Thứ 6, 22/11/2024, 04:22[GMT+7]

Phá thế ốc đảo (Kỳ 2)

Thứ 6, 17/07/2020 | 15:19:40
3,112 lượt xem
Nông thôn quê lúa giờ đã khác. Những con đường bê tông kiên cố phẳng lì hai bên trồng hoa rực rỡ là minh chứng rõ nét nhất cho quá trình xây dựng NTM bền bỉ suốt 10 năm, cho một “phép màu” đã được hiện thực hóa. Có thể nói, những con đường chính là cầu nối rút ngắn khoảng cách giữa nông thôn và thành thị, góp phần thay đổi diện mạo làng quê.

Đường giao thông nông thôn sáng, xanh, sạch, đẹp.

Kỳ 2: Giao thông mở lối 

Nông thôn giàu đẹp

Đường đất nay đã hóa bê tông, không khí trong lành, an ninh bảo đảm, tình làng nghĩa xóm đậm đà đã biến nông thôn Thái Bình trở thành nơi “đáng sống” giữa bối cảnh thành thị đang mỗi lúc một chật chội, ô nhiễm. Công tác quy hoạch hoàn thành, từ một vùng thôn quê nghèo khó, đường sá chật hẹp, vườn tạp, ít có giá trị kinh tế thì nay hệ thống đường làng đã được rải bê tông phẳng lì, rộng rãi, hai bên đều có hàng rào cây xanh hay các đường hoa sặc sỡ sắc màu… 

Niềm vui trên những con đường hoa rực sắc màu.

Trên các cánh đồng, hệ thống kênh mương cơ bản đã được cứng hoá, bờ vùng, bờ thửa to rộng, máy móc xuống tận ruộng. Sau dồn điền đổi thửa, mỗi hộ chỉ còn 1 - 2 thửa ruộng, thuận tiện cho sản xuất hàng hoá tập trung. Hình thành ngày càng nhiều vùng sản xuất hàng hoá mô quy lớn, có giá trị kinh tế cao..

Ô tô xuống tận ruộng thu hoạch rau màu.

Video: Clip_1_ky_2_WED_17_7_2020.mp4

Sống trong những làng quê nông thôn bình dị, không khí trong lành, ô tô vào tận nhà, người già thì mừng vui, trẻ em thì háo hức. Những gì mà NTM mang lại đã cho người dân thấy rõ những giá trị thực của nó. Việc xây dựng cảnh quan, dọn vệ sinh đường làng, ngõ xóm, trồng hoa 2 bên đường đã trở thành việc làm thường xuyên của mỗi người dân quê lúa Thái Bình. 

Cụ Nguyễn Thị Nhài, thôn An Ký Đông, xã Quỳnh Minh (Quỳnh Phụ) năm nay đã ngoài 90 tuổi, phấn khởi: Người già chúng tôi giờ chỉ mong sống lâu để chứng kiến sự đổi mới của quê hương. Đường làng ngõ xóm rộng thênh thang, đời sống người dân ngày càng có “của ăn của để”. 

Giao thông phát triển, các công ty, xí nghiệp, nhà máy cũng theo đó về làng. Các khu, cụm công nghiệp mọc lên ngày càng nhiều. Giờ đây, trên 90% lao động nông thôn có việc làm ngay tại quê hương, với các nghề may mặc, đồ giày da, may tre đan, dệt… thu nhập đạt từ 4 - 7 triệu đồng/người/tháng. 

Đường quê rộng thênh thang, ô tô vào tận nhà.

Anh Đỗ Văn Tuấn, thôn Bình Ngọc, xã Quỳnh Hồng (Quỳnh Phụ) cho biết: Trước đây tôi làm công nhân ở tỉnh Bình Dương nhưng quê hương bây giờ đổi thay rất nhiều; hạ tầng giao thông phát triển đồng bộ, các doanh nghiệp đặt nhà máy ngay tại địa phương nên tôi đã trở về quê làm cho gần nhà. Thu nhập ổn định, từ 5 - 6,5 triệu đồng/người/tháng nên tôi rất yên tâm gắn bó với công việc chỉ cách nhà hơn 1km.

Video: Clip_2_ky_2_WED_17_7_2020.mp4

Giảm tai nạn giao thông

Đường giao thông nông thôn được mở rộng, bê tông hoá không chỉ giúp người dân lưu thông, vận chuyển nông sản, hàng hoá hóa phát triển kinh tế - xã hội mà còn góp phần giảm thiểu tai nạn giao thông. 

