Thứ 7, 03/05/2025, 19:42[GMT+7]

Vươn mình từ những công trình mang tầm chiến lược

Thứ 7, 03/05/2025 | 06:14:47
792 lượt xem
Thái Bình đang tập trung nguồn lực triển khai nhiều công trình, dự án có quy mô lớn, mang tầm chiến lược, giữ vai trò động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế - xã hội. Định hướng phát triển đó được cụ thể hóa bằng các công trình giao thông, công nghiệp, đô thị, năng lượng, dịch vụ, tạo nền tảng cho chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Qua đó thể hiện rõ quyết tâm hiện thực hóa các mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX, tạo nền tảng để Thái Bình phát triển toàn diện trong thời gian tới.

Thành phố Thái Bình đang thúc đẩy đô thị hóa gắn với phát triển nhà ở, dịch vụ và hệ thống hạ tầng xã hội.

Động lực từ hạ tầng giao thông chiến lược 

Với quyết tâm chính trị cao và sự chỉ đạo quyết liệt của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, nhiều công trình giao thông trọng điểm đã được đầu tư đồng bộ, triển khai đồng loạt, mở ra không gian phát triển mới, kết nối hiệu quả với các trung tâm kinh tế trong và ngoài tỉnh. Ông Nguyễn Trọng Vĩnh, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh cho biết: Ban Quản lý dự án đang tập trung cao cho công tác điều hành, thường xuyên đôn đốc nhà thầu huy động tối đa nhân lực, máy móc, thiết bị thi công nhằm đẩy nhanh tiến độ theo kế hoạch. Đồng thời, chúng tôi tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ chất lượng từng hạng mục, bảo đảm thi công đúng thiết kế, đúng kỹ thuật, bảo đảm hiệu quả sử dụng công trình lâu dài, phục vụ mục tiêu phát triển hạ tầng và kinh tế - xã hội của tỉnh. Chúng tôi đang “chạy nước rút”, quyết tâm đưa 2 công trình trọng điểm là tuyến đường bộ ven biển và tuyến đường vành đai phía Nam thành phố Thái Bình về đích trong quý III/2025. 

Một dự án giao thông đặc biệt quan trọng đang được tỉnh Thái Bình đôn đốc, triển khai là tuyến đường bộ cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng (CT.08), đoạn qua tỉnh Nam Định và Thái Bình. Đồng chí Nguyễn Quang Hưng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh cho biết: Thái Bình thể hiện nỗ lực, quyết tâm cao nhất theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính “chỉ bàn làm, không bàn lùi”, bám sát thực tiễn, kịp thời tháo gỡ khó khăn đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện các thủ tục đầu tư dự án cũng như triển khai đồng thời công tác giải phóng mặt bằng (GPMB). Theo đó, công tác GPMB phần diện tích đất nông nghiệp đã cơ bản hoàn thành. Tỉnh đang phấn đấu hoàn thành GPMB diện tích đất ở trong quý IV/2025 và sẵn sàng khởi công dự án trong tháng 5/2025. 

Ông Trần Quang Triển, Giám đốc Sở Xây dựng cho biết: Thời gian tới, Sở tiếp tục tham mưu cho tỉnh tập trung phát triển mạng lưới đường bộ đầy đủ các cấp đường dựa trên 2 hướng kết nối chính: Kết nối với vùng Thủ đô Hà Nội và kết nối với vành đai kinh tế vịnh Bắc Bộ: Quảng Ninh - Hải Phòng - Thái Bình - Nam Định - Ninh Bình và vùng duyên hải Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ thông qua quốc lộ 10, quốc lộ 37, đường ven biển Thái Bình, tuyến đường bộ cao tốc CT.08. Và gần đây nhất, tỉnh quyết định chủ trương đầu tư dự án đường từ thành phố đi Hưng Hà kết nối với Hưng Yên... sẽ mở ra cơ hội phát triển mạnh mẽ hơn cho Thái Bình. 

Đô thị hóa gắn với phát triển nhà ở và dịch vụ 

Thái Bình xác định đô thị hóa phải gắn với phát triển nhà ở, dịch vụ và hạ tầng xã hội đồng bộ để nâng cao đời sống người dân, thúc đẩy tăng trưởng bền vững. Trong những năm gần đây, tỉnh đã tập trung chỉ đạo và đẩy mạnh triển khai nhiều dự án khu đô thị mới, khu dân cư kiểu mẫu và nhà ở xã hội tại các đô thị trung tâm, trong đó nổi bật là địa bàn thành phố Thái Bình. 

