Thứ 6, 29/03/2024, 22:57[GMT+7]

Khắc phục khó khăn, đẩy nhanh tiến độ thi công tuyến đường bộ ven biển

Thứ 4, 19/04/2023 | 22:18:07
7,940 lượt xem
Những ngày này, trên công trường tuyến đường bộ ven biển đoạn qua tỉnh Thái Bình, các kỹ sư, công nhân Công ty TNHH Đầu tư xây dựng và thương mại Phương Anh nỗ lực vượt khó, đẩy nhanh tiến độ thi công để hoàn thành công trình theo đúng kế hoạch.

Công trình cầu sông Hồng thuộc tuyến đường bộ ven biển đang được đẩy nhanh tiến độ.

Kỹ sư Vũ Mạnh Hùng, chỉ huy trưởng công trình, đại diện nhà thầu thi công cho biết: Xác định đây là công trình có ý nghĩa quan trọng không chỉ góp phần hoàn thiện hạ tầng giao thông trong khu vực, hình thành trục đường giao thông chính ven biển để tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội mà còn củng cố quốc phòng, an ninh, ứng phó với biến đổi khí hậu; đặc biệt, có ý nghĩa quyết định đối với sự phát triển của Khu kinh tế Thái Bình nói riêng, kinh tế - xã hội của tỉnh nói chung. Do đó, mặc dù gặp nhiều khó khăn trong quá trình triển khai thi công dự án nhưng cán bộ, kỹ sư giám sát công trình, công nhân... rất tự hào được đem sức lực của mình xây dựng các công trình, góp phần tạo cảnh quan, diện mạo đổi mới của quê hương.

Dự án tuyến đường bộ ven biển đoạn qua tỉnh Thái Bình có tổng chiều dài trên 43km, ngoài 9km đã bàn giao xong mặt bằng và đang triển khai thi công giai đoạn 1; đoạn còn lại trên địa bàn hai huyện Thái Thụy và Tiền Hải có chiều dài trên 34km, đến nay đã thi công khuôn, nền đường, cống qua đường được trên 25km; còn một số đoạn tuyến đang thi công xử lý nền đất yếu. Các hạng mục cầu trên tuyến như: cầu sông Sinh, cầu Diêm Điền, cầu Trà Lý, cầu Dừa, cầu Sơn Thọ, cầu Lân 1, cầu Lân 2... đã cơ bản hoàn thành. Riêng công trình cầu sông Hồng bắc qua sông Hồng nối hai huyện Tiền Hải (Thái Bình) và Giao Thủy (Nam Định) có chiều dài 1.400m với 27 nhịp, trong đó có 5 nhịp cầu chính và nhịp chính giữa sông vượt khẩu độ 120m. Tổng vốn đầu tư của công trình gần 1.000 tỷ đồng, đến nay đã thi công đạt khoảng 70% khối lượng. Trong đó, thi công hoàn thành các hạng mục cọc khoan nhồi, 2/2 mố cầu và 26/28 trụ cầu; 115/115 phiến dầm, trong đó lao lắp được 80/115 phiến; đang tiến hành thi công đốt K0 nhịp chính. Tổng giá trị khối lượng thi công trên toàn tuyến hoàn thành gần 2.300 tỷ đồng, đạt khoảng 65%.

Hiện công tác giải phóng mặt bằng của dự án đã cơ bản hoàn thành song vẫn còn vướng mắc một số vị trí bổ sung trên tuyến tại địa bàn huyện Tiền Hải, cũng như mặt bằng tại các nút giao với quốc lộ 39 (huyện Thái Thụy). Tuy nhiên, thời điểm này nhà thầu thi công dự án đang gặp nhiều khó khăn do nguồn cung nguyên, nhiên, vật liệu khan hiếm, giá cả liên tục leo thang. Hiện nay, giá các loại vật liệu san lấp như cát đen, đất đồi, đá, cấp phối đá dăm... đều tăng từ 70 - 90%, có loại tăng gấp 2 lần so với đầu năm 2022. 

