Thứ 3, 26/11/2024, 03:17[GMT+7]

Cần khẩn trương di dời hạ tầng lưới điện tại các dự án giao thông

Thứ 6, 11/03/2022 | 08:25:25
4,301 lượt xem
Trong quá trình thi công các dự án giao thông, việc mở rộng mặt đường đã làm phát sinh tình trạng một số cột điện nằm dưới lòng đường giao thông. Việc này vừa không bảo đảm mỹ quan vừa vi phạm hành lang an toàn giao thông đường bộ, tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây tai nạn giao thông.

Dự án cải tạo, nâng cấp đường 221A còn gần 10 cột điện chưa di chuyển thuộc địa phận xã Nam Hưng (Tiền Hải).

Dự án tuyến đường tỉnh ĐT.454 (đường 223 cũ) đoạn từ đường Trần Thái Tông đến nút giao với quốc lộ 10 tại khu công nghiệp TBS Sông Trà có tổng mức đầu tư trên 290 tỷ đồng, được khởi công từ tháng 9/2020, dự kiến hoàn thành vào tháng 6/2022, là một trong những dự án có nhiều vướng mắc liên quan đến giải phóng mặt bằng, trong đó việc di chuyển hệ thống lưới điện trên tuyến khiến đơn vị thi công “đau đầu”. 

Anh Đoàn Quang Nam, chỉ huy thi công công trình, Công ty Cổ phần Quản lý đường bộ Thái Bình cho biết: Dự án đang trong giai đoạn triển khai thi công hoàn thiện một số đoạn tuyến vừa được giải phóng mặt bằng. Mặc dù ngành điện đã chủ động phối hợp di chuyển hệ thống lưới điện trên tuyến, tuy nhiên còn chậm, nhiều vị trí cột điện chưa di chuyển kịp thời dẫn đến việc thi công bị ngắt quãng, ảnh hưởng tới tiến độ cũng như chất lượng công trình. 

Ông Nguyễn Tự Cường, Phó Giám đốc Điện lực thành phố cho biết: Hiện nay, Điện lực thành phố đã di chuyển xong 25/28 cột điện trung thế, 32/52 cột điện hạ thế và đang tiến hành xử lý trạm biến áp số 3 phố Lý Bôn. Đến nay dự án còn vướng mắc về mặt bằng do một số hộ dân chưa đồng thuận bàn giao đất. Bên cạnh đó, hệ thống lưới điện trên tuyến được bố trí đường dây mạch kép 471 cấp điện cho khu vực các xã: Tân Phong, Tân Hòa (Vũ Thư) và Tân Bình (thành phố Thái Bình) và đường dây mạch vòng 481 cấp điện cho cụm công nghiệp Phong Phú (thành phố Thái Bình). 

Đơn vị thi công di chuyển cột điện cũ.

Quá trình triển khai chuyển đường dây sang cột điện mới khá phức tạp, cần ngừng cấp điện diện rộng mới có thể triển khai đồng bộ được, do đó có thể ảnh hưởng tới sinh hoạt, sản xuất của người dân. Cũng theo ông Cường, ngoài vướng mắc về giải phóng mặt bằng, vị trí đặt cột điện mới thì một nguyên nhân quan trọng khác dẫn đến việc chậm trễ trong việc di dời hệ thống cột điện trên tuyến là do hạ tầng cáp viễn thông lắp đặt trên các cột điện cũ chậm được di dời. Ở nhiều đoạn tuyến, mặc dù ngành điện đã hoàn thành việc di dời, dựng mới cột điện và chuyển đường dây điện nhưng hệ thống dây cáp viễn thông ở cột điện cũ vẫn chưa được các nhà mạng thu hồi, dịch chuyển. Điện lực thành phố đã nhiều lần tổ chức họp, có văn bản đề nghị các nhà mạng viễn thông khẩn trương thu hồi cáp không sử dụng trên tuyến cũng như có biện pháp gom, bó lại khi chuyển sang cột mới để bảo đảm an toàn, mỹ quan nhưng các nhà mạng vẫn “chây ỳ” trong việc di dời hạ tầng viễn thông, kéo theo việc chậm bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công tuyến đường. 

Trong quá trình triển khai thi công, dự án cải tạo, nâng cấp đường 221A (huyện Tiền Hải) từng gặp nhiều khó khăn trong việc di chuyển hệ thống cột điện trên tuyến, tập trung chủ yếu tại các xã: Nam Chính, Nam Hưng... Tuy nhiên, nhờ có sự chỉ đạo sát sao, kịp thời của chính quyền các cấp cũng như sự vào cuộc, phối hợp tích cực, đồng bộ của các ngành chức năng và đơn vị thi công, những vướng mắc này đã sớm được giải quyết. 

Ông Vũ Huy Hà, Giám đốc Điện lực Tiền Hải cho biết: Thời gian qua, chúng tôi đã hoàn thành việc di chuyển hơn 200 cột điện hạ thế tại các xã Tây Tiến, Nam Chính, Nam Hưng phục vụ thi công dự án cải tạo, nâng cấp đường 221A. Đến nay, trên toàn tuyến còn gần 10 cột điện chưa di chuyển thuộc địa phận xã Nam Hưng - đoạn mới được điều chỉnh tuyến có chiều dài 2,2km. Nguyên nhân chủ yếu do một số hộ dân chưa đồng thuận, chậm bàn giao mặt bằng cũng như chưa thống nhất vị trí đặt cột điện mới nên tiến độ thi công đôi lúc còn chậm. Ngay khi có mặt bằng để triển khai dịch chuyển đường dây điện, chúng tôi sẽ phối hợp với Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện và đơn vị thi công tổ chức triển khai đào, đúc móng cột, dựng cột và chuyển dây sang cột mới để kịp thời bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công, bảo đảm yêu cầu tiến độ đề ra. 

Để bảo đảm tiến độ thi công các công trình cũng như bảo đảm an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông khi di chuyển qua các công trình, dự án đang được thi công..., chính quyền địa phương cũng như chủ đầu tư cần chủ động phối hợp với ngành điện xây dựng phương án, khẩn trương di dời các cột điện không bảo đảm an toàn giao thông. Trong khi chưa thực hiện được việc di dời, cần có phương án bố trí biển báo tạm thời và hệ thống đèn chiếu sáng phù hợp vào ban đêm tại các điểm có cột điện chưa di dời được để bảo đảm an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông.

Nguyễn Thơi