Thứ 2, 05/08/2024, 09:17[GMT+7]

Phát triển hệ thống giao thông- Thành tựu và kinh nghiệm

Thứ 4, 18/03/2015 | 10:44:26
2,608 lượt xem
Xác định “Giao thông vận tải là một bộ phận quan trọng trong kết cấu hạ tầng, cần phải đầu tư phát triển trước một bước theo phương châm đi trước mở đường, là động lực phát triển kinh tế - xã hội”, Thái Bình đã có nhiều bước đột phá, chuyển biến ngày càng rõ nét trong diện mạo giao thông vận tải, góp phần nâng cao năng lực thu hút đầu tư, tạo động lực cho sự phát triển của mọi ngành, mọi lĩnh vực, củng cố quốc phòng - an ninh, nâng cao vị thế của tỉnh trong thời kỳ hội nhập.

Cầu Trà Giang bắc qua sông Trà Lý góp phần phát triển kinh tế - xã hội huyện Kiến Xương nói riêng và tỉnh ta nói chung. Ảnh: Ngọc Linh

 

Từ lâu, Thái Bình được coi như một hòn đảo xanh bởi sự ngăn cách của các con sông lớn: sông Hồng (90km), sông Luộc (72km), sông Hóa (36km) và 56km bờ biển. Thế sông nước bao bọc bốn bề đã làm cho Thái Bình bị cô lập, cản trở giao thương trong phát triển kinh tế - xã hội. Dưới thời phong kiến, giao thông vận tải (GTVT) Thái Bình hết sức giản đơn, xe ngựa là phương tiện đi lại chủ yếu. Thời Pháp thuộc, nhằm phục vụ chính sách khai thác thuộc địa, thực dân Pháp đã mở mang các công trình thương mại và phát triển GTVT. Hệ thống đường bộ có các đường quan lộ từ tỉnh đi các phủ, huyện như đường Tân Đệ, đường Sa Cát... do Menaut - công sứ người Pháp cho khởi đắp năm 1896; sau đó còn có rất nhiều con đường không tên gọi mà nhân dân đã đào đắp, mở mang để phục vụ cho giao thương và công cuộc phản đế, phản phong trên đất Thái Bình. Xe ngựa dần dần được thay thế bằng các phương tiện khác như xe hơi, xe tay, xe đạp. Đối với vận tải thủy, phương tiện chủ yếu là thuyền; thuyền chở khách gọi là đò dọc; thuyền vận tải hàng hóa có trọng tải từ 2 - 15 tấn có mặt trên các sông lớn trong tỉnh; thuyền có trọng tải 30 tấn chở hàng hóa trong tỉnh ra các tỉnh bạn và chở hàng hóa từ các tỉnh bạn về hoạt động trên các sông lớn như sông Hồng, sông Luộc...

 

Trong hai cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc, Thái Bình đã nỗ lực vượt bậc, vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách, bảo đảm giao thông thông suốt, phục vụ đắc lực việc vận chuyển hàng hóa, lương thực, thực phẩm chi viện cho chiến trường, góp phần đánh thắng kẻ thù xâm lược và thúc đẩy kinh tế - xã hội trong tỉnh phát triển. Hòa bình lập lại, để phá thế cô lập, cách trở trong giao lưu phát triển kinh tế - xã hội, ngành GTVT Thái Bình xác định: Phải đầu tư phát triển GTVT một bước theo phương châm “đi trước mở đường”. Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Giao thông Vận tải, Tỉnh ủy, UBND tỉnh, ngành GTVT Thái Bình tiếp tục phát triển theo hướng vững chắc, toàn diện. Kết cấu hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh được đầu tư nâng cấp, hoàn thiện đồng bộ. Toàn tỉnh hiện có 4 quốc lộ (10, 39, 37 và 37B), tổng chiều dài 151km (trong đó 61km đạt tiêu chuẩn cấp III, còn lại là đường cấp IV, V, VI đồng bằng); 28 tuyến đường tỉnh, dài 282,6km (23,68 km đường cấp III, 65,92km đường cấp IV, 168,2km đường cấp V, VI...); 119 cầu, tổng chiều dài 3.060m; 788,46km đường huyện, thành phố, 4.053,1km đường trục xã, thôn... Hệ thống giao thông đã phá vỡ thế cô lập, thỏa mãn nhu cầu giao thương trong nền kinh tế thị trường, góp phần quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của tỉnh. 

