Thứ 3, 16/07/2024, 07:08[GMT+7]

Những cao tốc trọng điểm được thông xe trong 6 tháng đầu năm

Thứ 4, 10/07/2024 | 16:18:46
2,891 lượt xem
Trong 6 tháng đầu năm, nhiều dự án giao thông trọng điểm trên cả nước được hoàn thành, đưa vào khai thác sử dụng.

Dự án cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo.

Cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo

Dự án cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo được đưa vào vận hành, khai thác từ ngày 26/4.

Dự án cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo dài hơn 78 km, đi qua 3 tỉnh Khánh Hòa, Ninh Thuận và Bình Thuận; đấu nối vào cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết và Phan Thiết - Dầu Giây. Đây là dự án được đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP), khởi công vào ngày cuối năm 2021 với nguồn kinh phí khoảng 9.000 tỉ đồng.

Dự án cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo được đưa vào khai thác sẽ kết nối với các tuyến cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết và Phan Thiết - Dầu Giâu, rút ngắn thời gian từ TP.HCM về TP Phan Rang - Tháp Chàm.

Dự án cũng rút ngắn hành trình di chuyển của phương tiện từ các tỉnh phía Nam qua Ninh Thuận đến các tỉnh Nam Trung Bộ và ngược lại; tạo điều kiện giao thương hàng hóa, thu hút đầu tư, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương trong thời gian tới.

Trên tuyến có hầm cấp đặc biệt Núi Vung dài 2,25 km kết nối 2 tỉnh Ninh Thuận - Bình Thuận, gồm 2 ống hầm mỗi ống 3 làn xe, bề rộng hầm 14m, giai đoạn 1 sử dụng một ống hầm lưu thông hai chiều. Sau khi hoàn thành, đây là hầm dài thứ 4 cả nước sau các hầm Hải Vân, Đèo Cả và Cù Mông. 

Trung tâm vận hành hầm gồm tổ hợp giám sát - điều khiển bởi các hệ thống ITS, đóng vai trò quan trọng trong đảm bảo an toàn, lưu thông thông suốt.

Cao tốc Diễn Châu - Bãi Vọt

Dự án cao tốc thành phần Diễn Châu - Bãi Vọt được thông xe, đưa vào khai thác sử dụng ngày 28/4.

Dự án cao tốc Bắc Nam đoạn Diễn Châu - Bãi Vọt dài 49,3km, đi qua 2 tỉnh Nghệ An (44,4 km) và Hà Tĩnh (4,9 km). Dự án được thực hiện theo hình thức đối tác công tư PPP, có tổng mức đầu tư 11.157 tỷ đồng. Dự án được khởi công ngày 22/5/2021. Thời gian thi công theo hợp đồng là 36 tháng. 

Dự án cao tốc Diễn Châu - Bãi Vọt. (Ảnh: Trọng Tùng)

Dự án cao tốc Diễn Châu - Bãi Vọt. (Ảnh: Trọng Tùng)

Điểm đầu cao tốc tại nút giao Diễn Cát (xã Diễn Cát, huyện Diễn Châu, Nghệ An) giao với quốc lộ 7, nối tiếp với đoạn cao tốc Nghi Sơn – Diễn Châu và điểm cuối giao với quốc lộ 8, kết nối với đoạn cao tốc Bãi Vọt – Hàm Nghi (xã Thanh Bình Thịnh, huyện Đức Thọ, Hà Tĩnh).

Các nhà thầu thi công gồm: Tổng Công ty Xây dựng Trường Sơn, Tập đoàn Cienco 4, Công ty TNHH Hòa Hiệp, Công ty Cổ phần 456, Công ty Cổ phần Thái Yên, Công ty TNHH Đại Hiệp, Công ty Nam Hải Group, Công ty Cổ phần Thái Sơn và Công ty Cổ phần VINA2.

Giai đoạn đầu, cao tốc Diễn Châu - Bãi Vọt sẽ thông xe khoảng 30km từ nút giao Quốc lộ 7 ở xã Diễn Cát, huyện Diễn Châu đến nút giao Quốc lộ 46B ở xã Hưng Tây, huyện Hưng Nguyên (Nghệ An).

Chiều 29/6, Bộ GTVT đã tổ chức lễ thông xe đoạn cao tốc Diễn Châu - Bãi Vọt (từ km458+700, quốc lộ 46B đến nút giao cuối tuyến quốc lộ 8A) trên cầu Hưng Đức, huyện Hưng Nguyên (Nghệ An). Đây là 19 km cuối của tuyến cao tốc Diễn Châu - Bãi Vọt. Việc hoàn thành 19 km cuối cùng giúp toàn tuyến cao tốc này được khai thác đồng bộ trên tổng chiều dài 49 km.

Đường nối cao tốc Hà Nội - Hải Phòng với cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình

Sáng 7/7, Thủ tướng Phạm Minh Chính dự lễ khánh thành tuyến đường bộ nối đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng với đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình đoạn qua tỉnh Hưng Yên (giai đoạn 2).

Dự án tuyến đường bộ nối đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng với đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình dài gần 24 km, nhằm nâng cao khả năng khai thác của hai tuyến cao tốc và giảm áp lực giao thông qua Thủ đô Hà Nội.

Dự án tuyến đường bộ nối đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng với đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình dài gần 24 km. (Ảnh: Lê Khánh)

Dự án tuyến đường bộ nối đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng với đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình dài gần 24 km. (Ảnh: Lê Khánh)

Dự án có vai trò quan trọng trong vùng lõi kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và là động lực phát triển khu vực Đồng bằng sông Hồng, vùng Thủ đô Hà Nội, của tỉnh Hưng Yên và các tỉnh Hà Nam, Thái Bình.

Dự án phần lớn nằm trên địa bàn tỉnh Hưng Yên, được Bộ Giao thông Vận tải quyết định đầu tư, phân cấp cho tỉnh Hưng Yên làm chủ đầu tư, doanh nghiệp xây dựng Xuân Trường thi công.

Đoạn qua tỉnh Hưng Yên có tổng mức đầu tư hơn 1.700 tỷ đồng từ ngân sách Trung ương, chia làm 2 giai đoạn, quy mô 4 làn xe, tốc độ thiết kế 80 km/h. Đến nay, dự án đã hoàn thành, được đưa vào sử dụng.

Cùng với đó, đoạn qua tỉnh Hưng Yên đang được tỉnh đầu tư, mở rộng thêm phần đường bên với tổng mức đầu tư khoảng 1.400 tỷ đồng từ ngân sách địa phương. Dịp này, đường bên cũng được thông xe kỹ thuật.

Tuyến đường giúp rút ngắn thời gian di chuyển giữa cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ với cao tốc Hà Nội-Hải Phòng tới 30 phút so với đi cầu Yên Lệnh và Quốc lộ 39.

Theo quy hoạch, tuyến đường sẽ được nâng cấp lên thành đường cao tốc sau năm 2030.

Theo vtc.vn