Thứ 7, 03/08/2024, 21:20[GMT+7]

Dịch chuyển cột điện nằm giữa đường: Cần sự phối hợp của chính quyền địa phương

Thứ 2, 28/10/2013 | 09:15:57
4,822 lượt xem
Hưởng ứng phong trào xây dựng nông thôn mới (NTM), thời gian qua, người dân trong toàn tỉnh đã tích cực tham gia hiến đất, tường bao, cổng dậu, cây cối… để mở rộng đường giao thông nông thôn. Với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, nhiều hộ gia đình dù khó khăn vẫn nhiệt tình tham gia đóng góp tiền của và ngày công lao động vì diện mạo chung của xã. Song khi “đường đã thông, hè đã thoáng” thì nảy sinh bất cập là nhiều cột điện xưa kia nằm sát mép đường, nay lại nằm ở giữa

Cột điện trên đường thôn Vũ Xá (An Ðồng - Quỳnh Phụ) gây ảnh hưởng đến việc đi lại của nhân dân.

Ông Trần Quốc Tuấn, Phó Giám đốc Công ty Ðiện lực Thái Bình cho biết: Ðiện nằm trong nhóm tiêu chí hạ tầng kinh tế - xã hội của Bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng NTM. Vì vậy, ngay sau khi tiếp nhận lưới điện hạ áp nông thôn, Công ty Ðiện lực Thái Bình đã tranh thủ mọi nguồn vốn để xây dựng, cải tạo, nâng cấp hệ thống lưới điện khu vực nông thôn, góp phần cùng các địa phương trong tỉnh đẩy nhanh quá trình xây dựng NTM.

3 năm qua, ngành điện đã đầu tư trên 700 tỷ đồng cải tạo, xây mới, nâng cao chất lượng lưới điện hạ áp nông thôn cùng với tăng cường công tác quản lý theo hướng khoa học và chuyên nghiệp. Nhờ đó, tỷ lệ tổn thất điện năng đã giảm từ trên 30% trước tiếp nhận, xuống còn 10,6%, chất lượng điện năng tốt hơn nhiều so với trước. Ðến nay, các xã điểm xây dựng NTM cơ bản đạt tiêu chí số 4 về điện, với hệ thống lưới điện bảo đảm yêu cầu kỹ thuật và tỷ lệ hộ sử dụng điện thường xuyên đạt 100%.

Tuy nhiên, trong quá trình mở rộng đường liên thôn, liên xóm thì ở một số tuyến điện các cột điện không còn nằm ở mép đường và cần phải dịch chuyển. Số lượng cột điện cần dịch chuyển là rất nhiều, đòi hỏi phải có nguồn kinh phí và nhân lực lớn. Tại kỳ họp thứ 6, Hội đồng nhân dân tỉnh khóa XV, ông Nguyễn Văn Tuynh, Giám đốc Công ty Ðiện lực Thái Bình đã trả lời chất vấn về tình trạng nhiều cột điện hạ áp nông thôn nằm giữa lòng đường sau khi các xã mở rộng đường giao thông nông thôn.

Theo đó, UBND tỉnh đã giao cho Công ty Ðiện lực Thái Bình hỗ trợ các địa phương: Khảo sát lập phương án đầu tư với chi phí thấp nhất để dịch chuyển các công trình điện phù hợp với quy hoạch xây dựng cơ sở hạ tầng NTM; phối hợp giám sát kỹ thuật; cắt điện phục vụ thi công và tháo, hạ, treo lại dây dẫn, hòm công tơ sau khi cột đã dịch chuyển sang vị trí mới.

Từ năm 2011 đến nay, Công ty Ðiện lực Thái Bình đã phối hợp cùng các địa phương dịch chuyển trên 1.500 cột điện trung thế và hạ áp nông thôn. Giám đốc Ðiện lực Hưng Hà - Bùi Công Thanh cho biết: Chỉ sau 2- 3 ngày kể từ khi nhận được văn bản của các xã, thị trấn trên địa bàn huyện đề nghị ngành điện hỗ trợ dịch chuyển cột điện, Ðiện lực Hưng Hà cử cán bộ kỹ thuật, công nhân xuống địa bàn để khảo sát, thống nhất phương án và phối hợp với địa phương dịch chuyển đường dây điện khi địa phương đó bố trí được thời gian, nhân lực, vật lực. Với sự chủ động phối hợp, từ năm 2011 đến nay, Ðiện lực Hưng Hà đã hỗ trợ các địa phương dịch chuyển gần 200 cột điện hạ áp nông thôn.

