Thứ 2, 23/12/2024, 06:32[GMT+7]

Trường năng khiếu Vientiane - một biểu tượng của quan hệ Lào-Việt Nam

Thứ 2, 18/07/2022 | 13:18:55
1,200 lượt xem
14 niên học qua, Trường Năng khiếu và Dự bị đại học Vientiane đã tuyển chọn và đào tạo được gần 9.000 học sinh giỏi trên cả nước, cung cấp cho đất nước Lào một nguồn nhân lực chất lượng cao.

Một tiết mục nghệ thuật trong buổi tổng duyệt "Tuần Văn hoá Lào tại Việt Nam" sẽ diễn ra từ ngày 18 đến 22/7/2022. Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN

Để hỗ trợ Lào có đủ nguồn nhân lực chất lượng trong quá trình bảo vệ và phát triển đất nước, trong suốt 60 năm qua, Việt Nam đã giúp Lào đào tạo hàng chục nghìn kỹ sư, nhà nghiên cứu, nhân viên y tế, quân nhân... không chỉ giúp Lào có được nguồn nhân lực quan trọng trong quá trình đấu tranh cách mạng, bảo vệ, xây dựng và phát triển đất nước, mà còn góp phần quan trọng vào việc tăng cường tình đoàn kết hữu nghị giữa hai dân tộc Lào-Việt Nam anh em.

Được Chính phủ Việt Nam giúp xây dựng và bàn giao vào năm 2007 với mục đích giúp Lào đào tạo nhân tài cho đất nước, 14 niên học qua, Trường Năng khiếu và Dự bị đại học Vientiane đã tuyển chọn và đào tạo được gần 9.000 học sinh giỏi trên cả nước, cung cấp cho đất nước Lào một nguồn nhân lực chất lượng cao.

Chia sẻ với phóng viên Thông tấn xã Việt Nam tại Lào, Hiệu trưởng Trường Năng khiếu và Dự bị đại học Vientiane, ông Khamphouth Phommasone cho biết: “Đây là trường năng khiếu đầu tiên và cũng là duy nhất cho đến nay của Lào, trước khi Việt Nam giúp, Lào chưa từng có trường năng khiếu nào.

Đây là ngôi trường mà ngay từ đầu đã xác định dùng để đào tạo học sinh giỏi cho Lào, đó là chính sách quan trọng của Việt Nam nhằm hỗ trợ và giúp đỡ Lào để có những học sinh giỏi, có chất lượng.”

Theo ông Khamphouth, sau khi bàn giao, Việt Nam vẫn tiếp tục giúp đỡ nhà trường trong quá trình dạy và học, 14 năm qua, Việt Nam đã cấp học bổng cho 93 học sinh và hơn 10 giáo viên của trường đi học thạc sỹ tại Việt Nam.

Ông nhấn mạnh: “Sự giúp đỡ của Chính phủ Việt Nam không chỉ dừng ở chỗ cho giáo viên đi bồi dưỡng và nâng cao trình độ, hay cấp học bổng cho học sinh đi học tiếp đại học ở Việt Nam, mà Việt Nam còn gửi giáo viên sang để hỗ trợ công tác dạy và học, đặc biệt là ở những môn quan trọng trong đó có tiếng Việt, hóa, lý, hoặc hỗ trợ vật chất cho nhà trường.

Sự giúp đỡ của Việt Nam hết sức có giá trị trong việc hỗ trợ trường phát triển, giúp việc dạy và học có chất lượng hơn. Đây không chỉ là giá trị tinh thần, mà còn là rất quý giá trong việc giúp đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng cao cho đất nước Lào.”

Không giấu được tự hào, ông Khamphouth cho biết dù học sinh Trường Năng khiếu đi xin việc ở đâu cũng được nhận, một số em tốt nghiệp ở Đại học quốc gia Lào, một số em tốt nghiệp ở Việt Nam, tất cả đều có việc làm tại các cơ quan nhà nước hoặc các công ty tư nhân, đặc biệt họ đều là những nhân viên giỏi.

Từng tốt nghiệp cử nhân tại Việt Nam và sau này tiếp tục được đi học thạc sỹ tại Việt Nam, thầy Vilaythong, giáo viên Trường Năng khiếu và Dự bị đại học Vientiane, tâm sự những năm tháng học tập tại Việt Nam đã giúp ông và bạn bè học được nhiều thứ, không chỉ về kiến thức học thuật, mà còn về kinh nghiệm làm ăn sinh sống của người dân Việt Nam, điều đã giúp học sinh Lào rất nhiều trong công việc, giúp phục vụ tốt cho đất nước.

Ông Vilaythong chia sẻ: “Trong quá trình học tại Việt Nam, tôi đã học được rất nhiều kiến thức mới, rất cập nhật, những kinh nghiệm hay, tôi thường lồng ghép để đưa vào các bài giảng của mình, để giúp học sinh có những kiến thức mới nhất, cập nhật nhất.”

Tại buổi nói chuyện về quan hệ đặc biệt Lào-Việt Nam trong lĩnh vực giáo dục ở thủ đô Vientiane mới đây, Bộ trưởng Giáo dục và Thể thao Lào, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Phout Simmalavong nêu rõ Việt Nam và Lào luôn coi giáo dục là một trong những lĩnh vực hợp tác ưu tiên và trên thực tế, hai bên đã hợp tác trong lĩnh vực giáo dục từ rất sớm.

