Thứ 4, 15/01/2025, 22:03[GMT+7]

Thái Bình: Quyết liệt và linh hoạt trong giải phóng mặt bằng Bài 4: Giao thông “đi trước, đón đầu”

Thứ 5, 15/07/2021 | 17:08:42
1,617 lượt xem
Thái Bình xác định giao thông “đi trước, đón đầu” sẽ giúp tỉnh thu hút đầu tư, giảm ùn tắc giao thông, tạo kết nối thông suốt với các địa phương, đẩy nhanh quá trình dịch chuyển cơ cấu kinh tế và hoàn thiện diện mạo từ thành thị đến nông thôn. Để làm được điều đó, tỉnh đang tập trung tháo gỡ các “nút thắt” trong GPMB, nhất là tại các dự án trọng điểm.

Thi công công trình cầu Trà Lý nằm trong dự án tuyến đường bộ ven biển tỉnh Thái Bình.

Tiếp tục là khâu đột phá

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Thái Bình lần thứ XX nhiệm kỳ 2020 - 2025 tiếp tục nhấn mạnh 3 đột phát phát triển, trong đó ưu tiên “xây dựng đồng bộ kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là hạ tầng giao thông kết nối các trục giao thông đầu mối trong tỉnh với các trung tâm kinh tế vùng Duyên hải Bắc Bộ” để tạo động lực cho phát triển kinh tế - xã hội, qua đó góp phần nâng cao vị thế của tỉnh trong khu vực. Nhiều dự án đang triển khai như tuyến đường bộ ven biển tỉnh Thái Bình, đường thành phố Thái Bình đi cầu Nghìn, đường tỉnh 454, đường 221A, đường vành đai phía Nam thành phố Thái Bình, đoạn từ cầu ngang S1 đến đường Chu Văn An kéo dài, các tuyến đường trục kết nối với các khu chức năng trong Khu kinh tế Thái Bình, các khu công nghiệp, đô thị của tỉnh…

Đẩy nhanh tiến độ thi công tuyến đường bộ ven biển tỉnh Thái Bình.

Dự án tuyến đường bộ ven biển tỉnh Thái Bình có chiều dài 34,4km, đi qua 19 xã thuộc 2 huyện Thái Thụy và Tiền Hải, khi hoàn thành đi vào sử dụng sẽ rút ngắn cung đường từ huyện Tiền Hải đi các tỉnh, thành phố lân cận như giảm một nửa thời gian đi Hải Phòng chỉ còn khoảng 50km thay vì 100km như hiện tại, đi Nam Định còn khoảng 20km, đi Thanh Hóa, Ninh Bình cũng rút ngắn một nửa thời gian. Đồng thời, giảm lưu lượng các phương tiện lưu thông hàng hóa quá tải cho quốc lộ 10. Đặc biệt, có ý nghĩa quyết định đối với sự phát triển của Khu kinh tế Thái Bình nói riêng, kinh tế - xã hội của tỉnh nói chung. Hiện nay, Khu công nghiệp Liên Hà Thái (nằm trong Khu kinh tế Thái Bình) đã có 2 nhà đầu tư thứ cấp (Công ty Lotes và Công ty Greenworks) ký thỏa thuận ghi nhớ về việc thuê đất và hạ tầng kỹ thuật và một số nhà đầu tư FDI tiềm năng đã đến thăm, khảo sát. Hay tuyến đường thành phố Thái Bình đi cầu Nghìn được đầu tư xây dựng sẽ góp phần giảm thiểu ùn tắc, tai nạn giao thông trên quốc lộ 10 đoạn từ cầu Nghìn đến nút giao tuyến tránh S1; tăng cường thông thương giữa các tỉnh, thành phố Nam Định, Thái Bình, Hải Phòng và các địa phương có quốc lộ 10 đi qua, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Ngoài thu hút nguồn lực cho các dự án giao thông trọng điểm, Thái Bình cũng đã rất thành công trong thu hút nguồn lực từ các nhà đầu tư lớn để đầu tư hạ tầng đô thị, như các khu đô thị Petro Thăng Long, Dragon City, KĐT mới xã Vũ Phúc, xã Vũ Đông; các trung tâm thương mại Vincom, GO… Những công trình dự án trên đã làm thay đổi mạnh mẽ kết cấu giao thông, đô thị Thái Bình, góp phần quan trọng thúc đẩy quá trình cơ cấu lại nền kinh tế, nâng cao sức cạnh tranh, hình thành liên kết vùng, tạo động lực phát triển toàn diện. 

Đường phố Thái Bình xanh, sạch, hiện đại.

Ông Nguyễn Xuân Dương, Chủ tịch UBND huyện Hưng Hà cho biết: Những năm gần đây, được sự quan tâm tạo điều kiện của Trung ương và tỉnh Thái Bình, sự nỗ lực cố gắng của Đảng bộ và nhân dân trong huyện, Hưng Hà đã có mạng lưới giao thông khá đồng bộ với tuyến đường bộ Thái Bình - Hà Nam nối cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ với quốc lộ 10, quốc lộc 39, tuyến đường liên tỉnh nối đường vành đai V vùng Thủ đô Hà Nội với quốc lộ 38B và cao tốc Hà Nội - Hải Phòng… Hệ thống đường giao thông nội huyện, đường thôn, xã đạt chuẩn tiêu chí giao thông. Cùng với đó là những cây cầu hiện đại, như cầu Tịnh Xuyên nối hai huyện Vũ Thư - Hưng Hà, cầu Thái Hà vượt sông Hồng nối hai tỉnh Thái Bình - Hà Nam, cầu La Tiến nối hai bờ tả hữu sông Luộc được hoàn thành đưa vào sử dụng đã tạo tuyến đường xuyên suốt và nối liền hai tỉnh Thái Bình - Hưng Yên, kết nối các tuyến đường cao tốc và quốc lộ, tỉnh lộ. Tất cả tạo lên một hệ thống giao thông rộng khắp theo hướng hiện đại, đáp ứng với yêu cầu phát triển nhanh của nền kinh tế, yêu cầu thuận tiện cho lưu thông hàng hóa của các nhà đầu tư, doanh nghiệp khi về với Hưng Hà.

