Thứ 6, 27/12/2024, 14:40[GMT+7]

Hoàn thiện chính sách, pháp luật đối với người Việt Nam ở nước ngoài phục vụ yêu cầu phát triển đất nước

Thứ 3, 29/10/2024 | 09:38:08
1,312 lượt xem
Đứng trước sự phát triển mạnh mẽ của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài (NVNONN) trong thời gian qua với những đặc điểm mới cũng yêu cầu phát triển đất nước trong tình hình mới, việc tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật đối với nhóm đối tượng này phục vụ yêu cầu phát triển của đất nước là một nhiệm vụ vừa cấp bách, trước mắt, vừa có ý nghĩa chiến lược lâu dài.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm với các kiều bào tiêu biểu về dự Hội nghị người Việt Nam ở nước ngoài toàn thế giới lần thứ IV và Diễn đàn Tri thức và chuyên gia Việt Nam ở nước ngoài, ngày 23/08/2024. Ảnh: VPCTN

Cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài hiện có khoảng 6 triệu người sinh sống, làm việc, học tập trên 130 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó hơn 80% ở các nước phát triển; đại bộ phận đồng bào đã có địa vị pháp lý và cuộc sống ổn định, hội nhập sâu rộng vào xã hội sở tại. Cộng đồng NVNONN luôn phát huy tình đồng bào, nghĩa dân tộc, hướng về quê hương, là bộ phận không tách rời của cộng đồng dân tộc Việt Nam, là nguồn lực quan trọng đóng góp cho sự nghiệp xây dựng, bảo vệ và phát triển Tổ quốc.

Công tác về NVNONN là một trong những trọng tâm trong công tác đối ngoại, đại đoàn kết, được Đảng và Nhà nước quan tâm sâu sắc và chỉ đạo sát sao với hàng loạt các chủ trương, chính sách lớn được ban hành trong nhiều thập kỷ qua. Trên cơ sở đó, nhà nước cũng đã kịp thời thể chế hóa các chủ trương, chính sách kể trên thành hệ thống quy định pháp luật trên nhiều lĩnh vực, tạo ra một khuôn khổ pháp lý khá toàn diện về công tác này, từ hoạt động quản lý nhà nước đến việc bảo đảm các quyền, tạo điều kiện ngày càng thuận lợi cho đồng bào về thăm quê hương đất nước, làm việc, đầu tư, kinh doanh, chuyển giao công nghệ, hoạt động văn hóa nghệ thuật… cơ bản đáp ứng các nguyện vọng chính đáng của đồng bào.

Đứng trước sự phát triển mạnh mẽ của cộng đồng NVNONN trong thời gian qua với những đặc điểm mới cũng yêu cầu phát triển đất nước trong tình hình mới, việc tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật đối với nhóm đối tượng phục vụ yêu cầu phát triển của đất nước trong tình hình mới là một nhiệm vụ vừa cấp bách, trước mắt, vừa có ý nghĩa chiến lược lâu dài.

1. Các đặc điểm cơ bản của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài:

a. Đa dạng về đối tượng:

Trong các văn bản pháp lý, trên báo chí, các phương tiện truyền thông cũng như trong cuộc sống thường nhật, chúng ta thường gặp một số thuật ngữ như “Việt kiều”, “kiều bào”, “người gốc Việt Nam”, “người Việt Nam định cư ở nước ngoài”, “người Việt Nam ở nước ngoài”. Mặc dù đây đều là những thuật ngữ chỉ nhóm đối tượng người Việt Nam hoặc người có gốc Việt Nam sinh sống, làm ăn ở nước ngoài, bản thân mỗi thuật ngữ trên hay nói cách khác, mỗi nhóm đối tượng trên lại có những đặc điểm và quy chế pháp lý khác nhau trong mối quan hệ pháp luật của Việt Nam.

Kiều bào hay Việt kiều là thuật ngữ được sử dụng tương đối phổ biến trong cuộc sống, các phương tiện truyền thông, để chỉ “đồng bào của mình cư trú ở nước ngoài”. Thuật ngữ này dùng khá phổ biến trước những năm 1990, đặc biệt trong giai đoạn đất nước còn chiến tranh. Chính Chủ tịch Hồ Chí Minh, cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng cũng thường dùng khái niệm này để nói về người Việt Nam sinh sống ở nước ngoài và khái niệm này ít mang tính pháp lý mà nặng về ý nghĩa dân tộc, đại đoàn kết dân tộc.

Thuật ngữ “người Việt Nam ở nước ngoài” được sử dụng phổ biến hơn trong văn kiện của Đảng khi nói về công tác này. Một trong những văn kiện được coi là hòn đá tảng trong công tác đối với NVNONN chính là Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 26/3/2004 của Bộ Chính trị với tiêu đề “Nghị quyết về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài”. Đồng thời, trong văn kiện Đại hội đảng lần thứ XII và XIII, thuật ngữ người Việt Nam ở nước ngoài cũng được sử dụng.

Trên lĩnh vực pháp luật, Luật Quốc tịch Việt Nam năm 1998 sử dụng khái niệm “người Việt Nam định cư ở nước ngoài", theo đó người Việt Nam định cư ở nước ngoài là “công dân Việt Nam và người gốc Việt Nam cư trú, làm ăn, sinh sống lâu dài ở nước ngoài”. Tuy nhiên, Luật không giải thích rõ thế nào là cư trú, làm ăn, sinh sống lâu dài ở nước ngoài cũng như “gốc Việt Nam”.

