Thứ 2, 05/08/2024, 09:12[GMT+7]

Giao thông là tiền đề phát triển kinh tế - xã hội

Thứ 7, 27/08/2016 | 19:12:11
530 lượt xem
Những năm qua, tốc độ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh tăng nhanh. Cùng với đó, giao thông vận tải cũng có nhiều đổi mới, phát triển đồng bộ. Hiện nay, hiện đại hóa hệ thống giao thông đang là một mục tiêu quan trọng trong kết cấu hạ tầng kinh tế, phục vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn và xây dựng nông thôn mới.

Đơn vị thi công đẩy nhanh tiến độ thi công đường Thái Bình - Hà Nam với đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình.

Được sự quan tâm của Chính phủ và các bộ, ngành trung ương, những năm qua, mạng lưới giao thông của Thái Bình đã từng bước được cải thiện, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh phát triển. Nhiều dự án lớn được triển khai như: cầu Hiệp, cầu Tịnh Xuyên, cầu Thái Hà, đường 39B từ cầu Kìm đến thị trấn Thanh Nê, tuyến đường bộ nối hai tỉnh Thái Bình - Hà Nam, dự án đường 39B từ thị trấn Thanh Nê đến thị trấn Diêm Điền... Các dự án sau khi hoàn thành và đưa vào sử dụng đã đáp ứng được nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong thời kỳ đổi mới. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 4 tuyến quốc lộ là: quốc lộ 10 từ cầu Nghìn đến Tân Đệ, quốc lộ 39 từ cầu Triều Dương đến cảng Diêm Điền, quốc lộ 37 từ cảng Diêm Điền đến cầu phao Hồng Quỳnh, quốc lộ 37B từ cảng Diêm Điền đến phà Cồn Nhất với tổng chiều dài 151km, trong đó có 61km đạt tiêu chuẩn đường cấp III đồng bằng, còn lại là đường cấp IV, V, VI đồng bằng. Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh còn hệ thống đường tỉnh gồm 28 tuyến với tổng chiều dài gần 297km.

Cầu Tịnh Xuyên được khánh thành và đưa vào sử dụng đã góp phần quan trọng thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.

Những năm qua, bằng nhiều nguồn vốn, tỉnh đã khởi công nhiều công trình trọng điểm như: dự án từ quốc lộ 39 đi Trà Giang, đường 217 từ cầu Hiệp đến quốc lộ 10, dự án đường Thái Hà nối hai tỉnh Thái Bình - Hà Nam với đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình... Ngoài vốn ngân sách nhà nước, UBND tỉnh còn kêu gọi đầu tư từ các nguồn vốn ODA, WB với nhiều hình thức đầu tư như BT, BOT, BTO, PPP, huy động sự đóng góp từ nhân dân và xã hội. Bên cạnh đó, Sở Giao thông Vận tải đã chủ động tham mưu cho UBND tỉnh và Bộ Giao thông Vận tải chỉ đạo quyết liệt, huy động các nguồn vốn, ưu tiên đầu tư các công trình giao thông quan trọng, khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải, hiệu quả thấp. Trong giai đoạn 2010 - 2015, toàn tỉnh đã có 32 dự án, công trình chuyển tiếp và khởi công mới được triển khai với số vốn khoảng 5.400 tỷ đồng. Trong điều kiện nguồn vốn sự nghiệp dành cho công tác bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông còn hạn chế, Sở Giao thông Vận tải đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc thực hiện phương án khoán duy tu bảo dưỡng thường xuyên; áp dụng giải pháp sửa chữa dự phòng thay vì sửa chữa vừa và sửa chữa lớn nhằm duy trì mạng lưới đường tỉnh hạn chế hư hỏng, xuống cấp. Nhờ đó, trong những năm qua, gần 297km đường tỉnh và hơn 110km quốc lộ ủy thác luôn được bảo đảm thông suốt, an toàn, không có sự cố xảy ra.

Ông Phạm Quang Đức, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải cho biết: Hiện nay, Sở Giao thông Vận tải đang tập trung thực hiện một trong ba đột phá chiến lược tăng trưởng kinh tế Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX đã đề ra: "Xây dựng đồng bộ kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là hạ tầng giao thông kết nối giữa các trục giao thông đầu mối trong tỉnh và kết nối với các trung tâm kinh tế vùng quốc gia. Xây dựng khu vực kinh tế biển thành trọng điểm phát triển kinh tế". Đồng thời, Sở Giao thông Vận tải đã và đang tích cực tham mưu cho Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, Bộ Giao thông Vận tải từng bước lập dự án, kêu gọi các nhà đầu tư, phát huy mọi nguồn lực trong xã hội trong điều kiện ngân sách còn khó khăn. Trong thời gian tới, tỉnh sẽ từng bước đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông bảo đảm phát triển bền vững, liên hoàn, liên kết giữa các phương thức vận tải, gắn với việc bảo vệ môi trường sinh thái, bảo đảm an toàn giao thông, đáp ứng nhu cầu vận tải hàng hóa và hành khách ngày càng cao trên địa bàn.

Phạm Hưng

  • Từ khóa