Thứ 6, 22/11/2024, 17:54[GMT+7]

Lưu giữ và lan tỏa nét đẹp truyền thống của Tết Việt trên đất Mỹ

Thứ 7, 21/01/2023 | 23:20:18
1,327 lượt xem
Mỗi năm cứ vào dịp Tết Nguyên đán là vợ chồng anh Hùng chị Diễm lại trang hoàng nhà cửa theo đúng không khí ngày Tết ở quê nhà, qua đó lưu giữ truyền thống nơi xứ người.

Tết là dịp để người Việt ở Mỹ giáo dụ cho thế hệ sau về những giá trị truyền thống (Ảnh: Kiều Trang/TTXVN)

Dù đã sống ở Mỹ hơn 20 năm, nhưng doanh nhân Trần Đình Hùng và vợ là chị Katie Diễm Đặng, cùng các thành viên trong gia đình vẫn giữ nề nếp sinh hoạt của một gia đình người Việt, với mong muốn lưu giữ những nét đẹp truyền thống cho thế hệ con em. Sinh ra và sống tại Mỹ từ lúc lọt lòng mẹ, nhưng bé Hannah, con gái của hai anh chị, vẫn thông thạo tiếng Việt. Cách giáo dục của gia đình đã giúp cho cô bé hiểu và trân trọng những phong tục tập quán của dân tộc. Hannah rất thích ngày Tết cổ truyền vì cứ đến dịp này, cô bé lại được mặc áo dài, được nhận tiền lì xì và thích nhất là được mời cả gia đình các bạn cùng lớp của đến chung vui.

Mỗi năm cứ vào dịp Tết Nguyên đán là vợ chồng anh Hùng chị Diễm lại trang hoàng nhà cửa theo đúng không khí ngày Tết ở quê nhà, chuẩn bị những món ăn đậm phong vị truyền thống để mời các bạn bè người Việt và Mỹ đến thưởng thức. Anh chị tin rằng việc làm này vừa giúp vơi đi nỗi nhớ nhà, nhớ người thân, vừa giúp cho con và những người bạn ở đây hiểu thêm những giá trị tốt đẹp của truyền thống dân tộc trong ngày Tết. 

Chia sẻ với phóng viên TTXVN tại Washington, anh Hùng cho biết dù có về Việt Nam ăn Tết, thì năm nào gia đình anh cũng tổ chức bữa tiệc Tết Việt tại Mỹ để mời các bạn bè, đồng nghiệp, các cháu bạn học của con gái tới tham dự. Để tái hiện lại không khí Tết xưa, năm nay, cả gia đình cùng gói bánh chưng, quây quần bên nồi bánh chưng đêm để không chỉ con gái hiểu được giá trị của ngày Tết cổ truyền, mà các thế hệ người Việt trẻ tại Mỹ cùng bạn bè Mỹ sẽ hiểu, thêm yêu văn hóa Việt Nam.

Tại trang trại rượu nho của gia đình cách trung tâm Washington D.C 50 phút lái xe, gia chủ cầu kỳ đặt cành đào, cành mai, đèn lồng, câu đối… từ Việt Nam sang, tỉ mỉ sắp đặt, bài trí để tái hiện khung cảnh như ở quê nhà, đưa những người đến tham dự về với không khí Tết xưa. Tết Nguyên đán với những người con xa quê hương đồng nghĩa với khắc khoải nỗi nhớ, nhớ sắc mai vàng rực rỡ, hay những cành đào thắm đỏ và thèm cảm giác được cùng nhau quây quần bên nồi bánh chưng, bánh tét đỏ lửa…

Hình ảnh Tết quê hương bình dị đó cũng đã được gia đình anh Hùng cho người hướng dẫn các bạn trẻ cùng tập gói bánh chưng, cùng quây quần bên nồi bánh chưng đêm, ôn lại những câu chuyện quê nhà bên bếp lửa… Anh Andrew, một khách mời của gia đình anh Hùng, cho biết rất thích không khí ở đây, nhận xét mọi người đều mặc áo dài rất đẹp và các món ăn trong ngày Tết của Việt Nam rất ngon. 

Trong bữa tiệc Tết đậm phong vị truyền thống, mọi người được hòa mình vào không khí lễ hội của những tiết mục cây nhà lá vườn mừng Xuân, được thử gói bánh chưng, các bạn nhỏ được tham gia trò chơi tìm hiểu về văn hóa Tết nhận lì xì, được nghe tiếng pháo nổ và hương thơm đặc trưng của xác pháo.

Tết với mỗi người có những cảm xúc khác nhau nhưng đều chung một tâm trạng, đó là nỗi nhớ nhà, nhớ người thân, bạn bè và phút giây sum vầy… Vợ chồng anh Hùng không chỉ muốn lưu giữ những cảm xúc ấy cho riêng mình, cho những người thân trong gia đình, mà còn muốn lan tỏa nét đẹp bản sắc và giá trị truyền thống của Tết Việt cho những thế hệ người Việt trẻ và bạn bè Mỹ. Những việc làm đậm tính nhân văn này thật đáng trân trọng, để những mùa xuân sau, những người con xa quê ở Mỹ có một nơi để trở về, để được đón Tết trong niềm vui và hạnh phúc tròn đầy./.

Không chỉ là dịp để vui chơi sau một năm dài bận rộn, Tết Nguyên đán còn là dịp để người đi xa trở về sum họp bên gia đình, để con cháu tri ân đấng sinh thành dưỡng dục, tưởng nhớ về ông bà, tổ tiên…/. 

Theo Vietnam+