Chủ nhật, 28/04/2024, 02:15[GMT+7]

Duy tu, bảo trì đường bộ góp phần giảm thiểu tai nạn giao thông

Thứ 7, 30/09/2023 | 07:35:05
3,615 lượt xem
Cùng với đầu tư xây mới, nâng cấp các tuyến đường huyết mạch, công tác bảo trì các công trình giao thông đường bộ nhằm kéo dài tuổi thọ công trình, bảo đảm mặt đường êm thuận cho các phương tiện lưu thông an toàn, thông suốt có ý nghĩa quan trọng trong quản lý giao thông, góp phần kiềm chế, kéo giảm tai nạn giao thông đường bộ trên cả 3 tiêu chí. Thực hiện tốt công tác bảo trì, bảo dưỡng công trình giao thông đường bộ vừa bảo đảm năng lực phục vụ giao thông vận tải (GTVT) của hệ thống hạ tầng vừa đáp ứng yêu cầu phát triển trong bối cảnh nguồn ngân sách hạn chế.

Lắp đặt bổ sung tôn hộ lan tại đường tỉnh ĐT.458, đoạn qua địa phận xã Hòa Bình (Kiến Xương).

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 3 tuyến quốc lộ ủy thác với tổng chiều dài 113km và hơn 20 tuyến đường tỉnh và các tuyến đường trong thành phố với tổng chiều dài 338km. Những năm qua, hệ thống giao thông đường bộ được đầu tư nâng cấp, mở rộng, xây mới không chỉ tạo thuận lợi cho người dân trong việc đi lại mà còn góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Để công tác bảo trì đường bộ đạt hiệu quả, Sở GTVT đã tập trung chỉ đạo các đơn vị liên quan thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Bộ GTVT, Cục Đường bộ Việt Nam và của tỉnh trong công tác bảo trì và bảo vệ hành lang an toàn giao thông đường bộ. Sử dụng hiệu quả nguồn quỹ bảo trì đường bộ trung ương, địa phương và vốn sự nghiệp GTVT để thực hiện kế hoạch duy tu, bảo dưỡng thường xuyên hàng năm; lựa chọn các nhà thầu có năng lực thực hiện công tác quản lý, bảo trì các tuyến quốc lộ do Bộ GTVT ủy thác quản lý. Chỉ đạo, phân công cán bộ theo dõi, giám sát kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ của nhân viên tuần đường và các đơn vị bảo trì đường bộ; xử lý hoặc phối hợp xử lý các hành vi xâm phạm công trình đường bộ.

Theo kế hoạch, năm 2023, Sở GTVT đã chủ động tham mưu UBND tỉnh kế hoạch duy tu, bảo dưỡng thường xuyên 347km đường và cầu; sửa chữa 14 công trình với tổng kinh phí trên 78 tỷ đồng, trong đó: sửa chữa 8 công trình bằng nguồn vốn sự nghiệp giao thông địa phương; sửa chữa 6 công trình bằng nguồn vốn chương trình mục tiêu bảo trì đường bộ. 

Ông Nguyễn Văn Quyến, Ban Quản lý và bảo trì công trình đường bộ (Sở GTVT) cho biết: Từ đầu năm đến nay, Sở đã hoàn thành duy tu, bảo trì, sửa chữa một số công trình như: sửa chữa hư hỏng nền mặt đường, gia cố lề đoạn Km3+100 - Km6+150, quốc lộ 37; sửa chữa, bổ sung hệ thống ATGT đoạn Km64 - Km74+400, Km81+600 - Km93+510, quốc lộ 39; sửa chữa, bổ sung hệ thống ATGT trên quốc lộ 37B; sửa chữa hư hỏng nền mặt đường và hệ thống thoát nước đoạn Km14+540 - Km15+420, Km15+850 - Km16+600, Km17+900 - Km18+350, quốc lộ 37B; sửa chữa đường ĐT.463 (đường 220B) đoạn từ Km2+800 - Km3+400, Km6+400 - Km7+500, Km8+00 - Km8+800, Km9+500 - Km9+960; sửa chữa đường ĐT.458 đoạn từ Km6+500 - Km6+900, Km10+500 - Km11+600... Các công trình còn lại đang được triển khai thi công theo đúng tiến độ đề ra.