Bà Phạm Thị Lan Anh, Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất thành phố cho biết: Hiện nay, thành phố đang triển khai thực hiện GPMB 46 dự án với tổng diện tích 446,9ha, liên quan đến trên 3.500 tổ chức, hộ gia đình, cá nhân. Trong đó, nhiều dự án trọng điểm, có quy mô lớn, đột phá về không gian, kiến trúc đô thị với tổng diện tích gần 400ha như: dự án hạ tầng kỹ thuật khu trung tâm thành phố; dự án phát triển nhà ở khu đô thị mới tại xã Tân Bình và phường Tiền Phong; dự án phát triển nhà ở tại xã Đông Hòa; dự án khu đô thị mới Kiến Giang... Bên cạnh đó, nhiều mô hình khu dân cư mới, khu dân cư kiểu mẫu cũng đang được khẩn trương triển khai trên địa bàn toàn tỉnh. 

Nhiều công trình giao thông được đầu tư đồng bộ, triển khai đồng loạt, mở ra không gian phát triển mới.

Đồng bộ hạ tầng khu công nghiệp động lực tăng trưởng mới 

Thái Bình đang đẩy mạnh phát triển hệ thống khu công nghiệp (KCN) hiện đại, đồng bộ, gắn với các trục giao thông chiến lược, nhằm thu hút đầu tư và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Đến nay, toàn tỉnh có khoảng 6.000ha đất KCN đã được quy hoạch, nhiều dự án hạ tầng đang được đầu tư mạnh, tạo tiền đề thu hút dòng vốn FDI chất lượng cao. Tiên phong là KCN Liên Hà Thái, với diện tích 588ha tại xã Thụy Liên, huyện Thái Thụy - dự án đầu tiên đi vào hoạt động trong Khu kinh tế Thái Bình. Ông Lê Đình Đáp, Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Green i-Park (nhà đầu tư hạ tầng KCN Liên Hà Thái) cho biết: Đến nay, KCN Liên Hà Thái đã thu hút trên 30 dự án thứ cấp với tổng vốn đầu tư trên 1,6 tỷ USD. Đã có 6 dự án hoàn thành xây dựng nhà xưởng và đi vào hoạt động sản xuất, kinh doanh, bước đầu thu hút và giải quyết việc làm, thu nhập ổn định cho gần 5.000 lao động và 7 dự án đang đẩy nhanh tiến độ xây dựng để sớm đi vào hoạt động. Dự kiến đến cuối năm 2025, hạ tầng KCN sẽ cơ bản hoàn thiện. 

Tại huyện Thái Thụy, KCN VSIP Thái Bình vừa được khởi công xây dựng cuối tháng 3/2025 trên diện tích khoảng 330ha. Dự án do Công ty Cổ phần Phát triển đô thị và KCN Việt Nam – Singapore (VSIP) làm chủ đầu tư, với tổng vốn đầu tư hơn 4.900 tỷ đồng. Dự án này được kỳ vọng sẽ thu hút các nhà đầu tư trong lĩnh vực công nghệ cao, công nghệ xanh thân thiện với môi trường, đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế và tạo việc làm cho lao động địa phương. Cùng với đó, Thái Bình đang tích cực triển khai: KCN công nghệ cao phục vụ lĩnh vực dược - sinh học tại huyện Quỳnh Phụ; KCN Hải Long và KCN Hưng Phú tại huyện Tiền Hải. 

Song song với phát triển các KCN, trong thời gian tới tỉnh sẽ quy hoạch phát triển 24 cụm công nghiệp mới với tổng diện tích 1.674ha, nâng tổng số cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh lên 67 cụm với tổng diện tích gần 4.200ha. Đây được coi là khu vực phụ trợ cho các KCN, thu hút các doanh nghiệp nhỏ và vừa vào hoạt động, tạo ra mạng lưới công nghiệp có tính liên kết chuỗi hoàn chỉnh, hiệu quả kinh tế cao. 

Ngoài ra, nhiều dự án trọng điểm trong lĩnh vực năng lượng, y tế và du lịch nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội bền vững như: dự án Nhà máy nhiệt điện LNG Thái Bình; dự án sân golf Cồn Vành; dự án Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thái Bình... không chỉ tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế mà còn nâng cao chất lượng cuộc sống và dịch vụ cho người dân Thái Bình trong tương lai. 

Thái Bình đang vươn mình mạnh mẽ từ những công trình mang tầm chiến lược, với tầm nhìn phát triển đồng bộ, hiện đại và bền vững. Những tuyến đường kết nối liên vùng, các KCN quy mô lớn, đô thị hiện đại cùng loạt dự án động lực sẽ là nền tảng để tỉnh bứt phá, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian tới.

Thi công thảm bê tông nhựa tuyến đường bộ ven biển.

Nguyễn Thơi

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày