Thứ 2, 25/11/2024, 08:54[GMT+7]

Tổng cục Đường bộ Việt Nam yêu cầu đẩy nhanh việc lắp camera giám sát trên xe khách

Thứ 2, 12/04/2021 | 08:08:41
2,911 lượt xem
Theo Tổng cục Đường bộ Việt Nam, tính đến nay thời hạn lắp camera trên xe và thời hạn áp dụng phần mềm quản lý bến xe khách đối với các bến xe loại 5 và loại 6 đã đến gần.

Các đơn vị kinh doanh vận tải trên địa bàn có phương tiện thuộc đối tượng phải lắp camera khẩn trương lắp đặt xong trước ngày 1/7. Ảnh minh họa: TTXVN

Tổng cục Đường bộ Việt Nam vừa có văn bản yêu cầu Sở Giao thông Vận tải các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đôn đốc thực hiện lắp camera trên xe khách theo lộ trình quy định tại Nghị định 10/2020/NĐ-CP về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải.

Để đảm bảo thực hiện đúng lộ trình lắp đặt camera trên xe kinh doanh vận tải hành khách có sức chứa từ 9 chỗ trở lên, xe vận tải hàng hóa containe, xe đầu kéo, Tổng cục Đường bộ Việt Nam yêu cầu các tỉnh, thành phố đôn đốc các đơn vị kinh doanh vận tải trên dịa bàn có phương tiện thuộc đối tượng phải lắp camera khẩn trương lắp đặt xong trước ngày 1/7/2021 theo quy định của Nghị định 10/2020/NĐ-CP.

"Việc lắp camera phải đảm bảo có chức năng ghi, lưu trữ theo quy định theo khoản 2 Điều 13 và khoản 2 Điều 14 của Nghị định 10/2020/NĐ-CP và đảm bảo các yêu cầu tối thiểu theo quy định tại khoản 1 Điều 1 Thông tư 02/2021/TT-BGTVT của Bộ Giao thông Vận tải. Bên cạnh đó, camera phải truyền được dữ liệu hình ảnh với tần suất từ 12 - 20 lần/giờ (tương đương 3 - 5 phút/lần truyền dữ liệu) về đơn vị kinh doanh vận tải và truyền về Tổng cục Đường bộ Việt Nam theo quy định của Nghị định 10/2020/NĐ-CP. Thực hiện việc lắp đặt camera trên xe theo hướng dẫn của Bộ Giao thông Vận tải tại văn bản số 12866/2020", Tổng cục Đường bộ Việt Nam chỉ đạo.

Cũng theo văn bản của Tổng cục Đường bộ Việt Nam, các sở Giao thông Vận tải cần khuyến cáo doanh nghiệp kinh doanh vận tải lựa chọn các loại camera chạy trên nền tảng di động 4G hoặc 5G để đảm bảo tối ưu khi truyền hình ảnh và không phải thay thế, tránh lãng phí do trong thời gian tới, các nhà mạng viễn thông sẽ cắt sóng 2G theo lộ trình của Bộ Thông tin và Truyền thông.

Trước khi lắp đặt, Tổng cục Đường bộ Việt Nam lưu ý các đơn vị cần kiểm tra, chạy thử các tính năng của camera, kiểm tra dữ liệu hình ảnh phải đảm bảo kèm theo các thông tin tối thiểu gồm: số giấy phép của người lái xe, biển số đăng ký xe (biển kiểm soát xe), vị trí (toạ độ GPS-thiết bị định vị) của xe và thời gian theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 9 Thông tư số 12/2020/TT-BGTVT của Bộ Giao thông Vận tải.

"Khi ký kết hợp đồng cần có các điều khoản ràng buộc chặt chẽ trách nhiệm của đơn vị cung cấp camera về chủng loại, chất lượng thiết bị phải phù hợp theo quy định tại Nghị định số 10/2020/NĐ-CP, Thông tư số 12/2020/TT-BGTVT và Thông tư số 02/2021/TT-BGTVT của Bộ Giao thông Vận tải và các quy định đối với thiết bị thông tin di động của Bộ Thông tin và Truyền thông, chế độ bảo hành, bảo trì và duy trì đường truyền dữ liệu, camera phải đảm bảo truyền dữ liệu hình ảnh về đơn vị kinh doanh vận tải và về Tổng cục Đường bộ", Tổng cục Đường bộ Việt Nam yêu cầu.

Nghị định 10/2020/NĐ-CP của Chính phủ về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải quy định: Trước ngày 1/7/2021, ô tô kinh doanh vận tải hành khách có sức chứa từ 9 chỗ (kể cả người lái xe) trở lên và xe vận tải hàng hoá bằng container, xe đầu kéo phải lắp camera ghi, lưu trữ hình ảnh trên xe trong suốt quá trình xe tham gia giao thông. Dữ liệu hình ảnh được cung cấp cho cơ quan Công an, Thanh tra giao thông và cơ quan cấp giấy phép, bảo đảm giám sát công khai, minh bạch.

Theo vtv.vn