 

Từ năm 2011 đến nay, nhiều công trình xây dựng cơ bản nguồn vốn trung ương đầu tư đã hoàn thành, đưa vào sử dụng như: cải tạo, nâng cấp 20,4km quốc lộ 39 từ Minh Tân đến Vô Hối; nâng cấp mở rộng 5,5km quốc lộ 10 từ cầu La Uyên đến cầu Tân Đệ; cầu Diêm Điền, cầu Trà Linh và 1,8km quốc lộ 39; 74 công trình với tổng chiều dài 132,8km và 56m cầu thuộc dự án giao thông nông thôn 3 nguồn vốn ODA; sửa chữa, cải tạo quốc lộ 37B từ Thanh Nê đến Cồn Nhất... Đối với các công trình xây dựng cơ bản bằng nguồn vốn địa phương, đã hoàn thành, đưa vào sử dụng cầu Hiệp nối Thái Bình với Hải Dương; đường 39B đoạn từ ngã tư Hai Bà Trưng đến cầu Trắng dài 1,91km và đoạn từ cầu Kìm đến thị trấn Thanh Nê (huyện Kiến Xương) dài 11,2km; đường Đồng Châu giai đoạn 1 (đoạn qua Khu công nghiệp Tiền Hải) dài 2,57km; đường từ cầu Thái Bình đến cầu Độc Lập dài 0,812km; cầu Chanh; cầu Trà Giang... Hiện tại, ngành GTVT đang phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành tham mưu cho UBND tỉnh và Bộ Giao thông Vận tải triển khai xây dựng theo các hình thức BT, BOT: Dự án tuyến đường bộ nối hai tỉnh Thái Bình - Hà Nam với đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình; Dự án đường 39B từ thị trấn Thanh Nê (huyện Kiến Xương) đến thị trấn Diêm Điền (huyện Thái Thụy); cầu Thái Hà vượt sông Hồng nối Thái Bình với Hà Nam; Dự án đường tránh trú bão, cứu hộ cứu nạn, phát triển kinh tế biển, bảo đảm an ninh - quốc phòng ven biển phía nam tỉnh Thái Bình...

 

Hiện đại hóa hệ thống giao thông giai đoạn 2015 - 2020 và những năm tiếp theo là một mục tiêu quan trọng trong kết cấu hạ tầng kinh tế, là tiền đề thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn và xây dựng nông thôn mới. Để đạt được mục tiêu này, nhiệm vụ và giải pháp đặt ra là đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ theo hướng hiện đại, tạo nên mạng lưới giao thông hoàn chỉnh, liên hoàn, liên kết giữa các phương thức vận tải, giữa các vùng đô thị và nông thôn trên phạm vi toàn tỉnh và trong vùng. Đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ mới để phát triển và quản lý GTVT gắn với đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong thời kỳ mới. Khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, huy động tối đa mọi nguồn lực để đầu tư phát triển giao thông, phân kỳ đầu tư ưu tiên các tuyến giao thông huyết mạch, có tính liên vùng trong tỉnh và trong vùng đồng bằng Bắc Bộ gắn với mạng lưới giao thông quốc gia...

 

 

Nguồn: Sở Giao thông Vận tải Thái Bình.

 

Đồng chí Phạm Quang Đức, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải

Để đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong thời kỳ mới, từ nay đến năm 2020, Thái Bình đầu tư 58.108 tỷ đồng cho việc hiện đại hóa hệ thống giao thông. Theo đó, sẽ có khoảng 16.950 tỷ đồng xây dựng hệ thống quốc lộ, tập trung chủ yếu vào tuyến đường cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng qua Thái Bình, tuyến đường bộ ven biển, quốc lộ 37, 37B, cầu Thái Hà... Các tuyến đường tỉnh sẽ được đầu tư khoảng 13.487 tỷ đồng. Ngoài ra, khoảng 15.000 tỷ đồng sẽ được dành để đầu tư nâng cấp, cải tạo đường giao thông nông thôn theo tiêu chí nông thôn mới. Đây là một mục tiêu quan trọng trong kết cấu hạ tầng kinh tế, là tiền đề thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn và xây dựng nông thôn mới.

Bà Hoàng Thị Phương, Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư Xây dựng và Thương mại Phương Anh

Hiện Công ty là một trong hai nhà đầu tư thi công dự án tuyến đường bộ nối hai tỉnh Thái Bình - Hà Namon> với đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình. Trong quá trình thực hiện, nhà đầu tư được UBND tỉnh hết sức quan tâm, tạo mọi điều kiện thuận lợi, thường xuyên trao đổi để nắm bắt tình hình, kịp thời tháo gỡ khó khăn. Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Namon> cũng đã đồng ý cấp tín dụng bổ sung cho dự án. Đây là yếu tố quan trọng giúp đẩy nhanh tiến độ, hoàn thành vượt kế hoạch đề ra. Trong thời gian tới, nhà đầu tư mong muốn tiếp tục được UBND tỉnh quan tâm, tạo điều kiện nhiều hơn nữa để tham gia thực hiện các dự án giao thông khác của tỉnh.

  • Từ khóa