Thứ 6, 19/04/2024, 07:13[GMT+7]

Sửa quy định để miễn đăng kiểm lần đầu

Chủ nhật, 26/02/2023 | 18:29:12
4,532 lượt xem
Để thực hiện đề xuất miễn đăng kiểm lần đầu ô tô mới, Cục Đăng kiểm Việt Nam đang xây dựng Dự thảo bổ sung, sửa đổi Thông tư 16/2021 của Bộ Giao thông Vận tải.

Ảnh minh họa.

Theo đó, đối với xe sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu mới chưa qua sử dụng, sau khi đăng ký biển số lần đầu, trong thời gian 1 năm, tính từ năm sản xuất, sẽ không thu giá dịch vụ kiểm định.

Như vậy, một chiếc xe kể từ khi sản xuất, cho đến khi được khách hàng mua và sử dụng sau đó, sẽ không cần phải đăng kiểm, trong thời gian tối đa 53 tháng (tức khoảng 4 năm rưỡi).

Theo VGP, qua kết quả nghiên cứu 6 tháng (từ tháng 6 đến tháng 11/2022) trên cơ sở số lượng các xe mới sản xuất lắp ráp, nhập khẩu được chứng nhận tại Việt Nam cho thấy tỉ lệ không đạt cần phải bảo dưỡng, sửa chữa để kiểm định lại đối với nhóm xe này có tỉ lệ rất thấp, từ 0,17% - 0,31%.

Đa số các xe thuộc diện đề xuất miễn tại thời điểm kiểm định vẫn còn trong thời hạn bảo hành của nhà sản xuất, nhà nhập khẩu. Việc miễn đăng kiểm lần đầu cũng giúp người dân, lái xe, chủ xe giảm thời gian và chi phí.

Theo tính toán, mức tiền mà mỗi chủ xe được giảm khi kiểm định lần đầu từ 250.000 - 570.000 đồng/xe, tương ứng với từng loại xe.

Nói rõ thêm về việc đề xuất miễn đăng kiểm 1 năm, theo Cục Đăng kiểm Việt Nam, việc lưu kho, lưu bãi trong thời gian dài sẽ gây ra hư hỏng, hao mòn, giảm đặc tính kỹ thuật đối với nhiều chi tiết nhựa, cao su, dầu bôi trơn, cấu kiện điện tử… trên ô tô. Nếu để tồn kho quá lâu, xe không còn đảm bảo các tính năng thông số kỹ thuật nên cần được kiểm tra, kiểm định trước khi chạy để đảm bảo an toàn.

Khi thực hiện miễn đăng kiểm lần đầu, đồng nghĩa với việc tăng trách nhiệm của nhà sản xuất, lắp ráp nhập khẩu. Đối với doanh nghiệp bảo hiểm, cần phải phối hợp cùng nhà sản xuất, chủ xe để xác định trách nhiệm khi xảy ra vấn đề bảo hiểm, bồi thường.

Để đảm bảo có đầy đủ dữ liệu phục vụ công tác quản lý nhà nước, Cục Đăng kiểm Việt Nam đề xuất phương án chỉ miễn đăng kiểm nhưng vẫn cần lập hồ sơ phương tiện.

Đối với yêu cầu đảm bảo cơ sở dữ liệu và phương án kiểm soát các xe gian, xe lậu, xe tự ý thay đổi thông số kỹ thuật trước khi đưa vào tham gia giao thông, Cục Đăng kiểm Việt Nam đang xây dựng phần mềm để liên thông, kết nối trực tiếp cơ sở dữ liệu từ sản xuất lắp ráp, nhập khẩu đến kiểm định lưu hành.

Liên quan tới hành lang pháp lý, để thực hiện miễn kiểm tra an toàn kỹ thuật lần đầu, cần thực hiện bổ sung, sửa đổi Thông tư số 16/2021/TT-BGTVT ngày 12/8/2021 của Bộ Giao thông Vận tải quy định về kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện giao thông cơ giới đường bộ. Cục Đăng kiểm Việt Nam đã đăng ký vào chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật năm 2023 của Bộ Giao thông Vận tải và đang thực hiện các bước xây dựng dự thảo bổ sung, sửa đổi Thông tư 16.

Theo quy trình thực hiện phương án trên, các bước thực hiện tại đơn vị đăng kiểm xe cơ giới trong cả nước gồm: Chủ xe đưa ô tô đến đơn vị đăng kiểm; đơn vị đăng kiểm căn cứ số khung, số máy, giấy đăng ký xe, giấy chứng nhận chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe cơ giới nhập khẩu hoặc bản sao phiếu kiểm tra chất lượng xuất xưởng của xe để tra cứu dữ liệu thông số kỹ thuật của phương tiện từ cơ sở dữ liệu trực tiếp. Đơn vị đăng kiểm tải dữ liệu về và ghi nhận vào cơ sở dữ liệu kiểm định, dữ liệu tải về là thông số kỹ thuật gốc của phương tiện và không thể sửa đổi.

Sau đó, đơn vị đăng kiểm nhập thông tin hành chính, chụp ảnh thực tế phương tiện, chỉ kiểm tra nhận dạng phương tiện và thực hiện lập Hồ sơ phương tiện cho xe, in giấy chứng nhận kiểm định (có mã QR code), tem kiểm định, tem thu phí sử dụng đường bộ. 

Cuối cùng, chủ xe ô tô nộp lệ phí cấp giấy chứng nhận và phí sử dụng đường bộ được quy định theo đầu phương tiện quy định và đơn vị đăng kiểm dán tem kiểm định, tem thu phí sử dụng đường bộ lên xe, cấp giấy chứng nhận kiểm định cho chủ phương tiện.

Theo vtv.vn