Ông Vũ Duy Ứng, thôn Bến Hiệp, xã Quỳnh Giao (Quỳnh Phụ) cho biết:

Audio: ong_VU_DUY_UNG_thon_Ben_Hiep_xa_Quynh_Giao_h_Quynh_Phu.mp3

Sau 10 năm xây dựng NTM, hệ thống giao thông nông thôn huyện Đông Hưng đã có những thay đổi đáng kể. Ông Tô Xuân Thức, Chủ tịch UBND huyện Đông Hưng cho biết: Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, đến nay, các xã đã nâng cấp được 90% các tuyến đường do xã quản lý, bảo đảm đạt chuẩn và quy định của Bộ Giao thông Vận tải, nâng cấp cơ bản cầu cống dân sinh. 100% đường thôn, xóm được cứng hóa đạt tiêu chuẩn NTM. Qua đó, góp phần phát triển vào kinh tế - xã hội và kéo giảm tai nạn giao thông khu vực nông thôn. Cùng với đó, các ban, ngành, đoàn thể ở huyện thường xuyên tổ chức tuyên truyền lồng ghép về an toàn giao thông trong các cuộc họp của hội đoàn thể. Ra quân vệ sinh môi trường, phát quang cây cối, chỉnh sửa tường rào để tránh ảnh hưởng tầm nhìn tại các điểm giao cắt trên đường liên xã, liên thôn. Công an huyện, xã kết hợp cùng đội dân quân tự vệ tăng cường tuần tra kiểm soát ở địa bàn, chú ý những nơi có lưu lượng xe qua đông. Không chỉ tuyên truyền, nhắc nhở... mà còn xử lý vi phạm để nâng cao ý thức tham gia giao thông của người dân.

Gờ giảm tốc góp phần giảm tai nạn giao thông khu vực nông thôn Thái Bình.

 Đại uý Lê Hữu Mạnh, Đội phó Đội Cảnh sát giao thông, Công an huyện Đông Hưng cho biết: Với sự chung sức của chính quyền địa phương và nhân dân, những năm gần đây hệ thống giao thông của huyện có nhiều chuyển biến tích cực, ý thức chấp hành giao thông của người dân được nâng lên, do đó tai nạn giao thông tại khu vực nông thôn giảm đáng kể. 

Bà Nguyễn Thị Chĩnh, thôn Nam Lỗ, xã Chương Dương (Đông Hưng) chia sẻ: Trước đây, hầu hết các tuyến đường thôn xóm nhỏ hẹp, thường chỉ có xe máy, xe đạp lưu thông; vật liệu xây dựng phải dùng xe thô sơ vận chuyển từ đầu ngõ vào, rất vất vả và tốn kém nhân công. Mưa bùn, nắng bụi, đi lại rất khó khăn. Bây giờ thì đổi thay nhiều, xe ô tô đến tận nhà. Cùng với đó, nhiều công trình "thắp sáng đường quê", các tuyến đường ban đêm điện sáng rực rỡ, giao thông đi lại thuận tiện, ý thức tham gia giao thông của người dân nông thôn được nâng cao nên nhiều năm nay thôn không có vụ va trạm giao thông trong khu dân cư.


Ông Nguyễn Bá Quyết, Phó Chủ tịch UBND xã Quỳnh Giao (Quỳnh Phụ)

Được sự quan tâm của tỉnh Thái Bình, huyện Quỳnh Phụ, những năm gần đây, hạ tầng giao thông của Quỳnh Giao được đầu tư đồng độ, thuận lợi cho việc giao thương, phát triển kinh tế - xã hội. Hoàn thành 100% tuyến đường trục xã, trục thôn, đường nhánh cấp I. Xã đã thu hút được 14 doanh nghiệp vào đầu tư sản xuất tại Cụm công nghiệp. Tạo việc làm ổn định cho người lao động với thu nhập từ 4 - 6 triệu đồng/người/tháng.

Đại uý Vũ Duy Mạnh, Trưởng Công an xã Đông Sơn (Đông Hưng)

Xã Đông Sơn về đích NTM từ năm 2014, với 100% tuyến đường giao thông nông thôn được mở rộng từ nguồn lực trong dân. Để bảo đảm trật tự an toàn giao thông trên địa bàn, Công an xã đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến Luật Giao thông đường bộ tới các tầng lớp nhân dân, góp phần tạo thói quen ứng xử đúng pháp luật, có văn hóa khi tham gia giao thông.Nhiều năm nay, không có điểm nóng, không có tai nạn giao thông nghiêm trọng xảy ra trong các tuyến đường giao thông nông thôn.




(còn nữa)

Nhóm phóng viên

  • Từ khóa