Ông Đào Hải Linh, Giám đốc doanh nghiệp dự án, Công ty TNHH Đầu tư xây dựng và thương mại Phương Anh cho biết: Hiện tại nhà thầu thi công đang gặp nhiều khó khăn về nguồn cát san lấp phục vụ thi công dự án. Theo ước tính, khối lượng cát sử dụng cho dự án khoảng 3 triệu m3, trong khi nhà thầu mới huy động được hơn 2 triệu m3. Khan hiếm nguồn cung khiến giá cát liên tục leo thang thời gian gần đây, ảnh hưởng lớn đến tiến độ triển khai và hoàn thành dự án. Ngoài vấn đề về cát san lấp, nhà thầu còn phải đối mặt với tình trạng giá nhiều loại vật liệu chính biến động tăng như thép các loại (thép tròn, thép hình, cáp dự ứng lực...), xi măng, nhựa đường, cốt liệu đá cho bê tông xi măng, bê tông nhựa, cát vàng sản xuất bê tông xi măng... Nguyên nhân xuất phát từ tình trạng giá nhiên liệu, nguyên liệu đầu vào tăng cao và tình trạng khan hiếm nguồn cung các loại. “Thời điểm lập dự toán đầu năm 2020, các loại vật tư chính của dự án đang ở mặt bằng giá thấp (giá thép xây dựng khoảng 12.000 đồng/kg; giá cát đen khoảng 85.000 đồng/m3; giá dầu diezen khoảng 12.500 đồng/lít). Tuy nhiên, với mức giá hiện nay khiến chi phí công trình đang bị đẩy lên khoảng 20 - 30%” - ông Đào Hải Linh cho biết thêm.

Thi công tuyến đường bộ ven biển đoạn qua địa phận xã Thái Đô (Thái Thụy).

Ông Đặng Văn Tính, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh cho biết: Với vai trò chủ đầu tư, để dự án thi công bảo đảm đúng tiến độ đề ra, Ban Quản lý dự án đã lập kế hoạch thi công cụ thể theo từng tuần, tháng bảo đảm kế hoạch giải ngân năm 2023 và tiến độ chung của dự án. Tiếp tục đẩy nhanh và tăng cường tiến độ thi công các hạng mục trên tuyến, đặc biệt là công trình cầu vượt sông Hồng; lên kế hoạch nhập vật tư, vật liệu bảo đảm không ảnh hưởng đến tiến độ thi công dự án...

Kiểm tra thực tế tại công trường, đồng chí Nguyễn Quang Hưng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh nhấn mạnh ý nghĩa, tầm quan trọng của tuyến đường bộ ven biển đoạn qua tỉnh Thái Bình trong thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Do đó, để kịp thời tháo gỡ khó khăn cho nhà thầu thi công cũng như bảo đảm yêu cầu chất lượng cũng như tiến độ công trình, hai huyện Thái Thụy, Tiền Hải cần tập trung giải phóng mặt bằng các diện tích bổ sung để phục vụ thi công dự án. Chủ đầu tư dự án là Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát bảo đảm chất lượng, tiến độ dự án; đồng thời, tham mưu cho tỉnh các phương án kịp thời hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp nhà thầu...

Thi công cầu sông Hồng thuộc dự án tuyến đường bộ ven biển.

Thực tế từ năm 2021 đến nay, doanh nghiệp nhà thầu liên tục phải đối diện với những khó khăn do dịch Covid-19; tác động của tăng giá nguyên, nhiên, vật liệu và sự thiếu hụt nguồn cung. Tuy nhiên, với sự chỉ đạo sát sao của tỉnh, cùng quyết tâm cao độ và nỗ lực vượt khó của chủ đầu tư, nhà thầu thi công, nhất là đội ngũ cán bộ, kỹ sư, công nhân lao động tin tưởng rằng công trình tuyến đường bộ ven biển, đoạn qua tỉnh Thái Bình sẽ sớm được hoàn thiện và đưa vào sử dụng, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh theo đúng kế hoạch đề ra.

Nguyễn Thơi