Chủ nhật, 30/06/2024, 19:56[GMT+7]

Ðông Giang Huy động sức dân làm đường giao thông nông thôn

Thứ 5, 12/12/2013 | 08:59:31
1,626 lượt xem
Thời gian qua, khắp các thôn xóm ở Ðông Giang (Ðông Hưng) đều rộn rã không khí làm đường. Những bức tường mới xây vẫn còn thơm mùi vôi vữa, những mặt đường bê tông phẳng lỳ đã phần nào nói lên được phong trào chung sức xây dựng nông thôn mới (NTM) của người dân nơi dây.

Gia đình ông Phạm Ðình Mạnh, thôn Ðông An phá bỏ tường bao, hiến đất và đầu tư trên 20 triệu đồng để xây mới lại công trình.

Từ năm 2012, phong trào này đã sôi động ở tất cả các ngả đường với khẩu hiệu nhà nhà làm đường, người người làm đường. Họ vừa hiến đất, góp tiền, ngày công lao động vừa vận động sự ủng hộ của con em xa quê, đến nay hầu hết các tuyến đường nhánh thôn của Ðông Giang đã được bê tông hóa.

Chủ tịch UBND xã Lê Văn Quyên khẳng định: Tinh thần làm đường giao thông nông thôn ở  Ðông Giang là sức mạnh đại đoàn kết toàn dân. Là xã nghèo nên xã chỉ có thể huy động sức dân để làm đường cho dân. Từ năm 1992, Ðông Giang đã huy động nhân dân làm tới 95% hệ thống giao thông trục thôn bằng gạch, tuy nhiên đến nay mặt đường nhiều chỗ xuống cấp trong khi nhu cầu đi lại của người dân ngày một tăng cao. Vì thế, ngay sau khi xã phát động, các thôn đã tổ chức họp dân, họp ngõ xóm. Cách làm của các thôn là tập trung làm đường nhánh thôn trước, không tập trung làm chung cả thôn mà chia ra theo nhóm hộ để làm theo đoạn, theo ngõ, kinh phí chia bình quân theo hộ.

Do vậy tùy theo từng đoạn đường, thôn chia theo nhóm khác nhau, bình quân mỗi thôn có từ 8 - 9 nhóm, nhóm ít nhất cũng có từ 6 - 7 hộ, nhóm nhiều có vài chục hộ. Ðoạn đường thuộc địa phận nhóm nào, nhóm đó có trách nhiệm đôn đốc quản lý công trình, nguyên vật liệu cũng như công tác giải phóng mặt bằng. Ðặc biệt ở Ðông Giang hầu hết các trục nhánh thôn đều mở rộng vào diện tích ao nên người dân đã hiến một phần diện tích ao lại vừa tốn thêm công làm nền,  kè.

Theo đánh giá của Chủ tịch UBND xã thì ngoài tiền, công sức của nhân dân đóng góp thì vai trò của cán bộ, đảng viên nơi cư trú đóng vai trò quan trọng. Trên 200 đảng viên sinh hoạt ở 11 chi bộ đều gương mẫu đi đầu trong việc đóng góp, ủng hộ thêm kinh phí, vận động gia đình tham gia làm đường. Ngoài ra còn có sự đóng góp không nhỏ của con em xa quê đã ủng hộ trên 600 triệu đồng, điển hình như ông Phí Văn Ðạo ủng hộ 50 triệu đồng, bà Hoàng Thị Hiên 30 triệu đồng, ông Trần Văn Luận 70 triệu đồng... Với tinh thần làm nhanh, gọn, đến đâu xong đến đó, đến nay toàn xã đã làm được 14/17km đường nhánh thôn.

Thôn Lương Ðống là thôn đầu tiên khởi động phong trào làm đường. Trong thôn có tổng số 345 hộ thì có tới 50 hộ hiến đất. Ngoài ra, các hộ còn tự nguyện nộp các khoản đóng góp, tham gia ngày công lao động. Chỉ trong 1 tháng, thôn đã hoàn thiện 100% đường ngõ xóm với tổng kinh phí hàng trăm triệu đồng. Từ việc thành công ở thôn Lương Ðống, phong trào làm đường đã lan rộng trong toàn xã. Nam Tiến mặc dù không phải thôn làm đầu tiên nhưng phong trào làm đường lại được đánh giá rầm rộ hơn cả. Ông Phạm Phú Cung, Trưởng thôn Nam Tiến chia sẻ: Thôn đã chia ra 17 nhóm hộ để làm 362m đường, trung bình mỗi nhóm làm trong 20 ngày.

Bất kể trời mưa hay nắng, bà con lối xóm đều làm đúng giờ, hoàn thành đúng ngày. Ngày nào cũng đông vui như hội, mọi người tự mua hoa quả, nước ngọt cổ vũ động viên nhau trong giờ giải lao. Trong tổng số 276 hộ dân thì có hàng chục hộ phá bỏ tường bao, hiến đất, nhiều đảng viên như bà Trần Thị Thìn còn gương mẫu ứng trước 80 triệu đồng để giúp đỡ những nhà khó khăn chưa có kinh phí đóng góp. Ði trên con đường mới, chị Dương Thị Lý, thôn Nam Tiến hồ hởi nói: “Dù điều kiện kinh tế còn khó khăn nhưng nói đến làm đường thì chúng tôi hào hứng lắm, mọi việc từ hiến đất, hay đóng góp tiền của, ngày công lao động đều thấy là trách nhiệm của mình, có đường đẹp thì mới có nhà đẹp, diện mạo nông thôn mới thay đổi được. Nhà tôi chỉ thuần nông thôi nhưng có 4 khẩu cũng đóng 4 triệu đồng và tham gia hàng chục ngày công lao động”.

Tới thôn Ðông An, chúng tôi thấy phong trào làm đường cũng sôi nổi không kém. Ông Nguyễn Tiến Ðịnh, Trưởng thôn chia sẻ: Cách đây hơn 1 tháng toàn thôn đồng loạt làm 1.400m đường, hiện chỉ còn 90m nữa là xong. Nhà nào cũng đóng tiền, ngày công lao động, bình quân hộ thấp nhất cũng đóng 3 triệu đồng, hộ cao đóng 8 triệu đồng, nhiều đoạn đường chỉ một vế có dân cư, các hộ đều đóng từ 8 - 9 triệu đồng/hộ. Gia đình Ông Phạm Ðình Mạnh mặc dù đã xa quê mấy chục năm nay nhưng khi thôn xóm triển khai làm đường ông đã bỏ tiền thuê nhân công phá dỡ tường bao, đầu tư trên 20 triệu đồng để xây lùi lại 1m. Hay như ông Nguyễn Tiến Chung đang làm việc ở Hà Nội cũng gửi về quê gần 50 triệu đồng để đóng góp làm đường.

Phong trào làm đường ở Ðông Giang vốn đã sôi động, lại thêm Quyết định số 19 của UBND tỉnh về hỗ trợ xi măng trả chậm cho các xã xây dựng NTM, Ðông Giang  coi đây là cơ hội để sớm hoàn thành tiêu chí giao thông. Hiện nay Ðông Giang tiếp tục huy động nguồn vốn đối ứng, đăng ký với UBND huyện Ðông Hưng nhận nguồn xi măng của tỉnh để hoàn thiện tiếp 3km đường nhánh thôn, 2,5km đường trục thôn vào năm 2014.

  Thu Thủy

  • Từ khóa