Đường Thái Bình – Hà Nam.

Gỡ “nghẽn” mặt bằng

Với nỗ lực để có thêm nhiều công trình, dự án đưa vào sử dụng, phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, từ đầu năm đến nay, UBND tỉnh đã tổ chức nhiều hội nghị chỉ đạo các cấp, các ngành, các địa phương tập trung khơi thông nguồn lực, tháo gỡ các điểm nghẽn trong công tác bồi thường, GPMB. 

Để đẩy nhanh tiến độ công tác GPMB, tại hội nghị đánh giá thực trạng công tác GPMB trên địa bàn tỉnh, đồng chí Nguyễn Khắc Thận, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu cấp ủy đảng, chính quyền cần hiểu đúng tầm quan trọng của công tác GPMB, xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm của cả hệ thống chính trị, chỉ có GPMB thì mới thu hút, hấp dẫn được các nhà đầu tư để phát triển kinh tế - xã hội. Quá trình GPMB phải nhất quán quan điểm: kiên quyết, kiên định, kiên trì, tuân thủ pháp luật, tập trung tuyên truyền, vận động tạo sự đồng thuận của người dân có đất bị thu hồi. 

Người dân Quỳnh Phụ tự nguyện phá dỡ nhà cửa, bàn giao mặt bằng thi công đường 39B. Ảnh tư liệu.

Đặc biệt, Chỉ thị số 08-CT/TU, ngày 5 tháng 7 năm 2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thái Bình về việc tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện công tác GPMB phục vụ triển khai các dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh đã được các cấp ủy đảng, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể và nhân dân thực hiện nghiêm túc. Các địa phương đang tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, nhất là trong công tác GPMB đẩy nhanh tiến độ thi công tác công trình, dự án. 

Tuyến đường Chu Văn An kéo dài, đoạn qua thôn Lạc Chính, xã Vũ Chính hiện còn điểm nghẽn dài hơn 320m. Ông Phan Văn Báu, Chủ tịch UBND xã Vũ Chính (thành phố Thái Bình) cho biết: Để bảo đảm kế hoạch quý IV/2021 thông tuyến, xã Vũ Chính đã phối hợp với Trung tâm Phát triển quỹ đất thành phố, các phòng, đơn vị liên quan tập trung tuyên truyền vận động bà con nhân dân có diện tích ảnh hưởng, sớm bàn giao mặt bằng. Đến nay, 30/30 hộ dân có đất ở và tài sản trên đất đã đồng thuận, nhất trí nhận tiền bồi thường, hỗ trợ GPMB, với diện tích hơn 4.000m2. Hiện còn 4.000m2 diện tích đất nông nghiệp của 12 hộ dân thôn Lạc Chính chuyển nhượng cho ông Nguyễn Dương Quân đã được kiểm đếm bắt buộc, phấn đấu hoàn thành GPMB trong quý III/2021. 

Bà Trần Thị Sâm, thôn Lạc Chính, xã Vũ Chính cho biết: Điểm nghẽn giao thông này đã từ nhiều năm nay. Gia đình tôi hoàn toàn nhất trí với phương án bồi thường, hỗ trợ GPMB của Nhà nước. Chúng tôi mong muốn tuyến đường sớm được thông toàn tuyến.

Thi công cầu sông Hồng nối Thái Bình – Nam Định tại dự án tuyến đường bộ ven biển.

Dự án tuyến đường bộ ven biển tỉnh Thái Bình đi qua địa bàn huyện Tiền Hải đến nay cơ bản hoàn thành công tác GPMB. Hiện còn khó khăn, vướng mắc của 20 hộ gia đình, cá nhân. 

Chủ tịch UBND huyện Tiền Hải Phạm Ngọc Kế nhấn mạnh, vướng mắc trong GPMB, chậm thực hiện thu hồi và bao giao đất không chỉ ảnh hưởng đến tiến độ dự án, làm chậm quá trình giải ngân vốn đầu tư công mà còn khiến một bộ người dân bức xúc vì ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt. Vì vậy để bảo đảm đúng tiến độ bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công theo chỉ đạo của UBND tỉnh, huyện Tiền Hải huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị; tiếp tục tuyên truyền để người dân nắm, rõ tạo sự đồng thuận trong công tác bồi thường, hỗ trợ GPMB. Tăng cường vai trò của người đứng đầu cấp ủy trong việc lãnh đạo, kiểm tra, giám sát việc thực hiện. Đồng thời, xác định rõ mục tiêu hoàn thành trên cơ sở bảo đảm đầy đủ quyền, lợi ích chính đáng, hợp pháp của các hộ gia đình, cá nhân có đất bị thu hồi.

Thi công cầu vượt sông Hóa nối Hải Phòng – Thái Bình.

Với những chiến lược phát triển theo hướng bền vững, Thái Bình đã và đang đổi thay về mọi mặt, khẳng định tầm vóc mới, diện mạo mới, vị thế mới. Những đột phá về hạ tầng giao thông là tiền đề để Thái Bình thu hút đầu tư, nhất là các dự án đầu tư có quy mô lớn trong Khu kinh tế Thái Bình, tạo động lực để Thái Bình thành tỉnh phát triển trong khu vực đồng bằng sông Hồng.

Minh Nguyệt