Thứ 6, 22/11/2024, 12:28[GMT+7]

Hiệu quả dự án Lifsap

Thứ 6, 07/12/2018 | 08:56:59
2,220 lượt xem
Thái Bình là 1 trong 12 tỉnh, thành phố được lựa chọn triển khai dự án cạnh tranh ngành chăn nuôi và an toàn thực phẩm (Lifsap) do Ngân hàng Thế giới tài trợ. Qua 8 năm thực hiện, dự án đã tạo chuyển biến mạnh mẽ, thay đổi tư duy, hành động của người chăn nuôi, góp phần thúc đẩy chăn nuôi bền vững, mang lại nhiều lợi ích cho cộng đồng.

Thái Bình có 80 chợ thực phẩm được nâng cấp theo dự án Lifsap. Ảnh: Trần Tuấn

Được triển khai từ năm 2010, dự án đã hỗ trợ xây dựng 5 vùng (huyện) chăn nuôi trọng điểm (GAHP) với các hạng mục: thiết lập vùng chăn nuôi an toàn, nâng cấp cơ sở giết mổ và chợ thực phẩm tươi sống. Đã có 56 xã xây dựng 107 nhóm GAHP với 2.246 hộ chăn nuôi và 10 tổ hợp tác chăn nuôi tham gia. 

Mục tiêu của dự án nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh ngành chăn nuôi thông qua ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật để nâng cao năng suất, chất lượng, an toàn thực phẩm và giảm thiểu ô nhiễm môi trường trong chuỗi sản phẩm chăn nuôi theo hướng chăn nuôi sạch từ trang trại đến bàn ăn, góp phần cải thiện đời sống cho cộng đồng thông qua nhiều hạng mục đầu tư. 

Tranh thủ sự quan tâm của các cơ quan trung ương và địa phương, Ban Quản lý dự án Lifsap Thái Bình đã tập trung triển khai thực hiện và đạt được nhiều kết quả. 

Ông Nguyễn Xuân Dương, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giám đốc Ban Quản lý dự án Lifsap Thái Bình cho biết: Các hộ đã áp dụng khá thành công quy trình VietGAHP (thực hành chăn nuôi tốt, bảo đảm nguyên tắc, trình tự, thủ tục hướng dẫn tổ chức, cá nhân sản xuất áp dụng chăn nuôi bảo đảm chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm, bảo đảm phúc lợi xã hội, sức khỏe người sản xuất và người tiêu dùng, vệ sinh môi trường và truy nguyên nguồn gốc sản phẩm) trong chăn nuôi nông hộ. Từ khi triển khai dự án đến nay, trong vùng GAHP không có dịch bệnh nguy hiểm xảy ra, tỷ lệ vật nuôi chết giảm mạnh, rút ngắn được thời gian nuôi, đặc biệt, tạo sự chuyển dịch cơ cấu giống sang nuôi lợn có tỷ lệ nạc cao tăng mạnh. Các hộ trong nhóm GAHP ở các xã đã liên kết, hợp tác với nhau giúp giảm chi phí đầu vào (cám) đạt từ 7.000 - 15.000 đồng/bao. Việc áp dụng quy trình VietGAHP không những được áp dụng trong các xã thực hiện dự án mà còn được các đơn vị chuyên môn chỉ đạo nhân rộng, các hộ chăn nuôi trong tỉnh hưởng ứng, áp dụng. Đến hết năm 2018, có 104 nhóm GAHP và tổ hợp tác được cấp giấy chứng nhận VietGAHP theo nhóm/tổ hợp tác, đạt 88,89% (cao hơn 28,89% so với chỉ số đầu ra của dự án).

Đến nay, dự án đã hỗ trợ công trình xử lý chất thải chăn nuôi biogas cho 2.645 hộ chăn nuôi, ngoài việc giảm thiểu ô nhiễm môi trường, các hộ chăn nuôi còn tiết kiệm được khá nhiều tiền trong sử dụng nhiên liệu, chất đốt, trung bình 200.000 - 300.000 đồng/hộ/tháng. 

Trên cơ sở áp dụng quy trình VietGAHP, người chăn nuôi có nhận thức rất rõ và tích cực trong vấn đề sản xuất chăn nuôi an toàn, phát triển chăn nuôi bền vững, bảo đảm vệ sinh môi trường, đặc biệt, vệ sinh an toàn thực phẩm chuyển biến rất rõ nét. 

Qua lấy mẫu giám sát chất lượng thịt tại các cơ sở giết mổ, chợ thực phẩm do các hộ GAHP cung cấp, không phát hiện chất cấm, kháng sinh cấm. Đây là cơ sở tạo ra sản phẩm chăn nuôi bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm cung cấp ra thị trường, nâng cao chất lượng cũng như giá trị các sản phẩm chăn nuôi của vùng GAHP, hướng tới xây dựng thương hiệu cho sản phẩm chăn nuôi của tỉnh.

Dự án Lifsap còn góp phần quan trọng hình thành các chuỗi liên kết trong sản xuất chăn nuôi. Trước khi tham gia GAHP, các hộ chăn nuôi chủ yếu hoạt động đơn lẻ, tự chủ và chăn nuôi theo kinh nghiệm. Hiện tại, các hộ đã có sự gắn kết, hợp tác trong sản xuất chăn nuôi, hình thành chuỗi liên kết để nâng cao giá trị, chất lượng sản phẩm, hạ giá thành sản xuất. Toàn tỉnh đã hình thành 10 chuỗi liên kết từ sản xuất - chăn nuôi - giết mổ - chợ thực phẩm.

Dự án Lifsap đã tạo chuyển biến mạnh mẽ, thay đổi tư duy, hành động của người chăn nuôi.

Trong 8 năm, Thái Bình đã có 80 chợ trong tổng số 233 chợ nông thôn được dự án hỗ trợ nâng cấp đáp ứng yêu cầu về cơ sở hạ tầng. 

Ông Tôn Thất Sơn Phong, Giám đốc Ban Quản lý dự án Lifsap Trung ương cho biết: Chúng tôi đánh giá cao tính hiệu quả trong thực hiện nâng cấp, xây dựng chợ thực phẩm tươi sống theo tiêu chí của dự án triển khai tại Thái Bình bởi đây là địa phương có số lượng chợ được nâng cấp nhiều nhất, quá trình triển khai nhanh bởi nhận được sự đồng thuận cao từ người dân, tiểu thương và chính quyền địa phương. Định suất đầu tư mỗi quầy thấp nhưng chất lượng đầu tư được đánh giá cao; công tác vận hành chặt chẽ, bảo đảm mục tiêu dự án, phát huy tối đa công năng sử dụng.

Cơ sở hạ tầng chăn nuôi, các dịch vụ liên quan được cải thiện tích cực, trình độ của cán bộ từ cấp tỉnh, huyện, xã và hộ chăn nuôi được nâng cao thông qua các hoạt động đào tạo, hội thảo là những tác động tích cực dự án Lifsap mang lại cho chăn nuôi Thái Bình. Dự án đã và đang có tính lan tỏa tốt đến cộng đồng dân cư trong việc chăn nuôi tạo ra sản phẩm sạch cho xã hội.


Ngân Huyền