Chủ nhật, 05/05/2024, 18:51[GMT+7]

Điểm đến hấp dẫn lĩnh vực đầu tư

Thứ 7, 29/12/2018 | 09:40:39
1,585 lượt xem
“Thái Bình luôn xem doanh nghiệp là động lực đầu tàu để phát triển kinh tế địa phương; cam kết luôn đồng hành cùng doanh nghiệp, coi thành công hay thất bại của doanh nghiệp như thành công hay thất bại của chính mình”

Doanh nghiệp đầu tư sản xuất tại khu vực nông thôn, tạo việc làm cho nhiều lao động.

- Đó là khẳng định của đồng chí Nguyễn Hồng Diên, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh trong các cuộc gặp gỡ với doanh nghiệp, các nhà đầu tư thể hiện quyết tâm đưa Thái Bình trở thành điểm đến hấp dẫn trong lĩnh vực đầu tư.

Đột phá từ cải cách hành chính

Năm 2017, chỉ số PCI của Thái Bình có sự cải thiện mạnh mẽ, tăng 6 bậc so với năm 2016, xếp thứ 34/63 tỉnh, thành phố; chỉ số hiệu quả quản trị hành chính công (PAPI) tăng 4 bậc so với năm 2016. Theo đánh giá của giới chuyên môn thì sự cải thiện đó trước hết xuất phát từ nỗ lực cải cách hành chính (CCHC) của tỉnh. Hàng năm, UBND tỉnh có kế hoạch kiểm soát thủ tục hành chính (TTHC); rà soát, đơn giản hóa TTHC, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp và các tổ chức khi thực hiện TTHC. Từ năm 2017 đến nay, UBND tỉnh ban hành 58 quyết định công bố TTHC với 2.647 TTHC, trong đó có 1.352 TTHC mới được ban hành, 58 TTHC được sửa đổi, bổ sung và bãi bỏ 1.237 TTHC; công bố chuẩn hóa 1.598 TTHC 3 cấp thuộc các lĩnh vực. Các đơn vị giải quyết TTHC cấp tỉnh, cấp huyện đẩy mạnh việc rà soát, đánh giá và thực hiện các quy định về đơn giản hóa TTHC. Thời gian giải quyết các TTHC đã được các sở, ngành cắt giảm bình quân là 35% so với thời gian quy định, trong đó có một số thủ tục đã rút ngắn thời gian trên 50%.

Với việc đưa trung tâm hành chính công cấp tỉnh, cấp huyện vào hoạt động nền nếp; 100% các TTHC được giải quyết tại đây đã tạo bước chuyển mạnh mẽ trong thực hiện quy trình “một đầu mối” giải quyết TTHC của Thái Bình. 

Ông Phạm Việt Anh, Giám đốc Trung tâm Hành chính công tỉnh cho biết: Trung tâm tập trung làm tốt công tác tiếp nhận, hướng dẫn, giám sát, đôn đốc, trả kết quả giải quyết các TTHC. Thực hiện tốt việc hướng dẫn, thẩm định sơ bộ hồ sơ nhằm giảm thiểu việc đi lại của các tổ chức, cá nhân đến liên hệ giải quyết TTHC. Tăng cường công tác phối hợp với các sở, ban, ngành đẩy mạnh việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4, đáp ứng yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ. Cùng với đó, Trung tâm đã thông báo kết quả giải quyết TTHC thông qua dịch vụ tin nhắn tạo tiện ích cho doanh nghiệp và người dân. Các hồ sơ nộp tại Trung tâm được các cán bộ, công chức của Trung tâm tiếp nhận, thẩm định hồ sơ theo quy trình quy định, bảo đảm hồ sơ được tiếp nhận có đầy đủ các thông tin, đủ điều kiện để các sở, ngành thụ lý, thẩm định và phê duyệt theo quy định.

Thời gian qua, UBND tỉnh, các cơ quan, đơn vị, địa phương duy trì hoạt động của đường dây nóng, tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị của công dân, doanh nghiệp về các quy định hành chính; tăng cường kiểm tra, giám sát cán bộ, công chức về thực hiện đạo đức công vụ, chống quan liêu, tham nhũng, sách nhiễu; nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra việc thực hiện kỷ luật, kỷ cương hành chính. Ý thức trách nhiệm của cán bộ, công chức, người đứng đầu tổ chức, cơ quan, đơn vị trong việc thực hiện CCHC nhìn chung được nâng lên. 

Qua điều tra, Thái Bình có 45,16% doanh nghiệp hài lòng về trình độ chuyên môn của cán bộ trung tâm hành chính công, trên mức bình quân của cả nước 40,91%. UBND tỉnh đã quy định trách nhiệm của cán bộ, công chức, người đứng đầu các cơ quan trong việc thực hiện chỉ số thành phần PCI cấp tỉnh; có cơ chế kiểm tra, giám sát, đánh giá kết quả thực hiện, xử lý trách nhiệm đối với cán bộ, công chức theo thẩm quyền.

Tăng cường đầu tư kết cấu hạ tầng

Đồng chí Đoàn Hồng Kỳ, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết: Thời gian qua, Thái Bình tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các cơ chế, chính sách khuyến khích thu hút đầu tư vào một số lĩnh vực; công bố các danh mục, dự án đầu tư thuộc các lĩnh vực trọng điểm; mở rộng tối đa phạm vi và cơ hội đầu tư tư nhân, trong đó chú trọng đa dạng hóa hình thức đầu tư. Đến nay, nhiều dự án trọng điểm của tỉnh được đẩy nhanh tiến độ hoàn thành bàn giao và đưa vào sử dụng, nâng cao hiệu quả đầu tư, góp phần hoàn thiện kết cấu hạ tầng, phát triển kinh tế - xã hội.

