khắp châu Á, Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ, Indonesia và Việt Nam. Năm nay, một lần nữa Interdye Asia đến với thị thường Việt Nam để góp phần phát triển ngành dệt may nói chung và ngành hóa chất phục vụ cho chuyên ngành dệt may nói riêng.

Theo ban tổ chức, trong nửa đầu năm 2018, khi doanh thu sản xuất và xuất khẩu ngành công nghiệp dệt may nằm trong top 5 trên thế giới, doanh thu xuất khẩu đạt mốc gần 20 tỷ USD trong 8 tháng đầu năm 2018. Ngoài ra, nhiều tập đoàn dệt may đã duy trì tăng trưởng ổn định thông qua việc hợp tác với các khách hàng hiện tại. Hơn nữa, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) đã sẵn sàng tạo ra các hiệu ứng tốt cho ngành dệt may. Với các yếu tố tích cực trong năm 2018, cùng các lợi thế đến từ các hiệp định thương mại tự do như CPTPP, EVFTA… cho thấy tiềm năng phát triển mạnh mẽ của ngành công nghiệp dệt may.

Đối với ngành da giày, Việt Nam đã trở thành quốc gia xuất khẩu giày dép và túi xách lớn thứ 3 thế giới, doanh thu sản xuất và xuất khẩu các sản phẩm liên quan cũng đã tăng nhanh. Tuy nhiên, hạn chế về năng suất sản xuất liên quan đến máy móc ngành giày da của Việt Nam là một bất lợi cần phải được khắc phục. Chính vì thế, việc diễn ra đồng thời ba triển lãm lần này được các doanh nghiệp trong ngành đánh giá rất cao và kỳ vọng sẽ tìm được cơ hội giao thương tốt qua triển lãm.

Theo baotintuc.vn