Theo Bộ trưởng Phout Simmalavong, ngay từ những năm tháng chiến tranh giải phóng dân tộc, trước yêu cầu của cách mạng Lào, Việt Nam đã giúp Lào thiết lập và mở rộng toàn diện giáo dục vùng giải phóng như cử chuyên gia sang hỗ trợ giáo dục Lào các cấp; hỗ trợ tài liệu giảng dạy và học tập, xuất bản sách giáo khoa và biên soạn tài liệu giảng dạy và học tập; giúp đào tạo cán bộ Lào trong các trường đại học và cao đẳng của Việt Nam; mở trường phổ thông tại Việt Nam để dạy học sinh tiểu học và trung học cơ sở của Lào.

Việc hỗ trợ được tổ chức thành nhiều hình thức đào tạo và bồi dưỡng bao gồm các lớp ngắn hạn, đào tạo dài hạn, đào tạo chuyên sâu cụ thể và đào tạo tại chỗ ở các cơ sở địa phương.

Công tác đào tạo bắt đầu từ việc xây dựng lực lượng vũ trang của Lào, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ cách mạng, xóa nạn mù chữ trong nhân dân, xây dựng hệ thống giáo dục phổ thông, xây dựng đội ngũ giáo viên và soạn nội dung chương trình giảng dạy cho các lớp học sử dụng tiếng Lào làm ngôn ngữ giảng dạy từ cấp tiểu học đến cấp đại học ở vùng giải phóng.

Ngoài việc giúp đỡ xây dựng cơ sở giáo dục ở vùng giải phóng của Lào, Việt Nam còn thành lập các trường đào tạo đội ngũ cán bộ cho Lào và tiếp nhận lưu học sinh Lào sang học tại các trường, cơ sở giáo dục của Việt Nam...

Bộ trưởng Giáo dục và Thể thao Lào cho biết trong giai đoạn trước năm 1975, hơn 15.000 công chức, nhà nghiên cứu, nhân viên y tế và quân nhân Lào đã được đào tạo ngắn hạn, dài hạn, tại chỗ và ngoài cơ sở tại Việt Nam. Họ đã trở thành cán bộ cốt cán, đóng vai trò chủ chốt và lãnh đạo cách mạng Lào.

Trong giai đoạn 1976-1990, số lượng lưu học sinh Lào được đào tạo tại Việt Nam ở nhiều trường từ trung học phổ thông, trung cấp dạy nghề, đại học trên tất cả các lĩnh vực, kể cả kinh tế, lý luận chính trị, quân sự, an ninh, chiếm khoảng 50% số lượng sinh viên Lào đi học nước ngoài.

Theo PGS.TS Phout Simmalavong, từ năm 1991 đến năm 2010, Chính phủ Việt Nam đã đào tạo hơn 12.000 cán bộ kỹ thuật cho Lào, có thể đáp ứng nhu cầu về đội ngũ cán bộ trên các lĩnh vực, trong đó có khoa học kỹ thuật.

Đây là đóng góp to lớn cho sự nghiệp bảo vệ và xây dựng đất nước Lào. Một số cán bộ trưởng thành trong cách mạng Lào, sau quá trình đào tạo, nâng cấp trình độ ở Việt Nam đã trở thành cán bộ lãnh đạo, cán bộ chủ chốt của các địa phương và cán bộ công tác ở các ngành nghề quan trọng của Lào.

Trong giai đoạn 2011-2020, Chính phủ Việt Nam đã đào tạo cho Lào hơn 30.000 người trong mọi lĩnh vực, bao gồm lĩnh vực chính trị-hành chính, an ninh, quốc phòng. Ngoài ra, Chính phủ Việt Nam còn hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng giáo dục cho Lào như xây dựng các trường mẫu giáo, cấp 1, cấp 2, trường phổ thông dân tộc nội trú, trường dạy nghề, ký túc xá Sea Games, ký túc xá sinh viên nước ngoài, tòa nhà tiếng Việt, trung tâm nghiên cứu, trung tâm huấn luyện thể thao và nhiều trung tâm khác...

Du học sinh Lào, Campuchia cùng các gia đình người Việt tham gia cắm hoa nghệ thuật tại chương trình "Ngày hội Gia đình Việt Nam-Lào-Campuchia" tại Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 26/6/2022. Ảnh: Thu Hương/TTXVN 

Ở chiều ngược lại, trong giai đoạn 1982-2022, Chính phủ Lào cũng đã hỗ trợ đào tạo tổng cộng 4.850 cán bộ, sinh viên cho Việt Nam để xây dựng đội ngũ chuyên gia Việt Nam về Lào.

Bộ trưởng Lào khẳng định những kết quả hợp tác giữa hai nước trong lĩnh vực giáo dục không chỉ góp phần quan trọng vào việc tăng cường tình đoàn kết hữu nghị giữa hai dân tộc Lào-Việt Nam anh em, mà còn có đóng góp rất lớn vào sự phát triển của đất nước Lào.

Có thể khẳng định hợp tác giáo dục là một trong những biểu tượng nổi bật của quan hệ đặc biệt Lào-Việt Nam. Với việc lãnh đạo hai nước những năm qua không chỉ tiếp tục dành ưu tiên đặc biệt cho lĩnh vực hợp tác giáo dục, mà còn hết sức chú trọng đến việc nâng cao chất lượng và hiệu quả của công tác đào tạo, hợp tác giáo dục đào tạo giữa hai nước sẽ ngày càng phát triển, góp phần tích cực phục vụ sự nghiệp đổi mới, phát triển kinh tế và hội nhập quốc tế, không ngừng vun đắp cho truyền thống đoàn kết hữu nghị đặc biệt và hợp tác toàn diện Việt Nam-Lào ngày càng đơm hoa kết trái./.

Theo Vietnam+