Thứ 6, 26/07/2024, 20:28[GMT+7]

Quỳnh Phụ: Giải bài toán “điện - đường” nhờ sự đồng thuận của nhân dân

Thứ 6, 26/07/2024 | 16:56:52
258 lượt xem
Trong khi di dời hạ tầng lưới điện tại các dự án giao thông ở một số địa phương trong tỉnh đang trở thành bài toán nan giải đối với chủ đầu tư và đơn vị thi công, thì tại huyện Quỳnh Phụ, với sự quyết tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự phối hợp đồng bộ của các ngành chức năng và sự đồng thuận, ủng hộ của nhân dân công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) nói chung, việc di dời hạ tầng lưới điện nói riêng đã và đang được triển khai hiệu quả, bảo đảm tiến độ thi công các dự án trên địa bàn.

Công nhân Điện lực Quỳnh Phụ lắp đặt hạ tầng lưới điện tại dự án Đường tỉnh ĐT.452 từ thị trấn Quỳnh Côi đi xã Quỳnh Ngọc (Quỳnh Phụ).

Từ điểm sáng hiến đất làm đường

Dự án đầu tư xây dựng công trình đường tỉnh ĐT.452 từ thị trấn Quỳnh Côi đi xã Quỳnh Ngọc (Quỳnh Phụ) được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 2689 ngày 25/11/2022 được triển khai từ đầu năm 2023. Dự án gồm tuyến chính dài trên 7,8km; điểm đầu giao với đường tỉnh 455 thuộc địa phận xã Quỳnh Mỹ, điểm cuối tiếp giáp giữa xã Quỳnh Ngọc (Quỳnh Phụ) và xã Dân Chủ (Hưng Hà); cùng 1 tuyến nhánh dài 360m (đoạn hoàn trả đường trục xã Quỳnh Mỹ). Theo đó, diện tích cần GPMB của dự án dự kiến khoảng trên 5ha của 250 hộ dân; trong đó, về hạ tầng lưới điện cần di dời khoảng 70 cột điện và các hạ tầng lưới điện trên tuyến. Tuy nhiên, chỉ sau một thời gian ngắn tuyên truyền, vận động, mặc dù chưa nhận tiền bồi thường tài sản trên đất song tất cả các hộ dân đều đồng thuận hiến đất và tháo dỡ công trình, sẵn sàng bàn giao mặt bằng để đơn vị thi công sớm triển khai dự án.

Trực tiếp có mặt, chỉ đạo cán bộ, công nhân viên ngành điện tham gia di dời hạ tầng lưới điện tại xã Quỳnh Mỹ, phục vụ thi công dự án đường tỉnh ĐT.452 từ thị trấn Quỳnh Côi đi xã Quỳnh Ngọc, ông Đào Quốc Thuận, Giám đốc Điện lực Quỳnh Phụ cho biết: Ngay từ đầu năm, Điện lực huyện đã chủ động nắm bắt kế hoạch xây dựng các dự án của huyện, sau đó chỉ đạo các phòng, ban khảo sát, lập phương án, dự toán dịch chuyển đường điện; đồng thời đưa vào kế hoạch sản xuất của đơn vị theo từng quý, từng tháng trong năm. Bám sát đường găng tiến độ của dự án, đơn vị chủ động phối hợp với đơn vị thi công, sẵn sàng các phương án đào, đúc móng cột, dịch chuyển hạ tầng lưới điện để sớm bàn giao mặt bằng phục vụ thi công dự án. Theo đó, từ đầu năm đến nay, Điện lực huyện đã di dời trên 250 cột điện hạ thế, 14 cột điện trung thế và 1 trạm biến áp tại các dự án đang triển khai.

Người dân xã An Vinh (Quỳnh Phụ) đồng thuận hiến đất, tạo điều kiện triển khai dự án cải tạo, nâng cấp đường ĐH.84 đến quốc lộ 10.

Tại xã An Vinh, thời điểm này địa phương cũng đang triển khai dự án cải tạo, nâng cấp đường ĐH.84 đến quốc lộ 10 với tổng chiều dài 1,2km. Tuyến đường trước đây đi lại rất khó khăn, nhiều ổ gà, gây mất an toàn giao thông. Từ khi huyện có chủ trương cải tạo, nâng cấp đường, người dân rất phấn khởi. 

Năm nay đã ngoài 80 tuổi, ông Trần Mậu, xóm 9, xã An Vinh hồ hởi chia sẻ: Huyện đầu tư tuyến đường qua địa bàn xã, người dân chúng tôi ai cũng phấn khởi. Nhà nào có đất bị ảnh hưởng, thuộc phạm vi dự án thì đều đồng thuận, hiến đất để mở rộng đường. Ngành điện cũng chủ động phối hợp, thay thế cột điện cũ xuống cấp bằng cột mới chắc chắn, an toàn, nên người dân cũng yên tâm. 

