Chủ nhật, 04/08/2024, 15:15[GMT+7]

Các chốt sơ cấp cứu ban đầu ở Ðông Hưng Góp phần giảm thiểu hậu quả tai nạn giao thông

Thứ 5, 24/07/2014 | 08:48:11
841 lượt xem
Hưởng ứng phong trào “Toàn dân tham gia bảo đảm trật tự an toàn giao thông” những năm gần đây, Hội Chữ thập đỏ huyện Ðông Hưng đã vận động các tình nguyện viên tích cực tham gia các chốt sơ cấp cứu ban đầu góp phần giảm thiểu hậu quả do tai nạn giao thông gây ra. Gần 2 năm qua, hình ảnh những tình nguyện viên sốt sắng sơ cứu cho người bị tai nạn giao thông đã dần trở nên quen thuộc với những người dân sinh sống dọc hai bên tuyến quốc lộ 10 và quốc lộ 39.

Ông Hoàng Ngọc Vinh, tình nguyện viên chốt sơ cấp cứu ban đầu thôn Cổ Dũng 1 (xã Ðông La, Ðông Hưng) luôn sẵn sàng hỗ trợ, giúp đỡ người bị tai nạn giao thông.

 

Quốc lộ 10 và quốc lộ 39 chạy qua 21 xã, thị trấn thuộc địa bàn huyện Ðông Hưng có tổng chiều dài 33km. Dọc theo 2 quốc lộ này có 6 chợ ven đường (3 chợ thường xuyên họp vào buổi sáng là chợ Nội (xã Ðông Xuân), chợ Ðống Năm (xã Ðông Các), chợ Gú (xã Ðông La) và 3 chợ họp cả ngày là chợ Lam Ðiền (xã Ðông Ðộng), chợ Gòi (xã Ðông Hợp), chợ thị trấn). Ngoài ra, trên tuyến còn có nhiều điểm đấu nối với các tuyến đường phụ, đường nhánh đi vào các xã, khu dân cư và khu công nghiệp. Ðây là tuyến đường giao thông chính nối liền các tỉnh phía Ðông Bắc với các tỉnh phía Namon>, mật độ người và phương tiện tham gia giao thông rất đông, đặc biệt là vào các buổi sáng, buổi chiều và những ngày nghỉ cuối tuần, ngày lễ, tết. Trên địa bàn huyện còn có 3 khu công nghiệp Gia Lễ, Ðông Xuân và Ðông La với khoảng hơn 6.000 công nhân tham gia lao động sản xuất. Mỗi ngày có hàng nghìn lượt người và phương tiện lưu thông trên tuyến nên luôn tiềm ẩn nguy cơ cao về tai nạn giao thông. Ðể giảm thiểu hậu quả sau tai nạn giao thông, Hội Chữ thập đỏ huyện đã thành lập các chốt sơ cấp cứu ban đầu cho những trường hợp tai nạn giao thông trên tuyến quốc lộ qua địa bàn huyện.

 

Chốt sơ cấp cứu ban đầu được Hội Chữ thập đỏ huyện Ðông Hưng thành lập cuối năm 2012, ngoài mục đích sơ cứu ban đầu cho người bị tai nạn giao thông, các tình nguyện viên còn tham gia bảo vệ tài sản, hiện trường, phối hợp với các ngành chức năng đưa người bị nạn đi cấp cứu tại cơ sở y tế gần nhất. Ðến nay, Hội Chữ thập đỏ huyện đã thành lập được 6 chốt sơ cấp cứu ban đầu tại những nơi là điểm đen về tai nạn giao thông trên địa bàn 6 xã ven quốc lộ. Lực lượng tình nguyện viên tham gia hoạt động tại chốt chủ yếu là y sĩ, bác sĩ về hưu, những người có thâm niên trong nghề y. Bên cạnh đó còn có một số tình nguyện viên là những người dân sinh sống, buôn bán hai bên đường. Những tình nguyện viên tham gia tại các chốt sơ cấp cứu đều là những người có tinh thần trách nhiệm cao, nhiệt tình và luôn hết mình vì cộng đồng. Trước khi đi vào hoạt động, các thành viên tại những chốt sơ cấp cứu đều được tập huấn kiến thức, thực hành kỹ năng sơ cấp cứu ban đầu; cách bảo vệ tài sản cho nạn nhân tai nạn giao thông. Tại mỗi chốt, các tình nguyện viên đều được trang bị đồng phục, mũ bảo hiểm, hỗ trợ bông băng, thuốc sát trùng, đèn pin và các vật dụng cần thiết khác phục vụ công tác sơ cứu ban đầu.

 

Ông Hoàng Ngọc Vinh, tình nguyện viên chốt sơ cấp cứu ban đầu tại thôn Cổ Dũng 1 (xã Ðông La, Ðông Hưng) cho biết: Ðông La có 2,5km quốc lộ 10 chạy qua. Ðược Hội Chữ thập đỏ huyện vận động, ông tình nguyện tham gia lớp tập huấn thực hành và thành lập chốt sơ cấp cứu ban đầu cho người bị tai nạn giao thông ngay tại gia đình. Gần 2 năm nay, không quản thời tiết nắng mưa, dù ngày hay đêm hễ nhận được tin báo có người bị tai nạn là ông ngay lập tức có mặt để sơ cứu, phối hợp với quần chúng nhân dân bảo vệ hiện trường và tài sản cho người bị nạn. Ðiển hình gần đây nhất như vụ tai nạn giao thông xảy ra vào hồi 8 giờ 50 phút ngày 27/5/2014, anh Nguyễn Văn Thắng, sinh năm 1963, trú tại huyện Nông Cống (Thanh Hóa), điều khiển xe mô tô lưu thông theo hướng từ Thái Bình đi Hải Phòng đã va chạm với xe ô tô BKS 17C-015.32 tại khu vực xã Ðông La làm anh Thắng bị đa chấn thương. Sau khi nhận được tin báo của quần chúng nhân dân, ông Vinh lập tức có mặt sơ cứu ban đầu cho người bị thương và cùng với nhân dân đưa nạn nhân đi cấp cứu tại Bệnh viện Ða khoa huyện... Ngoài việc tham gia sơ cứu cho người bị tai nạn, ông còn thường xuyên phối hợp với lực lượng công an xã, Hội Cựu chiến binh xã thường xuyên tuyên truyền, vận động nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm cho người tham gia giao thông.

 

Qua gần 2 năm đi vào hoạt động, lực lượng tình nguyện viên tại các chốt đã cùng với nhân dân 2 bên đường sơ cấp cứu, bảo vệ hiện trường cho gần 100 người là nạn nhân của hơn 50 vụ va chạm, tai nạn giao thông xảy ra trên địa bàn. Ðây thực sự là mô hình không chỉ có ý nghĩa nhân văn sâu sắc mà còn mang lại hiệu quả thiết thực trong công tác bảo đảm trật tự ATGT, cần được nhân rộng trên địa bàn toàn tỉnh, đặc biệt đối với những địa phương tiềm ẩn nguy cơ mất ATGT cao.

 

Phạm Hưng

 

  • Từ khóa