Thứ 6, 29/03/2024, 20:48[GMT+7]

Con đường nối những niềm vui

Thứ 2, 23/01/2023 | 22:21:59
5,589 lượt xem
Năm nay, mùa xuân như đến sớm với người dân nhiều địa phương quê lúa bởi những con đường mới rộng thênh thang, nối dài những niềm vui khi ý Đảng lòng dân hòa quyện. Đó chính là thành quả của hơn một năm thực hiện Chỉ thị số 08-CT/TU, ngày 5/7/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) phục vụ triển khai các dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh.

Tuyến đường 221A .

Dân tin Đảng

GPMB luôn được xác định là công việc khó, liên quan đến quyền lợi của tổ chức, cá nhân nên thường nảy sinh những vấn đề xã hội phức tạp, khó lường. Vậy mà, hơn một năm qua, khắp các thôn làng, khu dân cư trên địa bàn huyện Quỳnh Phụ không còn những câu chuyện nan giải liên quan đến đền bù, hỗ trợ GPMB để làm đường; thay vào đó là khí thế vui tươi, phấn khởi, đồng thuận trong việc hiến đất làm đường giao thông. Việc hiến đất làm đường, dù là đường tỉnh, đường huyện hay đường xã, thôn đã trở thành việc làm cụ thể, tự giác, không còn là việc làm bắt buộc trong mỗi người dân. Cứ triển khai một chủ trương, dự án làm đường nào là người người, nhà nhà đều thấy mình phải có trách nhiệm tham gia mà không đòi hỏi quyền lợi của cá nhân, gia đình như những năm trước. 

Ông Nguyễn Văn Dũng, 70 tuổi, 40 năm tuổi đảng, thôn Mai Trung, xã An Quý (Quỳnh Phụ) chia sẻ: Biết là bây giờ có thiệt thòi cả mấy trăm triệu đồng nhưng vì lợi ích lâu dài của thế hệ mai sau, gia đình tôi tự nguyện phá dỡ các công trình trên đất, hiến hơn 50m2 đất ở. Với tôi, hiến bao nhiêu mét vuông đất không quan trọng, đường mở rộng đến đâu gia đình tôi hiến đến đó. Hơn nữa, là đảng viên tôi luôn nêu gương, đi trước làm đầu tàu để nhân dân làm theo.

Hơn 90 tuổi đời, gần 60 năm tuổi đảng, ông Nguyễn Tiến Bộ, tổ dân phố số 10, thị trấn An Bài (Quỳnh Phụ) được người dân địa phương nể phục, tin tưởng, làm theo vì ông luôn gương mẫu đi đầu trong mọi phong trào thi đua tại địa phương. Nhất là phong trào hiến đất mở rộng đường ĐH.72C, gia đình ông đã tự nguyện hiến hơn 90m2 đất ở. Ông Bộ tâm sự: Được đứng trong hàng ngũ của Đảng là một vinh dự, vì vậy mình phải hành động sao cho xứng đáng là người đảng viên gương mẫu. Việc tôi hiến đất để làm đường cũng là góp chút công sức để cùng nhà nước, cùng với bà con xây dựng tuyến đường phục vụ việc đi lại, thông thương cho con cháu.

Từ huyện Quỳnh Phụ, phong trào hiến đất làm đường giao thông đã lan tỏa ra nhiều địa phương khác trong toàn tỉnh. Đường làm đến đâu dân chúng tôi hiến đất đến đó - không còn là khẩu hiệu mà đã trở thành hành động, việc làm cụ thể. 

Bà Hoàng Thị Kiếm, thôn Tống Xuyên, xã Thái Hưng (Hưng Hà) gần 80 năm qua luôn gắn bó với mảnh đất Thái Hưng cảm nhận được những đổi thay của quê hương. Bà Kiếm cho biết: Tuyến đường đoạn đi qua nhà tôi đã nâng cấp 2 lần nhưng vẫn nhỏ, nay được nhà nước đầu tư xây dựng, mở rộng nhân dân rất phấn khởi. Đất nhà tôi rộng nên đường vào đến đâu gia đình đồng thuận hiến đến đó. Chỉ mong sớm có tuyến đường rộng, đẹp để tết này con cháu ở xa về thăm quê vui mừng, phấn khởi trước sự đổi thay của quê hương.

