Thứ 7, 18/05/2024, 15:52[GMT+7]

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đối thoại với các tập đoàn toàn cầu về kinh tế Việt Nam tại WEF Đa-vốt 2019

Thứ 6, 25/01/2019 | 07:51:05
1,275 lượt xem
Trong khuôn khổ Hội nghị hằng năm Diễn đàn Kinh tế thế giới năm 2019 (WEF Đa-vốt 2019), rạng sáng 24-1 (giờ Việt Nam), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì cuộc đối thoại về kinh tế Việt Nam với lãnh đạo gần 40 tập đoàn toàn cầu. Chủ đề cuộc đối thoại là “Thúc đẩy sự năng động và sáng tạo trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0”.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc với lãnh đạo các tập đoàn lớn về công nghệ thông tin. Ảnh: THỐNG NHẤT (TTXVN)

Cùng dự, có Giám đốc điều hành WEF Ô.Sơ-oáp. Đây là lần đầu Việt Nam phối hợp WEF tổ chức sự kiện đối thoại về kinh tế Việt Nam bên lề Hội nghị WEF Đa-vốt 2019, với sự tham dự của nhiều tập đoàn hàng đầu để quảng bá, truyền tải thông điệp về kinh tế Việt Nam.

Tại cuộc đối thoại, Thủ tướng nhấn mạnh, Việt Nam có thể chế, chính sách tạo điều kiện cho sự phát triển, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh; Chính phủ Việt Nam luôn lắng nghe ý kiến của các hiệp hội doanh nghiệp các nước. Việt Nam định hình khuôn khổ pháp lý minh bạch, ngày càng tiếp cận với các chuẩn mực quốc tế tiên tiến; phát huy mạnh mẽ khu vực tư nhân. Độ mở của nền kinh tế ngày càng lớn, có quan hệ kinh tế thương mại với hơn 220 quốc gia và vùng lãnh thổ. Đề cập đến sức ảnh hưởng mạnh mẽ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, Thủ tướng nêu rõ, Việt Nam coi đây là cơ hội to lớn khi các quốc gia cạnh tranh bằng sáng tạo, mà không phải chỉ bằng các yếu tố truyền thống như tự do thương mại, quy mô, kinh nghiệm, lao động, vốn đầu tư… Thủ tướng đề nghị các doanh nghiệp quốc tế đến và tạo ra các sản phẩm 4.0 tại Việt Nam; nêu rõ, Việt Nam sẽ đi đầu trong xây dựng khung chính sách chấp nhận và cho phép thử nghiệm các công nghệ mới, áp dụng mạnh mẽ mô hình hợp tác công - tư để tạo ra các dịch vụ và sản phẩm đột phá, thân thiện với môi trường.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, Chính phủ Việt Nam sẵn sàng ủng hộ những ý tưởng, mô hình kinh doanh có tính đột phá; Chính phủ không chỉ ủng hộ những doanh nghiệp mà quan trọng hơn là ủng hộ những giá trị sáng tạo, đổi mới, tinh thần khởi nghiệp, ủng hộ xu hướng tiến bộ, giúp đem lại lợi ích cho người dân.

* Sáng 24-1, diễn ra phiên đối thoại giữa Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Chủ tịch WEF B.Bren-đơ với chủ đề “Việt Nam và Thế giới”. Đây là lần đầu WEF tổ chức một phiên riêng về Việt Nam để quảng bá về tình hình phát triển và hội nhập của Việt Nam.

Chủ tịch WEF B.Bren-đơ nhấn mạnh đến thành công của sự kiện Diễn đàn Kinh tế thế giới về ASEAN 2018 (WEF ASEAN 2018) do Việt Nam tổ chức; cho rằng, thành công của WEF ASEAN 2018 không chỉ thể hiện tầm quan trọng của ASEAN mà còn góp phần mạnh mẽ vào việc nâng cao vị thế của Việt Nam.

Tại phiên đối thoại, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, năm 2018, mặc dù thế giới trải qua nhiều biến động phức tạp, khó lường, tăng trưởng GDP của Việt Nam vẫn đạt gần 7,1%, nằm trong nhóm các nước tăng trưởng cao nhất trong khu vực và trên thế giới; khẳng định, kinh tế Việt Nam sẽ nỗ lực để tiếp tục phát triển mạnh mẽ theo hướng bền vững và bao trùm. Cùng với đó, Việt Nam tiếp tục đổi mới mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, đẩy mạnh sự kết hợp đầu tư trong nước và nước ngoài, chú trọng hơn nữa vào đào tạo nguồn nhân lực, nâng cao hơn nữa đời sống người dân. Thủ tướng đánh giá, Việt Nam có những lợi thế khi tham gia cách mạng công nghiệp 4.0, trong đó, lợi thế lớn nhất là cơ cấu dân số trẻ, năng động, sáng tạo, con người và dân tộc Việt Nam luôn khao khát vươn lên.

Thủ tướng nhấn mạnh, Chính phủ đang xây dựng Chiến lược quốc gia về cách mạng công nghiệp 4.0, trong đó tập trung xây dựng và hoàn thiện các thể chế khuyến khích mạnh mẽ đổi mới sáng tạo, phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp, xây dựng thành công Chính phủ điện tử… Thủ tướng cho biết, Việt Nam là quốc gia đầu tiên ở Đông - Nam Á hợp tác với WEF thành lập Trung tâm về cách mạng công nghiệp 4.0; khẳng định, Việt Nam sẽ tiếp tục khơi thông các động lực tăng trưởng.

* Trước đó, sáng cùng ngày, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc làm việc với lãnh đạo các tập đoàn lớn về công nghệ thông tin.

Thủ tướng đánh giá, cách mạng công nghiệp 4.0 đem đến những thay đổi sâu sắc trên toàn thế giới; cho rằng đây là cơ hội lớn cho Việt Nam để có thể cạnh tranh bằng sáng tạo trên cơ sở phát huy tinh thần khởi nghiệp, nâng cao chất lượng nhân lực, hạ tầng kết nối.

Thủ tướng cam kết rằng, Việt Nam sẽ không ngừng cải thiện, khắc phục những hạn chế đang tồn tại, tạo dựng môi trường kinh doanh thuận lợi, tiếp cận các chuẩn mực quốc tế tiên tiến, hợp tác chặt chẽ với cộng đồng doanh nghiệp để loại bỏ các rào cản đối với đổi mới sáng tạo. Cùng với đó, Chính phủ Việt Nam sẽ tiếp tục đầu tư, nâng cấp hạ tầng kết nối số, gồm hạ tầng cứng và hạ tầng mềm, cũng như thúc đẩy số hóa trong lĩnh vực quản trị công.

* Bên lề Hội nghị WEF Đa-vốt 2019, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã dự đối thoại giữa các nhà lãnh đạo cấp cao (IGWEL) với chủ đề “Thế giới trong thời đại toàn cầu hóa 4.0”. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tiếp Chủ tịch điều hành và sáng lập WEF, Giáo sư Clau-xơ Sơ-oáp và cùng chứng kiến lễ ký Thỏa thuận hợp tác về xây dựng Trung tâm cách mạng công nghệ 4.0 và Ý định thư về xây dựng sáng kiến rác thải nhựa.

* Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tiếp Hoàng hậu Hà Lan Mắc-xi-ma, Đặc phái viên của Tổng Thư ký Liên hợp quốc về tài chính toàn diện cho phát triển và là chuyên gia có uy tín của Liên hợp quốc về lĩnh vực tài chính vi mô. Thủ tướng khẳng định, Việt Nam đang tập trung xây dựng Chiến lược quốc gia về tài chính toàn diện. Đây là nền tảng rất quan trọng để Việt Nam đạt được các mục tiêu về tài chính toàn diện nói riêng và các mục tiêu chung về phát triển kinh tế - xã hội và phát triển bền vững của Liên hợp quốc.

* Tại buổi tiếp Trưởng Đặc khu Hành chính Hồng Công (Trung Quốc) Lâm Trịnh Nguyệt Nga, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, Hồng Công luôn là đối tác kinh tế quan trọng của Việt Nam; đề nghị trong thời gian tới, Việt Nam và Hồng Công tăng cường giao lưu, tiếp xúc dưới hình thức đa dạng giữa các cơ quan chính quyền, doanh nghiệp và người dân hai bên. Thủ tướng đề nghị Chính quyền Hồng Công tạo thuận lợi hơn nữa trong việc cấp thị thực nhập cảnh cho công dân và doanh nhân Việt Nam đến Hồng Công làm việc, học tập, kinh doanh.

* Tiếp Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu G.Ca-tai-nen, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá, quan hệ Việt Nam - Liên hiệp châu Âu (EU) đang phát triển rất tích cực. Thủ tướng đề nghị thúc đẩy để Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) được ký, phê chuẩn trong quý I-2019. Về vấn đề Biển Đông, Thủ tướng đề nghị EU tiếp tục quan tâm đến an ninh, an toàn hàng hải, ủng hộ giải quyết tranh chấp ở Biển Đông bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế, Hiến chương Liên hợp quốc, Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982.

* Tại buổi tiếp Phó Thủ tướng Ru-ma-ni A.Bơ-chan, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, Việt Nam luôn coi trọng phát triển quan hệ với các nước bạn bè truyền thống ở khu vực Trung - Đông Âu; chúc mừng Ru-ma-ni đảm nhiệm chức Chủ tịch luân phiên EU trong sáu tháng đầu năm 2019. Thủ tướng đề nghị Ru-ma-ni thúc đẩy EU sớm ký, phê chuẩn EVFTA. Hai bên nhất trí tích cực thúc đẩy quan hệ hai nước đi vào chiều sâu, triển khai các thỏa thuận hợp tác...

* Tại buổi tiếp Tổng Thư ký Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) A.Gu-ri-a, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hoan nghênh OECD phối hợp xây dựng Báo cáo rà soát quốc gia đa chiều cho Việt Nam, đề nghị sớm hoàn thành báo cáo nói trên trong năm 2019 để kịp phục vụ cho đánh giá toàn diện, tổng thể việc thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2011-2020 và xây dựng Chiến lược phát triển giai đoạn 2021- 2030 của Việt Nam.

* Nhân dịp này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc có nhiều cuộc gặp với đại diện các tập đoàn lớn trên thế giới như Siemens, Qualcomn, Google, Total, Allianz, JBIC, GE, Prudential...

Theo: nhandan.com.vn

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày