Thứ 3, 23/07/2024, 06:20[GMT+7]

Lấn chiếm vỉa hè - tránh như “bắt cóc bỏ đĩa”

Thứ 4, 22/06/2022 | 16:00:34
705 lượt xem
Tình trạng lấn chiếm vỉa hè, lòng, lề đường tại một số tuyến phố hay dọc các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ… trên địa bàn tỉnh vẫn diễn ra thường xuyên. Việc chiếm dụng lòng đường, vỉa hè làm nơi buôn bán không chỉ làm mất mỹ quan đô thị mà còn gây cản trở, ùn tắc giao thông.

Người dân vô tư họp chợ dưới lòng đường Lý Thái Tổ (thành phố Thái Bình).

Theo ghi nhận của phóng viên, nhiều tuyến đường, phố như Trần Hưng Đạo, Lê Quý Đôn, Lý Bôn, Trần Thánh Tông, Doãn Khuê... đặc biệt khu vực cổng các chợ, bệnh viện trên địa bàn thành phố Thái Bình tình trạng tái lấn chiếm vỉa hè, lòng đường làm nơi buôn bán, kinh doanh gây cản trở giao thông thường xuyên xảy ra. Đường Doãn Khuê được coi là điểm nóng khá phức tạp về tình trạng lấn chiếm vỉa hè, lòng đường trên địa bàn thành phố, đặc biệt là khoảng thời gian tan tầm khi người lao động, công nhân từ các khu công nghiệp đi làm về qua đoạn đường này thường dừng, đỗ xe ngay dưới lòng đường để mua, bán các mặt hàng thực phẩm, trái cây nên giao thông ở khu vực này trở nên lộn xộn, mất an toàn. Anh Vũ Văn Công, xã Trung An (Vũ Thư) bức xúc: Hàng ngày tôi đều đi làm về qua đoạn đường này. Không chỉ riêng tôi mà rất nhiều người cảm thấy bất an, lo lắng vì tình trạng lấn chiếm lòng đường, vỉa hè làm nơi buôn bán, kinh doanh. Đề nghị các cơ quan chức năng sớm vào cuộc để giải quyết dứt điểm tình trạng mất an toàn giao thông (ATGT) tại khu vực này.

Xe ô tô dừng đỗ không đúng nơi quy định tại đường Nguyễn Thái Học gây cản trở giao thông.

Tình trạng xe ô tô, xe taxi thường xuyên dừng đỗ tại khu vực cổng các bệnh viện, trường học, quán cà phê, quán ăn… gây cản trở giao thông cũng khiến nhiều người dân bức xúc. Điển hình là tại khu vực cổng Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Bệnh viện Đa khoa thành phố hay đoạn đường Nguyễn Thái Học, Hoàng Diệu…, các phương tiện di chuyển qua các tuyến đường này gặp rất nhiều khó khăn và thường xuyên xảy ra va chạm giao thông.

Việc người dân lấn chiếm lòng đường, vỉa hè làm nơi kinh doanh hay tình trạng dừng đỗ xe không đúng nơi quy định... luôn là vấn đề “nóng” với thành phố Thái Bình. Ông Phạm Văn Tư, Trưởng phòng Quản lý đô thị thành phố Thái Bình cho biết: Từ đầu năm 2021 đến nay, các đơn vị chức năng thuộc thành phố, UBND các phường, xã thực hiện kiểm tra, xử lý vi phạm về trật tự đô thị, ATGT (tháo dỡ 436 biển quảng cáo, bạt che và các vật dụng khác); xử lý 7 điểm vi phạm hành lang ATGT trên các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ thuộc địa bàn xã Đông Mỹ (4 điểm), Đông Hòa (2 điểm), phường Trần Lãm (1 điểm); Công an thành phố xây dựng và triển khai kế hoạch tập trung phối hợp giải quyết trật tự đô thị, xử lý vi phạm trật tự ATGT, thường xuyên duy trì lực lượng tuần tra, kiểm soát tại khu vực Bến xe khách Thái Bình, tuyến đường Trần Thái Tông, xử lý xe ô tô, xe taxi đỗ, dừng không đúng nơi quy định và bày bán hàng hóa lấn chiếm vỉa hè.

Tại các huyện, tình trạng người dân tái lấn chiếm vỉa hè, hành lang ATGT đường bộ để đặt biển quảng cáo, che bạt, mái hiên hay dựng rạp tổ chức việc cưới, việc tang dưới lòng đường các tuyến tỉnh lộ, đường huyện vẫn diễn ra phổ biến. Ông Phạm Văn Trường, Phó Trưởng phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Thái Thụy cho biết: Nhằm lập lại trật tự hành lang ATGT đường bộ, Ban ATGT huyện đã xây dựng kế hoạch ra quân giải tỏa hành lang ATGT đường bộ; trong đó chỉ đạo các ngành chức năng, UBND các xã, thị trấn kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp sử dụng trái phép vỉa hè, lòng, lề đường, hành lang ATGT trên địa bàn. Tuy nhiên, một số người dân vẫn ngoan cố, chây ỳ, chấp hành theo kiểu chống đối.

Lực lượng cảnh sát giao thông (Công an thành phố Thái Bình) lập biên bản xử lý các trường hợp dừng, đỗ xe trái quy định.

Theo đánh giá của các cơ quan chức năng, một trong những nguyên nhân của tình trạng tái lấn chiếm vỉa hè, lòng, lề đường là do chế tài xử phạt các hành vi vi phạm chưa có tính răn đe triệt để. Điều này khiến công tác xử lý trật tự đô thị cũng chưa tạo được chuyển biến thật sự cũng như thay đổi ý thức chấp hành pháp luật của người dân.

Để tránh tình trạng “bắt cóc bỏ đĩa”, sau các đợt cao điểm giải tỏa, xử lý vi phạm về lấn chiếm lòng đường, vỉa hè, hành lang ATGT, các địa phương cần đẩy mạnh kiểm tra, giám sát việc chấp hành pháp luật của các hộ kinh doanh, người dân và kiên quyết xử lý đối với những trường hợp cố tình vi phạm. Bên cạnh đó cần giao trách nhiệm quản lý cho từng địa phương, nơi nào để xảy ra tái lấn chiếm vỉa hè, lòng đường, gây mất ATGT cần kiểm điểm nghiêm túc, xem xét trách nhiệm của người đứng đầu, coi là một tiêu chí đánh giá thi đua... có như vậy mới bảo đảm đường thông, hè thoáng và bảo đảm mỹ quan đô thị.

Nguyễn Thơi