Thứ 6, 27/12/2024, 07:53[GMT+7]

Thúc đẩy tiềm năng hợp tác Việt Nam-Ireland trong các lĩnh vực giáo dục, KHCN

Thứ 3, 01/10/2024 | 10:56:41
665 lượt xem
Theo PGS, Tiến sỹ Trần Lê Nam, mặc dù thiết lập quan hệ ngoại giao khá muộn, Việt Nam và Ireland đã đạt được nhiều thành tựu hợp tác quan trọng trong lĩnh vực giáo dục-đào tạo và khoa học-công nghệ.

Phó Giáo sư, Tiến sỹ Trần Lê Nam, tại Đại học Cao đẳng Dublin (University College of Dublin-UCD). (Ảnh: TTXVN phát)

Những thành công trong hợp tác giáo dục-đào tạo và khoa học-công nghệ giữa Việt Nam và Ireland là tiền đề vững chắc cho sự phát triển mối quan hệ song phương trong các lĩnh vực khác mà hai nước có tiềm năng lớn như năng lượng tái tạo, nông nghiệp và đổi mới sáng tạo.

Đây là nhận định của Phó Giáo sư (PSG), Tiến sỹ Trần Lê Nam, Trường Điện và Điện tử, Đại học Cao đẳng Dublin (University College of Dublin-UCD), trong cuộc trao đổi với phóng viên TTXVN tại châu Âu trước thềm chuyến thăm cấp Nhà nước của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm tới Ireland, trong đó hợp tác giáo dục-đào tạo là một nội dung trọng tâm.

Theo Phó Giáo sư, Tiến sỹ Trần Lê Nam, mặc dù thiết lập quan hệ ngoại giao khá muộn so với các quốc gia châu Âu khác vào năm 1996, Việt Nam và Ireland đã đạt được nhiều thành tựu hợp tác quan trọng trong lĩnh vực giáo dục-đào tạo và khoa học-công nghệ.

Hằng năm, Chính phủ Ireland dành 30 suất học bổng toàn phần (gồm học phí, sinh hoạt phí, đi lại, thị thực) cho sinh viên Việt Nam theo học tại các trường đại học hàng đầu của Ireland. Đến nay, gần 300 học viên đã được nhận học bổng này để theo học các khoá học thạc sỹ trong các ngành đa dạng, từ kinh tế, tài chính tới khoa học tự nhiên, dược, kỹ thuật và giáo dục.

Với sự hợp tác của Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP), Ireland cũng hỗ trợ Việt Nam một số học bổng sau đại học như một phần của chương trình quốc gia về giảm nghèo.

Gần đây, Ireland ra mắt chương trình tạo cơ hội cho các ứng viên tiến sỹ đủ điều kiện từ các đối tác đại học của Đại sứ quán Ireland tại Việt Nam được học 1 năm tại các trường đại học Ireland như một phần trong chương trình học lấy bằng tiến sỹ.

Đặc biệt, từ năm 2015, chương trình trao đổi giáo dục song phương đã hỗ trợ các quan hệ đối tác giữa 15 trường đại học Việt Nam và 8 trường đại học Ireland trong nhiều lĩnh vực khác nhau.

Phó Giáo sư, Tiến sỹ Trần Lê Nam cho biết hợp tác song phương trong lĩnh vực khoa học-công nghệ cũng đạt được những thành công đáng ghi nhận. Năm 2010, chương trình Irish Aid đã hỗ trợ thành lập Sáng kiến Ireland-Việt Nam về phòng chống virus lây truyền qua đường máu (IVVI) dựa trên hợp tác giữa Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương Việt Nam và UCD.

Gần đây, Việt Nam và Ireland ưu tiên hợp tác trong các lĩnh vực kinh tế nông nghiệp, an toàn thực phẩm và dinh dưỡng, môi trường và biến đổi khí hậu và đổi mới sáng tạo, thông qua các dự án chung giữa đối tác Việt Nam và Ireland do Chính phủ Ireland tài trợ.

Hội đồng nghiên cứu Ireland và quỹ Irish Aid đã tài trợ cho dự án giải quyết các vấn đề về ô nhiễm không khí, khí thải nhà kính và các vấn đề sức khỏe liên quan tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Chính phủ Ireland cũng tài trợ dự án chung của trường Đại học Công nghệ Dublin (TU Dublin) và Đại học Huế (HU) để thành lập Trung tâm Nghiên cứu và Đổi mới Công nghệ Thực phẩm và Công nghệ Sinh học Ireland-Việt Nam (FABRIC) như một nền tảng cho các nghiên cứu trong các lĩnh vực cốt lõi như an toàn thực phẩm, thực phẩm chức năng và sản phẩm dinh dưỡng và dược liệu.

Phó Giáo sư, Tiến sỹ Trần Lê Nam đánh giá các chương trình hợp tác về giáo dục-đào tạo và khoa học-công nghệ đã có những tác động hết sức tích cực và hiệu quả. Các cán bộ và sinh viên Việt Nam trở về sau các khóa học đã áp dụng những kinh nghiệm học tại Ireland vào các dự án ở Việt Nam. Nhiều chương trình đào tạo và nghiên cứu giúp học viên trang bị kỹ năng và khả năng xây dựng và phát triển ý tưởng kinh doanh ngay tại Việt Nam.

Với hợp tác giáo dục-đào tạo là một trọng tâm trong chuyến thăm của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm tới Ireland, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Trần Lê Nam cho rằng việc nâng cấp quan hệ song phương trong lĩnh vực này sẽ mở ra những cơ hội hợp tác sâu rộng hơn, đồng thời giúp hai nước nâng cao chất lượng giáo dục, nghiên cứu và phát triển nguồn nhân lực.

Cụ thể, hai bên sẽ thuận lợi hơn để tiếp tục hợp tác trong nghiên cứu và trao đổi sinh viên, đồng thời thúc đẩy triển khai Dự án 89 của Việt Nam tại các trường đại học Ireland, quảng bá Ireland là điểm đến cho các nhà nghiên cứu Việt Nam.

Theo ông, Việt Nam có thể nhân cơ hội này kiến nghị Chính phủ Ireland tìm kiếm các chương trình học bổng mới để thay thế cho Chương trình học bổng chia sẻ kinh nghiệm phát triển Ireland IDEAS (Irish Development Experience Sharing Programme) đã kết thúc vào năm 2021.

Các trường đại học Việt Nam và Ireland cũng có cơ hội tăng cường trao đổi học thuật, nghiên cứu và chia sẻ kiến thức, như việc mở rộng các chương trình trao đổi sinh viên, không chỉ giới hạn ở các lĩnh vực truyền thống như quản trị kinh doanh, mà còn bao gồm các ngành khoa học-công nghệ như trí tuệ nhân tạo (AI), robotics và công nghệ sinh học. Sinh viên Việt Nam có thể tiếp cận với các cơ sở nghiên cứu tiên tiến tại Ireland, trong khi giảng viên từ cả hai nước có thể hợp tác thực hiện các nghiên cứu đa quốc gia.

Phó Giáo sư, Tiến sỹ Trần Lê Nam cho rằng việc nâng cấp quan hệ trong lĩnh vực giáo dục-đào tạo cũng sẽ tạo điều kiện để các trường đại học và viện nghiên cứu của cả hai nước hợp tác chặt chẽ hơn trong các dự án nghiên cứu công nghệ cao.

Ví dụ, Việt Nam có thể học hỏi từ các trung tâm nghiên cứu hàng đầu của Ireland, như UCD Nova, nơi cung cấp hỗ trợ cho các nhà khoa học và giảng viên thương mại hóa các ý tưởng sáng tạo.

Theo ông, các dự án nghiên cứu về năng lượng tái tạo, biến đổi khí hậu và dược phẩm có thể là những lĩnh vực ưu tiên, giúp các viện nghiên cứu Việt Nam học hỏi và tiếp cận với công nghệ tiên tiến của Ireland. Đồng thời, các nhà khoa học Ireland cũng sẽ có cơ hội tìm hiểu và giải quyết các vấn đề đặc thù ở Việt Nam như ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đến nông nghiệp hoặc tình trạng lan truyền của các bệnh nhiệt đới.

Là Ủy viên Ban chấp hành Hội Trí thức Việt Nam tại Anh và Ireland, đại diện Ireland, PGS, Tiến sỹ Trần Lê Nam cho biết cộng đồng trí thức Việt Nam tại Ireland có thể đóng vai trò làm cầu nối quan trọng trong việc mở rộng mạng lưới hợp tác giữa các nhà khoa học, chuyên gia hai nước, giúp thúc đẩy phát triển khoa học-công nghệ, đồng thời giúp các nhà nghiên cứu Việt Nam tiếp cận những phương pháp, công nghệ và ý tưởng mới từ cộng đồng quốc tế.

