Chủ nhật, 20/07/2025, 02:02[GMT+7]

Mục tiêu hiện đại hóa giao thông

Thứ 5, 04/02/2016 | 14:44:56
974 lượt xem
Với truyền thống đi trước mở đường, tạo tiền đề thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, hạ tầng giao thông được xác định là 1 trong 4 lĩnh vực trọng tâm cần tập trung nguồn lực đầu tư. Mạng lưới giao thông đường bộ được đầu tư xây dựng, đặc biệt là việc hoàn thành các cầu lớn đã phá thế ốc đảo của tỉnh, tạo điều kiện thu hút đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh và cải thiện đời sống nhân dân.

Ðường Võ Nguyên Giáp (thành phố Thái Bình).

 

Năm 2015 là năm cuối thực hiện Nghị quyết Ðại hội Ðảng bộ tỉnh lần thứ XVIII, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011 - 2015, bên cạnh những yếu tố thuận lợi, tình hình kinh tế - xã hội trong nước và trong tỉnh vẫn gặp nhiều khó khăn, thách thức. Nguồn vốn đầu tư cho nâng cấp, làm mới và bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông còn hạn hẹp, công tác giải phóng mặt bằng gặp nhiều khó khăn ảnh hưởng đến việc triển khai, thực hiện nhiệm vụ của ngành Giao thông Vận tải.

 

Ðược sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, HÐND, UBND tỉnh và Bộ Giao thông Vận tải, Sở Giao thông Vận tải đã tập trung chỉ đạo hoàn thành toàn diện nhiệm vụ kế hoạch được giao trên tất cả các lĩnh vực. Trong đó, ngành đã chủ động phối hợp với các sở, ban, ngành chức năng tham mưu cho UBND tỉnh tranh thủ sự giúp đỡ của các bộ, ngành trung ương và các tỉnh bạn triển khai thủ tục, chuẩn bị đầu tư các dự án lớn như: xây dựng mới tuyến đường bộ ven biển, đường Thái Bình - Hà Nam giai đoạn II từ nút giao quốc lộ 10 đến tuyến đường bộ ven biển, đường nối trung tâm Thành phố qua cầu cống Vực lên đường Thái Bình - Hà Nam (đoạn trùng với vành đai V vùng Thủ đô Hà Nội), kè chắn cát ổn định luồng vào cảng Diêm Ðiền... Hiện nay, Sở Giao thông Vận tải đang phối hợp với các sở, ngành liên quan tham mưu cho UBND tỉnh, Bộ Giao thông Vận tải đa dạng hóa phương thức đầu tư, huy động mọi nguồn vốn để sớm khởi công xây dựng các dự án vào đầu năm 2016 như: đường 217 giai đoạn II từ quốc lộ 10 đến quốc lộ 39, cầu La Tiến nối quốc lộ 38B với tỉnh Hưng Yên, đường tỉnh ÐT.454 (đường 223 cũ) từ thành phố Thái Bình qua cầu Tịnh Xuyên đến huyện Hưng Hà.

 

Bên cạnh đó, công tác cải cách hành chính luôn được Sở Giao thông Vận tải quan tâm với phương châm: “Quyết liệt cải cách vì sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp”. Năm 2015, các đơn vị trực thuộc ngành đã thực hiện nghiêm túc Nghị quyết số 01 về siết chặt công tác quản lý vận tải và kiểm tra tải trọng xe trên địa bàn tỉnh; công bố và duy trì hệ thống quản lý chất lượng ISO 9001:2008 trong hoạt động của cơ quan; các thủ tục hành chính được giải quyết kịp thời và đúng tiến độ tại bộ phận liên thông một cửa đặt tại Sở, nay đã chuyển ra Trung tâm Hành chính công tỉnh với lưu lượng hàng ngày từ 300 - 350 tổ chức, cá nhân đến làm việc.

 

Thực hiện Nghị quyết số 02 của Ban Chấp hành Ðảng bộ tỉnh về xây dựng nông thôn mới và phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”, Sở Giao thông Vận tải đã phối hợp với các sở, ngành liên quan tham mưu cho UBND tỉnh rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định, cơ chế, chính sách hỗ trợ và quản lý đầu tư xây dựng công trình kết cấu hạ tầng nông thôn mới trong tỉnh; phối hợp với các sở, ngành chức năng tham mưu cho UBND tỉnh và các địa phương cơ chế huy động, tìm kiếm, khai thác các nguồn vốn để cải tạo, nâng cấp, duy tu, bảo dưỡng hệ thống đường giao thông nông thôn.

 

 

Cầu Tịnh Xuyên nối hai huyện Vũ Thư và Hưng Hà được khánh thành và đưa vào sử dụng từ tháng 7/2015, vượt tiến độ hơn 2 tháng.

 

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, ngành Giao thông Vận tải vẫn còn những hạn chế, vướng mắc như tiến độ xây dựng một số công trình còn chậm, kéo dài chủ yếu do công tác giải phóng mặt bằng như đường 217 giai đoạn I, đường 39B, đường Thái Bình - Hà Nam... Công tác bảo trì đường bộ còn hạn chế do sự phát triển quá nhanh về số lượng phương tiện trong khi cơ sở hạ tầng giao thông phát triển chậm, nguồn kinh phí cấp cho công tác bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông còn thiếu nên công tác duy tu, bảo dưỡng chỉ tiến hành ở một số hạng mục công trình cấp bách, nguy hiểm, ảnh hưởng trực tiếp đến an toàn giao thông như xử lý điểm đen, cầu, cống yếu. Vận tải từng bước đã đi vào hoạt động có nền nếp, tuy nhiên vẫn còn một số phương tiện kinh doanh vận tải hành khách không đi đúng lộ trình, đón trả khách vòng vo gây mất trật tự an toàn giao thông.

 

Năm 2016 là năm có ý nghĩa rất quan trọng, là năm đầu thực hiện Nghị quyết Ðại hội Ðảng bộ tỉnh lần thứ XIX và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020, dự báo tình hình kinh tế - xã hội trong nước và trong tỉnh tiếp tục có xu hướng phục hồi nhưng chưa bền vững và còn gặp nhiều khó khăn. Ðể hoàn thành nhiệm vụ đã đề ra, cán bộ, công nhân viên ngành Giao thông Vận tải tiếp tục ý thức được trách nhiệm trước nhiệm vụ Tỉnh ủy, HÐND, UBND tỉnh và Bộ Giao thông Vận tải giao, trong đó tăng cường đoàn kết, thống nhất, vượt qua mọi thử thách, phấn đấu bảo đảm tăng trưởng cao trên tất cả các lĩnh vực: vận tải, công nghiệp giao thông vận tải, xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông, tiếp tục giảm thiểu tai nạn giao thông một cách bền vững trên cả ba tiêu chí nhằm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ kế hoạch năm 2016; thực hiện tốt phương châm hành động của toàn ngành được Bộ Giao thông Vận tải đặt ra là: “Chủ động, sáng tạo, quyết liệt thực hiện thắng lợi Nghị quyết Ðại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Ðảng”. Tập trung đẩy nhanh tiến độ xây dựng các công trình, dự án đang thi công để sớm hoàn thành, đưa vào sử dụng. Thường xuyên phối hợp với các sở, ngành chức năng tìm kiếm nguồn vốn, nhà đầu tư theo các hình thức PPP, BT, BTO...; tiếp tục tham mưu cho UBND tỉnh, Bộ Giao thông Vận tải huy động mọi nguồn vốn để đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông đồng bộ, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

 

Phạm Quang Đức

Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày