Thứ 6, 02/08/2024, 11:14[GMT+7]

Giao thông vận tải: Bức tranh 3 tháng đầu năm

Thứ 2, 08/04/2013 | 17:27:27
880 lượt xem
Giao thông vận tải vừa là ngành kinh tế quan trọng, vừa là vấn đề xã hội tác động trực tiếp đến đời sống hàng ngày của người dân. Quý I/2013, bên cạnh những kết quả tích cực, ngành giao thông vận tải cũng đối mặt với một số vấn đề cần giải quyết.

Ảnh minh họa

Kết quả tích cực dễ nhìn thấy nhất là ngành vận tải đã đáp ứng được nhu cầu đi lại của nhân dân và vận chuyển hàng hoá của nền kinh tế.

 

Vận chuyển hành khách tăng khá cả về lượng khách vận chuyển (số lượt người) và lượng khách luân chuyển (số lượt người.km); tăng khá hơn ở vận chuyển trong nước, ở các ngành vận tải đường bộ, đường hàng không, đường sông, đường biển. Trong điều kiện tiêu dùng của dân cư “co lại”, nhu cầu đi lại để tham quan du lịch, lễ hội không còn sôi động như những năm kinh tế tăng trưởng cao, lượng khách quốc tế đến Việt Nam giảm tương đối sâu (giảm 6,2%)... thì việc tăng với tốc độ như trên được coi là hợp lý và tích cực.

 

Vận chuyển hàng hoá tăng lên về khối lượng vận chuyển (tấn); tăng khá hơn ở vận chuyển trong nước, vận chuyển đường bộ, đường hàng không. Trong điều kiện nhu cầu vận chuyển nguyên, nhiên vật liệu đầu vào và thành phẩm đầu ra bị co lại, việc tăng thấp hơn của khối lượng vận chuyển và việc sút giảm về khối lượng luân chuyển là có thể chấp nhận được. Lượng nhập khẩu nhiều loại hàng hoá giảm mạnh, như lúa mỳ giảm 56,9%, xăng dầu giảm 25,1%, khí đốt hoá lỏng giảm 20,7%; lượng xuất khẩu một số mặt hàng giảm, như cà phê giảm 4,6%, chè giảm 4,3%, xăng dầu giảm 27,3%...

 

Vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước do Bộ Giao thông vận tải quản lý đã thực hiện đạt gần 1,1 nghìn tỷ đồng, đã đạt 16,7% dự toán năm, cao hơn tỷ lệ thực hiện chung của các bộ, ngành (15%).

 

Ngoài ra, một số công trình cầu vượt, cầu nhẹ được hoàn thành trong năm 2012, đã góp phần giảm bớt sự ách tắc giao thông ở những điểm thường gây ách tắc lớn trước đây, gợi lên ý tưởng phát triển loại hình này ở những điểm còn ách tắc lớn khác ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh.

 

Những vấn đề đặt ra

 

Bên cạnh những kết quả tích cực, trong lĩnh vực giao thông vận tải hiện cũng còn một số hạn chế, bất cập và đứng trước những thách thức không nhỏ.

 

Vận chuyển đường sắt giảm so với cùng kỳ năm trước cả về vận chuyển và luân chuyển hành khách (tương ứng giảm 4,6% và 4,7%), cả về vận chuyển và luân chuyển hàng hoá (tương ứng giảm 4,9% và giảm 6,5%). Ngoài nguyên nhân khách quan (nhu cầu đi lại và vận chuyển co lại), còn có nguyên nhân do hạn chế, bất cập về cơ sở hạ tầng, về mức độ thuận tiện so với các phương thức vận chuyển khác (biểu hiện là đường bộ, đường không vẫn tăng khá).

 

Vận chuyển ngoài nước tiếp tục giảm, do hiệu quả và sức cạnh tranh vận chuyển với nước ngoài còn yếu kém, tiếp tục để mất thị phần cho các hãng nước ngoài, nhất là đối với những mặt hàng xuất, nhập khẩu.

 

Giá cước vận tải, kho bãi quý I/2013 tăng 8,58%, trong đó vận tải hành khách tăng 9,71%, vận tải hàng hoá tăng 5,91%, dịch vụ kho bãi và hỗ trợ cho vận tải tăng 14,85%- tăng cao nhất so với các loại chỉ số giá khác trong cùng thời gian (giá tiêu dùng tăng 6,91%, giá nhập khẩu giảm 2,82%, giá xuất khẩu giảm 4,32%, giá nguyên nhiên vật liệu dùng cho sản xuất tăng 3,36%, giá bán sản phẩm của người sản xuất hàng công nghiệp tăng 3,58%, giá bán sản phẩm của người sản xuất hàng nông, lâm- thủy sản giảm 5,48%...).

 

Thực hiện vốn đầu tư từ ngân sách của Bộ Giao thông vận tải vẫn còn thấp so với dự toán cả năm và giảm 23% so với cùng kỳ năm trước. Ách tắc giao thông ở nội đô vẫn còn lớn và sẽ chuyển biến chậm, nếu không làm quyết liệt các giải pháp như chuyển một số cơ sở kinh tế, trường đại học,... ra ngoại thành; nếu tiếp tục xây nhà cao tầng ở nội thành hoặc cải tạo nhà cũ thành nhà cao tầng với khoảng cách, với mặt đường như trước đây, nếu tiến độ xây dựng đường sắt nội đô chậm như hiện nay.

Nguồn chinhphu.vn

 

  • Từ khóa