Chi hội Trí thức Việt Nam tại Ireland có thể tổ chức các diễn đàn khoa học hoặc các hội thảo để các chuyên gia hai nước trao đổi kiến thức và kinh nghiệm, cũng như giúp các cơ sở đào tạo và nghiên cứu tại Việt Nam kết nối với đối tác phù hợp tại Ireland để thực hiện các chương trình nghiên cứu song phương.

Chia sẻ về những hoạt động thúc đẩy hợp tác nghiên cứu khoa học giữa hai nước của Chi hội Trí thức Việt Nam tại Ireland, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Trần Lê Nam cho biết các thành viên của chi hội có chuyên môn đa dạng trong lĩnh vực nghiên cứu và công nghệ, hầu hết công tác tại các trường đại học hàng đầu tại Ireland và các tập đoàn đa quốc gia như Microsoft, Google, IBM, Qualcomm, Pfizer...

Ông nhấn mạnh thành viên chi hội giảng dạy tại các trường đại học Ireland duy trì hợp tác với các trường đại học Việt Nam cũng như hợp tác với các đối tác Việt Nam tham gia vào các dự án nghiên cứu Chính phủ Ireland dành cho Việt Nam, trong đó có chương trình hợp tác đào tạo nguồn nhân lực an ninh mạng và điều tra số giữa trường UCD và Đại học Lê Quý Đôn với sự tham gia của Phó Giáo sư Lê Khắc Nhiên Ân, Giám đốc Chương trình Cao học An ninh mạng và Điều tra tội phạm số tại UCD; dự án hợp tác giữa UCD và Đại học Cần Thơ về sử dụng AI để tăng cường bảo tồn và quản lý rừng ngập mặn tại Việt Nam do Quỹ khoa học Ireland tài trợ với sự tham gia của Tiến sỹ Lê Quân tại UCD; các chương trình hợp tác nghiên cứu về an ninh mạng, AI và viễn thông với các nhóm nghiên cứu mạnh ở Việt Nam tại Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, Học viện Bưu chính-Viễn thông, Đại Học Lê Quý Đôn, Đại học Công Nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội...

Chi hội cũng hợp tác với các trường đại học Việt Nam tổ chức các hội thảo quốc tế về chuyển đổi số, an ninh mạng và AI, tạo ra một diễn đàn quy tụ và kết nối các nhà khoa học trong nước và quốc tế tham gia thảo luận và chia sẻ về các vấn đề mới trong các lĩnh vực công nghệ thông tin và ứng dụng. Sự hợp tác này cũng nhằm thúc đẩy phát triển khoa học, công nghệ, đào tạo về công nghệ thông tin và chuyển đổi số của Việt Nam, trong đó có hội thảo Công nghệ thông tin và ứng dụng trong các lĩnh vực - CITA 2024 tại Việt Nam với sự tham gia của PGS Lê Khắc Nhiên Ân.

Thông qua mối quan hệ với các đồng nghiệp tại Việt Nam, chi hội cũng tuyển nhiều sinh viên Việt Nam sang học bậc tiến sỹ và sau tiến sỹ trong các dự án nghiên cứu tại Ireland, đồng thời giúp kết nối các trường đại học của hai nước thông qua việc ký các bản ghi nhớ hợp tác trong lĩnh vực bán dẫn, công nghệ thông tin, AI, thiết bị y tế và công nghệ sinh học.

Phó Giáo sư, Tiến sỹ Trần Lê Nam tốt nghiệp Đại học Bách khoa Thành phố Hồ Chí Minh chuyên ngành kỹ thuật điện, theo học bậc thạc sỹ và tiến sỹ về kỹ thuật vô tuyến tại Đại học Kyung Hee, Hàn Quốc.

Trước khi giảng dạy tại UCD, ông là giảng viên khoa Điện tử tại Đại học Maynooth, Ireland. Phó Giáo sư, Tiến sỹ Trần Lê Nam giành Giải thưởng Phát triển sự nghiệp của Quỹ khoa học Ireland vào năm 2018; đồng nhận Giải thưởng bài báo xuất sắc nhất tại IEEE GLOBECOM (Hội nghị truyền thông toàn cầu của Viện Kỹ sư điện và Điện tử-IEEE) vào năm 2021 và Giải thưởng bài báo thực nghiệm xuất sắc nhất dành cho sinh viên tại IEEE PIMRC (Hội nghị chuyên đề quốc tế về truyền thông vô tuyến cá nhân trong nhà và di động của IEEE) vào năm 2020./.

Theo Baocaovien.vn