Thứ 4, 15/01/2025, 06:07[GMT+7]

Họp Ban Chỉ đạo nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông vận tải

Thứ 5, 13/07/2023 | 15:13:52
9,236 lượt xem
Sáng ngày 13/7, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng ban Chỉ đạo nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông vận tải chủ trì phiên họp thứ 6 của Ban Chỉ đạo đánh giá kết quả đã thực hiện, bàn các giải pháp, tiếp tục tháo gỡ khó khăn, vướng mắc thúc đẩy thực hiện các công trình, dự án.

Đồng chí Nguyễn Khắc Thận, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại điểm cầu Thái Bình.

Phiên họp được truyền trực tuyến tới 33 điểm cầu trụ sở UBND các tỉnh, thành phố có các dự án trọng điểm đi qua. Dự họp tại điểm cầu Thái Bình có các đồng chí: Nguyễn Khắc Thận, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Vũ Kim Cứ, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư.

Tại phiên họp, Ban Chỉ đạo tiến hành rà soát, đánh giá tình hình thực hiện các dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông vận tải. Các công trình được phân bổ rộng khắp với các dự án giao thông trục Bắc - Nam, Đông - Tây và kết nối 6 vùng kinh tế - xã hội trong cả nước.

Video: 130723-PBIEU_CHU_TICH_UBND_TINH.mp4?_t=1689245130

Đối với Thái Bình có dự án đầu tư xây dựng tuyến đường cao tốc Ninh Bình – Hải Phòng (CT.08), đoạn quan tỉnh Nam Định - Thái Bình, theo hình thức PPP. Dự án đi qua tỉnh Thái Bình có chiều dài 33,3km. Phát biểu tại phiên họp, đồng chí Nguyễn Khắc Thận, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh báo cáo tình hình triển khai dự án đường cao tốc CT.08, đoạn qua tỉnh Nam Định – Thái Bình. Với ý nghĩa quan trọng của dự án, dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và tạo điều kiện của các bộ, ngành, 2 tỉnh Nam Định, Thái Bình đã chủ động phối hợp nên tiến độ thực hiện dự án thuận lợi. Sau khi tỉnh Thái Bình rà soát và thống nhất với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Giao thông Vận tải thì ngày 22/5/2023, UBND tỉnh đã chính thức ký tờ trình gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư thẩm định và chấp thuận chủ trương báo cáo nghiên cứu tiền khả thi của dự án. Sau đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có văn bản trình Thủ tướng Chính phủ và được đồng ý; đồng thời tỉnh đã có văn bản xin ý kiến 11 bộ, ngành tham gia đóng góp ý kiến vào báo cáo nghiên cứu tiền khả thi của dự án. Trên cơ sở ý kiến tham gia của các bộ, ngành, Hội đồng thẩm định sẽ tiến hành thẩm định và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương dự án trong thời gian tới. Song song với đó, tỉnh Thái Bình yêu cầu đơn vị tư vấn nghiên cứu các bước để tiếp tục hoàn thiện dự án. Ngoài ra, tỉnh đã quy hoạch các khu tái định cư để phục vụ công tác giải phóng mặt bằng thực hiện dự án; UBND 2 tỉnh Nam Định, Thái Bình đã trình và được HĐND tỉnh bổ sung kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn nguồn ngân sách tỉnh giai đoạn 2021-2025 cho dự án; tiến hành rà soát các mỏ cát phục vụ thi công dự án; cập nhật dự án vào quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và đang tiến hành xây dựng khung chính sách bồi thường hỗ trợ tái định cư…

Cho ý kiến về dự án đường cao tốc CT.08, đoạn qua tỉnh Nam Định - Thái Bình, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà ghi nhận, đánh giá cao cách làm của tỉnh Thái Bình trong chủ động nắm bắt tình hình, các trình tự thủ tục để triển khai dự án, song song với đó, tỉnh Thái Bình đang làm rất tốt công tác giải phóng mặt bằng. Phó Thủ tướng đánh giá, đây là kinh nghiệm hay, quý báu để các địa phương khác học hỏi để áp dụng trong thực tiễn triển khai các dự án và đề nghị các bộ, ngành trung ương tạo điều kiện để tỉnh Thái Bình có thể triển khai dự án trong thời gian sớm nhất.

Sau khi nghe các bộ, ngành, địa phương thảo luận, phát biểu kết luận, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết: Nguồn vốn cho giao thông vận tải chiếm tỉ lệ lớn trong tổng nguồn vốn đầu tư công năm 2023, riêng vốn trung ương khoảng 711.000 tỷ đồng và sẽ tiếp tục được bố trí, bổ sung thêm. Vì vậy, Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành, địa phương cần phát huy tinh thần trách nhiệm, vì lợi ích quốc gia, dân tộc, "biến không thành có, biến khó thành dễ, biến không thể thành có thể", "không nói không, không nói khó, không nói có mà không làm" để triển khai các công việc; cần tích cực, quyết liệt hơn nữa, tập trung tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc; giảm bớt các thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian triển khai, kiên quyết thực hiện nguyên tắc giải quyết công việc theo đúng thẩm quyền, không đùn đẩy, không né tránh, với tinh thần chống tiêu cực, lãng phí, tất cả vì nhiệm vụ chung, hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, người dân, doanh nghiệp. 

Về quy trình, thủ tục, Thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu không trông chờ, thực hiện nghiêm quy chế làm việc của Chính phủ, nếu xin ý kiến quá 7 ngày, nếu không trả lời coi như đồng ý.

Nhấn mạnh yêu cầu các địa phương chủ động hơn nữa trong công tác giải phóng mặt bằng, bố trí phương án tái định cư, vận dụng sáng tạo, linh hoạt, bảo đảm quyền, lợi ích của người dân; tăng cường công tác tuyên truyền, vận động, tạo sự đồng thuận trong nhân dân, Thủ tướng đề nghị tại những địa phương chưa thực hiện việc Bí thư Tỉnh ủy làm Trưởng ban Chỉ đạo giải phóng mặt bằng, Chủ tịch UBND tỉnh báo cáo đồng chí Bí thư Tỉnh ủy để thực hiện, từ đó huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị; ngoài ra, các địa phương rà soát lại các mỏ khoáng sản để bảo đảm nguồn cung vật liệu cho các công trình, dự án…

Thủ tướng Chính phủ đề nghị các cơ quan trung ương phối hợp chặt chẽ, đẩy nhanh tiến độ các công việc, thủ tục chuẩn bị đầu tư, bố trí vốn… theo đúng quy định, không để kéo dài; các bộ tăng cường thanh tra, kiểm tra, đôn đốc các nội dung công việc thuộc phạm vi quản lý; giao Thanh tra Chính phủ tổ chức thanh tra, kiểm tra việc cấp quyền khai thác các mỏ khoáng sản tại các địa phương…

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu cần khẩn trương hoàn thiện thủ tục đầu tư các dự án bị chậm tiến độ, sớm khởi công các dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông vận tải; các dự án đang triển khai cần khắc phục khó khăn, đẩy nhanh tiến độ thi công, bảo đảm đạt và vượt kế hoạch đề ra.

Nguyễn Thơi