Là một trong những đơn vị trúng gói thầu duy tu, sửa chữa thường xuyên cầu, đường bộ do địa phương quản lý với hơn 340km đường tỉnh, hơn 40km quốc lộ ủy thác và gần 30km quốc lộ 10 đoạn qua địa phận tỉnh, từ đầu năm đến nay Công ty Cổ phần Quản lý đường bộ Thái Bình thường xuyên kiểm tra các tuyến đường, kịp thời phát hiện hư hỏng để khắc phục hoặc báo cáo cấp trên lên kế hoạch sửa chữa nhằm bảo đảm an toàn giao thông và bảo vệ kết cấu công trình giao thông. Đến hết tháng 8/2023, Công ty đã tổ chức vá ổ gà hơn 2.000m2; phát quang hơn 120km cây cối; nạo vét hơn 30.000m rãnh; vệ sinh hơn 260.000m mặt đường; sửa chữa, bổ sung 300 cọc tiêu và hơn 200 bộ biển báo; vá thảm bê tông nhựa hơn 10.000m2 mặt đường, đắp đất lề gần 1.000m3... Cùng với đó, kinh phí cũng dành một phần để thực hiện công tác quản lý hành lang đường bộ trên các tuyến đường giao thông. 

Ông Nguyễn Ngọc Tùng, Tổng giám đốc Công ty cho biết: Trước mùa mưa bão năm 2023, Công ty đã tổng kiểm tra toàn bộ hệ thống cầu, đường do đơn vị quản lý; lên kế hoạch và báo cáo cấp trên để sửa chữa, gia cường cầu cống yếu, hư hỏng; ưu tiên và tập trung bạt lề, khơi thông rãnh thoát nước mặt đường; bổ sung cọc tiêu, biển báo hiệu, dự phòng cọc tiêu cắm tại các đoạn đường ngập nước do mưa lớn và các đoạn đường sạt lở nền đường; kiểm tra, theo dõi các đoạn mặt đường xấu, dễ phát sinh cao su, ổ gà, đọng nước cục bộ và các đoạn đường dễ bị biến dạng khi chịu nhiệt độ cao kéo dài...

Thi công sửa chữa mặt quốc lộ 37, địa phận xã Thụy Quỳnh (Thái Thụy).

Để thực hiện tốt công tác bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, thời gian tới, Sở GTVT yêu cầu các phòng, ban, đơn vị tiếp tục quản lý chặt chẽ hợp đồng bảo trì, bảo dưỡng thường xuyên, tiến hành nghiệm thu khối lượng đã thực hiện theo điều khoản trong hợp đồng, giảm trừ khối lượng công việc chưa thực hiện. Nâng cao vai trò quản lý nhà nước trong công tác quản lý, bảo trì, bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông. Lực lượng thanh tra giao thông tăng cường công tác tuần tra, phát hiện và xử lý kịp thời hoặc lập hồ sơ báo cáo cấp thẩm quyền xử lý vi phạm về lấn chiếm, sử dụng hành lang đường bộ, đặc biệt là điểm đấu nối trái phép của tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trên hệ thống đường tỉnh và quốc lộ. Yêu cầu các đơn vị quản lý thực hiện đầy đủ trách nhiệm trong hợp đồng bảo trì, bảo dưỡng thường xuyên (bao gồm cả bến phà và cầu phao) đã ký với Sở GTVT. Kịp thời phát hiện, xử lý hoặc báo cáo cấp trên xử lý vi phạm về bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, đặc biệt là các điểm đấu nối (cây xăng, dầu, điểm đấu nối vào khu, cụm công nghiệp, nhà máy)...


Nguyễn Thơi