Thứ 6, 22/11/2024, 21:19[GMT+7]

Giới thiệu văn hóa truyền thống của Việt Nam đến bạn bè Đức, châu Âu

Thứ 2, 02/10/2023 | 07:44:55
1,417 lượt xem
Mở đầu chương trình là tiết mục kể "Truyện Kiều" của Đại thi hào Nguyễn Du do nghệ sỹ người Đức Christiane Voigt thể hiện bằng tiếng Đức, trên nền bản guitar "Tổ khúc Kiều" của Giáo sư Đặng Ngọc Long.

Nhóm Tứ tấu Hoa sen trình diễn tại liên hoan. (Ảnh: Vũ Tùng/TTXVN)

Tối 30/9, các nghệ sỹ gốc Việt đang sinh sống tại Đức đã giới thiệu đến bạn bè quốc tế nhiều tiết mục văn nghệ đặc sắc, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam, kết hợp với những nét văn hóa hiện đại của thế giới trong khuôn khổ chương trình Liên hoan Nghệ thuật châu Á Berlin 2023.

Tham dự chương trình có đông đảo bạn bè Đức và các nước khác, cũng như những người Việt đang sinh sống tại Đức. Chương trình cũng có sự hiện diện của Đại sứ Việt Nam tại Đức Vũ Quang Minh và phu nhân.

Mở đầu chương trình là tiết mục kể "Truyện Kiều" của Đại thi hào Nguyễn Du do nghệ sỹ người Đức Christiane Voigt thể hiện bằng tiếng Đức, trên nền bản guitar "Tổ khúc Kiều"của Giáo sư Âm nhạc Đặng Ngọc Long, Hiệu trưởng trường Âm nhạc Berlin-Gesundbrunnen. 

Cách thể hiện độc đáo này đã mang lại cho khán giả nhiều bất ngờ. Giọng đọc ấm áp, truyền cảm của nghệ sỹ Christiane Voigt, kết hợp với những giai điệu âm nhạc du dương, sâu lắng và giàu hình ảnh của bản "Tổ khúc Kiều" đã đưa người nghe đến với một thế giới văn hóa phương Đông khác lạ. 

Câu chuyện về cuộc đời nàng Kiều và những triết lý nhân sinh sâu sắc về các mối quan hệ xã hội, cuộc đời và số phận của con người đã được kể lại một cách sinh động và biểu cảm, khiến người nghe rất xúc động.

Cho đến nay, "Truyện Kiều" đã được dịch ra 20 ngôn ngữ khác nhau. Bản dịch tiếng Đức của hai tác giả Franz và Irene Faber là bản dịch "Truyện Kiều" đầu tiên trong các quốc gia nói tiếng Đức. Bản dịch này đã được đông đảo bạn bè Đức và các nước đón nhận.

Giáo sư, Nhà soạn nhạc, Nghệ sỹ Guitar cổ điển Đặng Ngọc Long đã sáng tác bản guitar cổ điển "Tổ khúc Kiều" nhằm đưa tác phẩm "Truyện Kiều" đến với công chúng châu Âu một cách đa dạng và mới lạ hơn.

Sau tiết mục kể "Truyện Kiều," khán giả đã được thưởng thức nhiều tiết mục hòa tấu nhạc cụ dân tộc mang đậm bản sắc văn hóa dân gian Việt Nam do nhóm Tứ tấu Hoa sen trình diễn.

Với đôi bàn tay khéo léo và kỹ năng điêu luyện, các nghệ sỹ đã giới thiệu nhiều làn điệu dân gian 3 miền Bắc, Trung, Nam của Việt Nam như bản "Lưu thủy," "Tình quê hương," "Hoa thơm bướm lượn," "Lý ngựa ô," "Bèo dạt mây trôi," 'Ru con," "Trống cơm"... Những tiết mục này được khán giả hào hứng đón nhận và cổ vũ nhiệt tình.

Kết thúc mỗi tiết mục, các nghệ sỹ cũng dành thời gian giao lưu với khán giả và giới thiệu về nhạc cụ cổ truyền của Việt Nam như đàn bầu, đàn nhị, đàn tranh, sáo trúc, trống cơm. Những bản hòa tấu đặc sắc cùng với những lời lẽ hóm hỉnh của các nghệ sỹ đã cuốn hút người xem từ đầu đến cuối chương trình.

Gioi thieu van hoa truyen thong cua Viet Nam den ban be Duc, chau Au hinh anh 2

Hòa tấu "Hoa thơm bướm lượn," một tiết mục do nhóm Tứ tấu Hoa sen biểu diễn tại liên hoan. (Ảnh: Vũ Tùng/TTXVN)

Các tiết mục do những nghệ sỹ gốc Việt đang sinh sống tại Đức thể hiện góp phần tích cực vào việc quảng bá văn hóa nghệ thuật truyền thống của Việt Nam đến bạn bè quốc tế. Đồng thời, những tiết mục này cũng là món ăn tinh thần quý giá đối với những người con Việt Nam đang sống xa Tổ quốc.

Đây là lần đầu tiên Liên hoan Nghệ thuật châu Á Berlin được tổ chức. Với sự tham gia của nhiều quốc gia, liên hoan này mang đến cho khán giả Đức và châu Âu cái nhìn sâu sắc và thú vị về không gian nghệ thuật đa dạng, nhiều màu sắc của châu Á. 

Chương trình bao gồm nhiều buổi biểu diễn nghệ thuật, hòa nhạc, hội thảo, chiếu phim và một số hình thức biểu diễn khác.

Chương trình kéo dài từ ngày 15/9 đến hết ngày 8/10./.

Theo Vietnam+