Cùng chung tâm thế phấn khởi, ông Nguyễn Bá Chinh, xóm 9, xã An Vinh cho biết: Con đường cũ đã xuống cấp nhiều năm, nay được cải tạo, nâng cấp rộng rãi, khang trang hơn trước. Người dân ai cũng mong đơn vị thi công sớm thi công hoàn thiện, để việc đi lại được thuận tiện, an toàn.

Hạ tầng lưới điện tại dự án cải tạo, nâng cấp đường ĐH.84 đến quốc lộ 10 được đầu tư, nâng cấp.

Dân tự nguyện hiến đất, chính quyền vào cuộc khẩn trương

Theo công văn số 2788/UBND-CTXDGT của UBND tỉnh ngày 6/7/2021, đối với các công trình do ngành điện nhận bàn giao theo chỉ đạo của UBND tỉnh thì bồi thường và hỗ trợ bồi thường đối với các công trình tiếp nhận có đầy đủ hồ sơ giải trình việc đã thanh toán giá trị còn lại các công trình về ngân sách nhà nước, tuy nhiên đa phần các tuyến đường tiếp nhận theo chỉ đạo của UBND tỉnh đều là tiếp nhận không hoàn vốn từ cách đây khá lâu nên bị thất thoát hồ sơ, gây khó khăn về cơ chế cho ngành điện và các đơn vị thi công dịch chuyển đường điện phục vụ GPMB để thi công dự án.

Lý giải về cách làm của huyện để giải quyết hiệu quả bài toán “đường - điện”, ông Nguyễn Ngọc Nhường, Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất và cụm công nghiệp huyện Quỳnh Phụ cho hay: Trung tâm đã phối hợp với chính quyền các địa phương tiếp tục làm tốt công tác GPMB, sẵn sàng hiến đất mở đường, hiến đất để đúc dựng móng cột khi di dời đường điện; cùng với đó, Trung tâm đã chủ động phối hợp với ngành điện rà soát từ sớm hiện trạng hạ tầng lưới điện của từng dự án qua đó kịp thời thảo luận, đưa ra phương án để xử lý cũng như đề nghị Điện lực huyện tổng hợp, báo cáo hiện trạng và đề xuất đưa vào kế hoạch vốn của Công ty Điện lực Thái Bình cũng như Tổng công ty Điện lực miền Bắc.

Những năm qua, việc triển khai các dự án giao thông trên địa bàn huyện diễn ra tương đối thuận lợi; đặc biệt từ khi huyện thực hiện Thông báo kết luận số 220-TB-HU ngày 13/7/2021 của Ban Thường vụ Huyện ủy về việc vận động nhân dân tự nguyện, thỏa thuận góp quyền sử dụng đất cho nhà nước không đòi lại để cải tạo, nâng cấp, mở rộng đường giao thông. Phong trào hiến đất làm đường được người dân toàn huyện tích cực hưởng ứng, tạo điều kiện thuận lợi cho việc triển khai các dự án, trong đó có công tác GPMB hạ tầng lưới điện, hạ tầng viễn thông. 

Ông Vũ Xuân Hùng, Phó Chủ tịch thường trực UBND huyện Quỳnh Phụ cho biết: Huyện đã quán triệt quan điểm xuyên suốt từ huyện xuống cơ sở là: người dân đã đồng thuận hiến đất làm đường, chính quyền và các ban, ngành cần phát huy vai trò trách nhiệm để thực hiện các dự án, không phụ sự mong mỏi, ủng hộ của nhân dân; trong đó, ngành điện lực, viễn thông cũng cần cộng đồng trách nhiệm, chung tay cùng với huyện để thực hiện công tác GPMB đẩy nhanh tiến độ các dự án. Với những khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình triển khai tại cơ sở, huyện chỉ đạo Trung tâm Phát triển quỹ đất và cụm công nghiệp huyện chủ động nắm bắt, phối hợp với Điện lực huyện để tham mưu phương án tháo gỡ, trên tinh thần tất cả vì tiến độ dự án, vì lợi ích của nhân dân.

Thiết nghĩ, để sớm giải quyết bài toán “điện - đường” tại các dự án giao thông trên địa bàn tỉnh, bên cạnh việc phối hợp đồng bộ, trách nhiệm của các sở, ban, ngành và các địa phương để tham mưu cho tỉnh các phương án phù hợp nhất bảo đảm các quy định của pháp luật, bảo đảm trách nhiệm, quyền lợi của các bên liên quan; thì sự đồng thuận, ủng hộ của nhân dân chính là yếu tố then chốt mà các địa phương cần lưu tâm, chú trọng. Cách làm của huyện Quỳnh Phụ đã và đang phát huy hiệu quả là kinh nghiệm để các địa phương khác tham khảo, áp dụng.

Nguyễn Thơi