Cũng cùng quan điểm đó, ông Vũ Nhâm Thành, Giám đốc Ðiện lực Quỳnh Phụ chia sẻ: Cột điện nằm giữa lòng đường không chỉ ảnh hưởng đến việc đi lại của người dân mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến ngành điện. Bởi, khi cột điện nằm giữa đường, chẳng may người tham gia giao thông không chú ý xảy ra tai nạn thì chúng tôi cũng bị liên đới. Vì vậy, những năm qua Ðiện lực Quỳnh Phụ luôn chủ động trong việc phối hợp cùng các địa phương sớm dịch chuyển các cột điện khi mở rộng đường giao thông nông thôn. Tuy nhiên, chỉ ngành điện thì chưa đủ, cần có sự chủ động của chính quyền địa phương trong việc bố trí nguyên vật liệu, kinh phí dịch chuyển cột điện.

Một số địa phương trên địa bàn huyện Quỳnh Phụ, như: An Vinh, Ðông Hải, Quỳnh Khê, Thị trấn An Bài… mặc dù không phải xã điểm xây dựng NTM của tỉnh, của huyện, nhưng không khí làm đường giao thông nông thôn ở đây diễn ra không kém phần sôi nổi. Người dân không chỉ hiến đất, hiến tường bao, cổng dậu, cây cối mà còn tích cực tham gia đóng góp tiền của, công sức làm đường, với số tiền từ vài trăm nghìn đồng đến vài triệu đồng/khẩu. Ông Nguyễn Bá Ðài, Chủ tịch UBND xã An Vinh cho biết: Từ năm 2011 đến nay, thông qua phong trào “Chung sức xây dựng NTM”, toàn xã đã hoàn thành trên 12 tuyến đường dài gần 10 km, kinh phí đầu tư trên 4 tỷ đồng, chủ yếu do nhân dân đóng góp tiền và ngày công; trong đó các thôn: Gia Hòa 1, Gia Hòa 2, Hưng Ðạo 2 đã bê tông hóa gần 100% các tuyến đường. Sau khi mở rộng đường, toàn xã có hơn 10 cột điện nằm ở giữa lòng đường đã được chính quyền địa phương phối hợp với ngành điện dịch chuyển vào trong lề đường.

Trong đó, ngành điện hỗ trợ về mặt lập dự toán, giám sát kỹ thuật, địa phương sử dụng ngân sách xã thuê nhân công, máy móc, mua nguyên vật liệu và bố trị vị trí đặt cột. Nhưng không phải địa phương nào cũng bố trí được kinh phí để dịch chuyển cột điện sau khi mở rộng đường giao thông nông thôn nên nhiều cột điện vẫn “án ngữ” ngay giữa lòng đường, còn người dân thì chẳng biết kêu ai, dù đã tự nguyện đóng góp tiền của, ngày công lao động, hiến đất, tường bao, cây cối… với mong muốn có những con đường sạch, đẹp, ô tô có thể đi vào tận nhà. Một trong những nguyên nhân cột điện vẫn nằm giữa lòng đường cho dù địa phương đã bố trí được kinh phí, là do người dân xung quanh khu vực cột điện không thống nhất được vị trí mới để chôn cột.

Ðể đạt được mục tiêu đến năm 2020, Thái Bình cơ bản trở thành tỉnh nông thôn mới, trong những năm tới, các địa phương trong tỉnh sẽ tiếp tục thực hiện nâng cấp, mở rộng công trình giao thông nông thôn theo chuẩn NTM. Vì vậy, việc di dời các cột điện là tất yếu. Thiết nghĩ, trong quá trình triển khai thực hiện,  các địa phương cần tính toán dự trù nguồn kinh phí. Từ đó, ngành điện có cơ sở lập khảo sát thiết kế, lên phương án, phối hợp cùng các địa phương di dời cột điện, góp phần bảo đảm mỹ quan và an toàn cho người dân khi tham gia giao thông.

Minh Nguyệt

  • Từ khóa