Thứ 7, 23/11/2024, 06:53[GMT+7]

Cấy lúa gây quỹ hội

Thứ 2, 29/10/2018 | 08:08:38
1,922 lượt xem
Mô hình cấy lúa gây quỹ của Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) xã Đông Xá (Đông Hưng) không chỉ góp phần giúp các chi hội phụ nữ có thêm nguồn thu ổn định mà còn phủ xanh nhiều diện tích đất bị bỏ hoang; thu hút đông đảo cán bộ, hội viên tham gia sinh hoạt, xây dựng hội vững mạnh.

Đầm hoang ở cánh đồng Thúng đã được chị em cải tạo thành ruộng lúa trĩu bông.

Chị Nguyễn Thị Thuyến, Chi hội trưởng Chi hội phụ nữ thôn Bắc Bình Cách cho biết: Trước đây, việc vận động hội viên vào sinh hoạt hội đã khó, việc thu quỹ hội còn khó hơn vì đời sống của đa phần chị em trong thôn còn thấp. Thấy cánh đồng Thúng có đầm bỏ hoang, cỏ mọc cao hơn người, Chi hội đã xin xã cải tạo để cấy lúa gây quỹ. Đầu tiên, cán bộ, hội viên phụ nữ thôn Bắc Bình Cách bắt tay phát cỏ khai hoang, đổ đất nâng nền, khai hoang đến đâu cấy đến đấy. Hàng chục cán bộ, hội viên Chi hội đã tự bỏ công khai hoang, gieo cấy, chăm sóc, thu hoạch lúa... Chỉ sau vài vụ, cả 3 sào đầm hoang đã được chị em phụ nữ thôn Bắc Bình Cách cải tạo thành cánh đồng lúa trĩu bông, mỗi vụ thu được trên dưới 1 tấn thóc. 

Những năm gần đây, một số gia đình do thiếu lao động làm nông nghiệp nên không cấy lúa, để ruộng cỏ mọc. Tiếc ruộng, Chi hội phụ nữ tiếp tục đứng lên nhận cấy. Đến nay, diện tích Chi hội nhận cấy là 1,5 mẫu. Mỗi vụ trừ chi phí mua giống, thuốc trừ sâu, mua phân bón, trả tiền cày bừa còn lãi khoảng 10 triệu đồng cho vào quỹ hội. 

Trước đây, khi chưa cấy lúa gây quỹ thì thôn Bắc Bình Cách luôn bị phê bình vì quỹ hội thấp nhất xã, nhiều năm nay đã vươn lên đứng đầu xã với gần 20 triệu đồng. Có nguồn quỹ dồi dào, Chi hội đã tổ chức được nhiều hoạt động ý nghĩa góp phần nâng cao đời sống tinh thần và vật chất cho hội viên, từ đó chị em tích cực tham gia sinh hoạt, xây dựng tổ chức hội vững mạnh. Trong đó có việc trích quỹ tổ chức cho chị em đi tham quan, học hỏi kinh nghiệm trong và ngoài tỉnh, thăm hỏi chị em lúc ốm đau, tặng quà động viên tân binh lên đường nhập ngũ. Đặc biệt, tiền thu được từ cấy lúa, Chi hội đã trích xây dựng chương trình cặp lá yêu thương tặng cháu Nhâm Văn Huy, lớp 6, mồ côi cả cha lẫn mẹ mỗi tháng 100.000 đồng; xây dựng hũ gạo tình thương tặng chị Mai Thị Hải, neo đơn, bệnh tật mỗi tháng 10kg gạo, hỗ trợ xây dựng mái ấm tình thương cho một số chị khó khăn về nhà ở. 

Em Nhâm Văn Huy tâm sự: Bố mẹ em đã mất, em ở với ông bà nội nhưng ông bà em đã già yếu, cuộc sống rất khó khăn. Nhờ sự giúp đỡ của Chi hội phụ nữ và của các thầy cô giáo em đã được tiếp tục cắp sách tới trường. Em cảm ơn và sẽ cố gắng học thật tốt để trở thành người có ích.

Từ mô hình cấy lúa gây quỹ của Chi hội thôn Bắc Bình Cách, các chi hội phụ nữ khác trong xã cũng học tập và làm theo. 

Chị Vũ Thị Hằng, Chủ tịch Hội LHPN xã Đông Xá cho biết: Toàn xã có 13 tổ, tổ nào cũng xung phong nhận ruộng cấy để gây quỹ, tổ thấp nhất là 2 sào, nhiều nhất là thôn Bắc Bình Cách 1,5 mẫu, Ban Chấp hành Hội LHPN xã cũng nhận cấy 5 sào. Đến nay, cán bộ, hội viên phụ nữ toàn xã đảm nhận cấy trên 3 mẫu ruộng hoang, ruộng khó gây quỹ hội. Ban đầu việc vận động chị em nhận ruộng hoang, ruộng khó để cấy cũng gặp nhiều khó khăn vì phần lớn chị em đều bận mải công việc gia đình, do vậy, cán bộ hội, chi hội làm là chính, sau vài vụ điều chỉnh thời gian như chọn cấy lúa vào cuối thời vụ, cấy một giống lúa, thu hoạch cuối vụ, cuối tuần, chị em tham gia tăng dần. Giờ đã thành nếp, cứ chi hội phát động ra đồng đắp bờ, cấy lúa, làm cỏ, bón phân, phun thuốc trừ sâu, gặt lúa là hàng trăm chị em của các chi hội tự giác tham gia. 

Hội LHPN xã cũng đề ra quy định chung về nộp thóc gây quỹ, về quản lý, sử dụng thóc thu được. Nhờ có thóc thu được từ cấy ruộng hoang, ruộng khó, các chị em không phải lấy thóc, lấy tiền của nhà để xây dựng quỹ hội, chi nào cũng có nguồn quỹ dồi dào, tổ chức được nhiều hoạt động hơn, chia sẻ, giúp đỡ được nhiều chị em và con em vơi bớt khó khăn. Thông qua các hoạt động cấy lúa gây quỹ, chị em đoàn kết hơn, trao đổi, chia sẻ, học hỏi được nhiều kinh nghiệm làm kinh tế gia đình, chăm sóc, nuôi dạy con cái tốt hơn. 

Chị Phạm Thị Chín, thôn Đông Bình Cách phấn khởi cho biết: Nhận ruộng hoang, ruộng khó để cấy lúa gây quỹ là thêm việc, vất vả song xác định đây là việc làm mang lại nhiều lợi ích cho mình và cho cả người khác nên tôi cố gắng thu xếp việc nhà để tham gia.

Ông Nguyễn Văn Thưởng, Chủ tịch UBND xã Đông Xá khẳng định: Những năm qua, với việc xây dựng và nhân rộng mô hình cấy lúa gây quỹ của Hội LHPN xã không chỉ góp phần giải quyết bài toán khó về xây dựng quỹ hội, tổ chức được nhiều hoạt động nghĩa tình mà còn giúp xã xóa bỏ ruộng hoang. Qua đó, thêm khẳng định các phong trào và hoạt động của Hội đi vào thực chất, khẳng định được vai trò của Hội trong tham gia phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới tại địa phương.

Thu Hiền