Trên địa bàn tỉnh hiện có 6 khu công nghiệp (KCN) được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, thành lập với diện tích 1.110,27ha, tỷ lệ lấp đầy đạt 63,5%. Toàn tỉnh hiện có 50 cụm công nghiệp (CCN) đã được đưa vào quy hoạch với tổng diện tích 2.578,6ha. 33 CCN đã được quy hoạch chi tiết với tổng diện tích 1.019ha, có 301 dự án đăng ký đầu tư với số vốn đăng ký trên 7.381 tỷ đồng; hiện có 242 dự án đi vào sản xuất, 27 dự án đang xây dựng, vốn đầu tư thực hiện 4.985 tỷ đồng (đạt 63,66%) vốn đăng ký; có 20 CCN đã thu hút được nhà đầu tư hạ tầng. Năm 2017, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt đề án thành lập khu kinh tế Thái Bình với diện tích gần 31.000ha gồm 30 xã, 1 thị trấn thuộc hai huyện Thái Thụy, Tiền Hải. Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đồng ý bổ sung KCN phục vụ nông nghiệp với diện tích 200ha tại huyện Quỳnh Phụ vào quy hoạch phát triển các KCN, CCN trên địa bàn tỉnh Thái Bình đến năm 2020. Công tác triển khai nhiệm vụ quy hoạch chung xây dựng khu kinh tế Thái Bình, KCN phục vụ nông nghiệp, KCN Thụy Trường, dự án tuyến đường bộ ven biển… đang được thực hiện khẩn trương, bảo đảm đúng các quy định, hứa hẹn tạo đột phá cho thu hút đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội của Thái Bình trong tương lai.

Bên cạnh đó, Thái Bình thực hiện nhiều chính sách khuyến khích đầu tư và hỗ trợ doanh nghiệp; nâng cao chất lượng đào tạo nghề, phát triển nguồn nhân lực; bảo đảm môi trường ổn định cho các doanh nghiệp hoạt động. Qua khảo sát điều tra, 74% doanh nghiệp hài lòng với hoạt động của cơ quan công an, cao hơn mức bình quân chung của cả nước 71%. Các hoạt động thanh tra, kiểm tra theo đúng quy định bảo đảm không thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp quá 1 lần/năm. Hoạt động hỗ trợ các doanh nghiệp trong việc khởi kiện, giải quyết tranh chấp đạt hiệu quả thiết thực. 73% doanh nghiệp đánh giá các cơ quan trợ giúp pháp lý của tỉnh hoạt động khá hiệu quả trong việc hỗ trợ doanh nghiệp, 88% doanh nghiệp đánh giá các vụ việc tranh chấp kinh tế được xét xử đúng pháp luật. Thời gian qua, Thái Bình đã thu hút được một số tập đoàn kinh tế lớn: TH, Trường Hải, Lộc Trời, Hòa Phát, SunGroup, Him Lam, C&N VINA - Hàn Quốc… cùng nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước vào nghiên cứu, thực hiện đầu tư. 

Ông Dương Công Minh, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Him Lam đánh giá: Thái Bình có sự phát triển vượt bậc về kinh tế - xã hội, trong đó hạ tầng giao thông, các KCN được quy hoạch, đầu tư khá đồng bộ, hiện đại. Tỉnh cũng rất nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, có nhiều chính sách ưu đãi, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp. Vì vậy, Công ty Cổ phần Him Lam sẽ đến khảo sát, tìm hiểu cơ hội hợp tác đầu tư trên địa bàn, nhất là những lĩnh vực doanh nghiệp có thế mạnh như: xây dựng các khu đô thị kiểu mẫu, tài chính ngân hàng, phát triển nuôi tôm công nghệ cao. 

Ông Nguyễn Chí Thành, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Sun Group đánh giá: Qua tìm hiểu được biết Thái Bình là tỉnh có nhiều tiềm năng, lợi thế về phát triển du lịch, dịch vụ. Đặc biệt, việc thành lập khu kinh tế Thái Bình sẽ mở ra triển vọng lớn trong tương lai. Tập đoàn Sun Group mong muốn được đầu tư hợp tác tại địa phương, tạo ra các khu du lịch nghỉ dưỡng, các sản phẩm vui chơi giải trí độc đáo, khác biệt, thu hút đông đảo khách du lịch trong nước và quốc tế đến tham quan, nghỉ dưỡng.  

Những nỗ lực CCHC, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh đã tạo điều kiện tốt cho đầu tư và phát triển sản xuất. Năm 2018, toàn tỉnh có 152 dự án được phê duyệt chủ trương đầu tư với tổng số vốn đầu tư gần 6.800 tỷ đồng, tăng 36,9% về số dự án so với năm 2017; cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh cho 730 doanh nghiệp và 133 chi nhánh, văn phòng đại diện với tổng vốn đăng ký gần 3.400 tỷ đồng, bằng 103% về số lượng doanh nghiệp; 76 dự án FDI còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư trên 596 triệu USD, 13 dự án ODA đang triển khai thực hiện với tổng vốn là 1.585 tỷ đồng. Thái Bình hiện có 6.275 doanh nghiệp và 821 chi nhánh, văn phòng đại diện đăng ký hoạt động với vốn đăng ký gần 61.000 tỷ đồng.

Mạnh Cường