Thi công tuyến đường bộ ven biển.

Khơi thông “mạch máu” phát triển

“Chưa bao giờ chúng tôi có được cái tết như năm nay. Anh em đi làm ăn xa về, xe cộ đi lại thông thoáng, bà con đều phấn khởi. Từ trước đến giờ người dân chúng tôi không nghĩ lại có con đường đẹp như thế này. Con em đi làm ăn xa về thấy quê hương mình đổi mới thế này phấn khởi lắm. Tết năm nay hơn hẳn mọi năm” - ông Trần Văn Báu, thôn Hữu Vi, xã Nam Chính (Tiền Hải) phấn khởi cho biết. Và đó cũng là cảm nhận của tất cả mọi người dân nơi tuyến đường 221A đi qua.

Còn với anh Trần Văn Tuyến, thôn Vĩnh Trà, xã Nam Trung (Tiền Hải) thì tuyến đường 221A hoàn thành đưa vào sử dụng không chỉ giúp kinh tế gia đình anh phát triển mà đời sống của người dân quê hương anh cũng đổi thay từng ngày. Anh Tuyến chia sẻ: Con đường khu vực nhà tôi trước chỉ rộng 2,5m nhưng từ khi được nhà nước đầu tư xây dựng đường 221A, người dân đồng thuận trong công tác GPMB nên con đường đã được đưa vào sử dụng từ nhiều tháng nay. Từ đường làng giờ đã lên phố, việc đi lại thuận lợi, dễ dàng, kinh tế phát triển, giá trị đất tăng cao. Nhiều hộ gia đình đi làm ăn xa đã trở về địa phương mở cửa hàng kinh doanh, buôn bán làm giàu ngay trên chính tuyến đường quê hương mình.

Đối với người dân tổ 14, phường Kỳ Bá (thành phố Thái Bình) thì nút giao đoạn Đinh Tiên Hoàng - Lý Bôn hoàn thành đưa vào sử dụng sau gần 10 năm tắc nghẽn đã giúp khơi thông mạch phát triển kinh tế của người dân nơi đây. Bà Đoàn Thị Lụa phấn khởi: Vậy là ước mong có con đường sạch đẹp, thông thoáng của nhân dân sau bao năm giờ đã trở thành hiện thực đúng dịp tết đến xuân về. Việc đi lại không chỉ thuận lợi hơn mà việc kinh doanh, buôn bán của người dân khu vực tuyến đường cũng phát triển hơn.

Tuyến đường bộ ven  biển cơ bản đã hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng.

Để có được những thành quả đó, là sự nỗ lực vào cuộc của các cấp, các ngành, sự đồng thuận của người dân trong công tác GPMB, nhất là từ sau khi Chỉ thị số 08-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy đi vào cuộc sống. Giờ đây, công tác GPMB không còn là nhiệm vụ của UBND, cán bộ địa chính cấp xã mà đã là trách nhiệm của cấp ủy đảng, chính quyền, MTTQ, các đoàn thể và mỗi người dân. Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị; công khai minh bạch tất cả các cơ chế, chính sách GPMB; lắng nghe và nhanh chóng giải quyết những kiến nghị của các hộ dân... là những bài học cấp ủy, chính quyền các địa phương trong toàn tỉnh đã và đang triển khai có hiệu quả. Nhờ đó mà tại hầu hết các dự án trên địa bàn tỉnh, nhân dân đã đồng thuận bàn giao mặt bằng đúng tiến độ, tạo thuận lợi cho các dự án hoàn thành.

Minh Nguyệt