Thứ 4, 15/01/2025, 18:41[GMT+7]

Đông Hưng: Bảo đảm an toàn bến đò ngang mùa mưa bão

Thứ 7, 03/08/2024 | 23:07:57
3,263 lượt xem
Những năm qua, trên địa bàn huyện Đông Hưng không xảy ra tai nạn giao thông đường thủy nội địa, tuy nhiên không vì thế mà chủ quan, lơ là. Hiện nay đang là mùa mưa bão, để bảo đảm an toàn giao thông (ATGT) đường thủy nội địa, đặc biệt là an toàn cho nhân dân đi lại bằng đò ngang, các lực lượng chức năng đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao ý thức tự giác chấp hành các quy định của pháp luật cho chủ đò và nhân dân.

Chủ đò ký cam kết chấp hành nghiêm Luật Giao thông đường thủy nội địa với cơ quan chức năng.

Bến đò Cống Vực thuộc địa phận thôn Đồng Cống, xã Minh Phú nằm trên tuyến sông Trà Lý nối liền hai bờ xã Minh Phú (Đông Hưng) với xã Phúc Thành (Vũ Thư) hoạt động hàng chục năm qua. Những chuyến đò ngang là phương tiện được người dân hai bên bờ sông sử dụng để đi lại, vận chuyển hàng hóa và trung bình mỗi ngày có hàng trăm lượt khách và phương tiện qua lại. Thực hiện mô hình “Bến đò an toàn - văn hóa”, trên các chuyến đò đều được trang bị đầy đủ phao cứu hộ, dụng cụ nổi theo quy định. 

Ông Trần Văn Ký, chủ đò Cống Vực chia sẻ: Tôi làm nghề lái đò qua sông nên luôn chấp hành nghiêm các điều kiện theo quy định, tuyên truyền, nhắc nhở khách đi đò cùng thực hiện để bảo đảm ATGT đường thủy. Hàng chục năm qua, bến đò Cống Vực luôn bảo đảm an toàn tuyệt đối cho khách qua sông. Những ngày mưa bão, nước sông có báo động, đò cũng sẽ dừng hoạt động. 

Ngoài bến đò Cống Vực, trên địa bàn huyện Đông Hưng còn 11 bến đò ngang với 11 phương tiện chở khách qua sông đang hoạt động. Để bảo đảm an toàn trong mùa mưa bão, các lực lượng chức năng của huyện đẩy mạnh tuyên truyền Luật Giao thông đường thủy nội địa và các văn bản liên quan giúp chủ đò cũng như người tham gia giao thông hiểu rõ các quy định, chấp hành nghiêm túc. Lực lượng chức năng cũng yêu cầu các chủ bến đò thường xuyên tu sửa phương tiện bảo đảm an toàn kỹ thuật khi vận chuyển hành khách qua sông. Hướng dẫn người đi đò phải thực hiện nghiêm các quy định và sử dụng áo phao, dụng cụ nổi nhằm hạn chế thấp nhất tổn thất có thể xảy ra.

 Bà Đỗ Thị Hồng, xã Hồng Bạch cho biết: Tôi hay có việc phải đi qua đò để sang bên xã Hồng Minh (Hưng Hà) thăm người thân. Chủ đò luôn nhắc tôi mặc áo phao đúng quy cách, xếp xe đúng quy định, không chen lấn, xô đẩy nhau khi lên đò, xuống đò để mỗi chuyến đò đều “an toàn - văn hóa”. 

Trung tá Phạm Đình Ngọc, Đội trưởng Đội cảnh sát giao thông, Công an huyện Đông Hưng cho biết: Chủ động phòng, chống thiên tai, nhất là trong mùa mưa bão, góp phần bảo đảm trật tự ATGT đường thủy nội địa trên địa bàn, Đội đã tham mưu Công an huyện ra mắt mô hình “Bến đò an toàn - văn hóa”, phát áo phao cho các chủ đò. Phối hợp cùng Phòng Kinh tế - Hạ tầng và UBND các xã duyên giang đẩy mạnh tuyên truyền bằng nhiều hình thức về Luật Giao thông đường thủy nội địa, lan tỏa phong trào “Văn hóa giao thông với bình yên sông nước”, kết hợp với công tác phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm trên tuyến đường thủy. Tổ chức kiểm tra, ký cam kết bảo đảm ATGT đường thủy nội địa với các chủ đò. Qua kiểm tra, cơ bản các chủ đò và khách qua sông đều tuân thủ nghiêm Luật Giao thông đường thủy nội địa, tuy nhiên vẫn có hành khách dù đã được chủ đò nhắc nhở song chưa tự giác mặc áo phao. Chúng tôi đã yêu cầu chủ đò nghiêm túc thực hiện, kiên quyết không để người qua sông khi chưa mặc áo phao; tuyên truyền, nhắc nhở người dân hiểu và tự giác thực hiện quy định, đặc biệt trong những ngày nước sông dâng cao do mưa bão, lũ. 

Với những diễn biến khó lường của thiên tai, để bảo đảm ATGT cho người và phương tiện tham gia giao thông đường thủy trong mùa mưa bão, cùng với nỗ lực của lực lượng chức năng, chủ đò thì mỗi người dân khi tham gia giao thông đường thủy cần nâng cao ý thức tự bảo vệ mình bằng việc chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật.

Tất cả chủ đò và hành khách trên đò Giống đều tuân thủ việc mặc áo phao.

Trung Hiếu