Theo Hiến pháp 2013, khái niệm “người Việt Nam định cư ở nước ngoài” tiếp tục được sử dụng. Theo đó, Điều 18 Hiến pháp 2013 quy định: “Người Việt Nam định cư ở nước ngoài là bộ phận không tách rời của cộng đồng dân tộc Việt Nam. Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khuyến khích và tạo điều kiện để người Việt Nam định cư ở nước ngoài giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam, giữ quan hệ gắn bó với gia đình và quê hương, góp phần xây dựng quê hương, đất nước”. Trong Luật Đất đai năm 2024, liên quan đến đối tượng này, một số khái niệm được sử dụng, đó là “người Việt Nam định cư ở nước ngoài là công dân Việt Nam và "người gốc Việt Nam định cư ở nước ngoài".

Qua các khái niệm trên, chúng ta có thể sắp xếp “người Việt Nam ở nước ngoài” thành các nhóm sau:

i) Công dân Việt Nam hiện đang sinh sống, định cư, làm ăn ở nước ngoài. Trong nhóm này, có thể tiếp tục chia nhỏ thành: người vẫn còn quốc tịch Việt Nam (công dân Việt Nam); người vừa có quốc tịch Việt Nam và quốc tịch nước ngoài (trong trường hợp quy định sở tại cho phép có quốc tịch Việt Nam nhưng không phải từ bỏ quốc tịch Việt Nam);

ii) người gốc Việt Nam, bao gồm: người mang quốc tịch nước ngoài (đã từng có quốc tịch Việt Nam nhưng nay đã thôi quốc tịch Việt Nam để gia nhập quốc tịch nước ngoài) và các thế hệ mang huyết thống của những người này.

Điều này cho thấy tính đa dạng của các đối tượng được pháp luật điều chỉnh cũng như việc áp dụng các quy định pháp luật liên quan đến nhóm đối tượng này.

b. Gia tăng về số lượng và các Hội đoàn: trong thời gian qua, số lượng NVNONN đã có sự gia tăng đáng kể. Nếu như năm 2004, khi Nghị quyết 36-NQ/TQ được ban hành, số lượng người Việt Nam ở nước ngoài khoảng 2,7 triệu người thì nay số lượng NVNONN là khoảng 6 triệu người. Nếu như trước đây, số lượng NVNONN sinh sống chủ yếu ở khu vực Bắc Mỹ (Mỹ, Canada), Đông Âu, một số nước Tây Âu như Pháp, Đan Mạch…, Châu Đại Dương (Úc, New Zealand) thì nay cộng đồng người Việt Nam đã sinh sống ở trên 130 quốc gia trên thế giới, đã xuất hiện nhiều cộng đồng trẻ với sự phát triển mạnh mẽ như Nhật Bản (gần 600.000 người); Hàn Quốc (trên 300.000). Đi kèm với đó là sự hình thành mạnh mẽ hệ thống các Hội đoàn NVNONN với hàng nghìn hội đoàn đã đăng ký với Ủy ban người Việt. Hiện nay đã có hàng trăm nghìn NVNONN có hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ; hàng trăm nghìn doanh nghiệp của NVNONN đã được thành lập, góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế, xã hội của địa bàn nơi người Việt cư trú.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chụp ảnh lưu niệm với kiều bào từ hơn 40 quốc gia và vùng lãnh thổ dự Hội nghị Người Việt Nam ở nước ngoài toàn thế giới lần thứ tư và Diễn đàn Trí thức và chuyên gia Việt Nam ở nước ngoài năm 2024, ngày 22/08/2024. Ảnh: VGP

c. Nguồn lực người Việt Nam ở nước ngoài không ngừng gia tăng:

i) Nguồn lực kinh tế: Có thể khẳng định, đây là nguồn lực mang tính truyền thống và phổ biến. Trong hơn 3 thập kỷ qua, lượng kiều hối mà NVNONN chuyển qua hệ thống ngân hàng đạt trên 200 tỷ USD, tương đương nguồn vốn FDI đã giải ngân cùng kỳ, đưa Việt Nam trở thành một trong 10 nước nhận kiều hối lớn nhất thế giới. Lượng kiều hối này đã góp phần không nhỏ đối với phát triển kinh tế xã hội của đất nước, thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh, thương mại, đầu tư, hỗ trợ và duy trì an sinh xã hội của địa phương. Bên cạnh đó, tính đến tháng 11/2023, kiều bào từ 32 quốc gia và vùng lãnh thổ đã đầu tư 421 dự án FDI tại 42/63 tỉnh, thành ở Việt Nam với tổng số vốn đăng ký 1,722 tỷ USD giải quyết công ăn việc làm cho không ít cư dân địa phương nơi có dự án đầu tư.

NVNONN còn là nhân tố quan trọng trong thương mại, kết nối thúc đẩy giao thương, góp phần thực hiện cuộc Vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, quảng bá các thương hiệu quốc gia Việt Nam trên thị trường quốc tế. Doanh nhân, doanh nghiệp người Việt tại nhiều địa bàn, tiêu biểu là tại Hoa Kỳ, châu Âu, Thái Lan, Úc… có tiềm lực kinh tế đáng kể, tích cực tham gia vào việc quảng bá, giới thiệu sản phẩm Việt Nam ở sở tại từ nhiều năm.

NVNONN cũng là nguồn lực đóng góp cho sự phát triển ngành du lịch, hàng không. Từ năm 2009 đến trước đại dịch COVID-19 (2019), mỗi năm có khoảng 700 nghìn đến 1 triệu lượt kiều bào về nước, tương đương với lượng du khách Nhật Bản, thị trường khách du lịch lớn thứ 3 của Việt Nam.

ii) Nguồn lực tri thức, khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, nhân lực chất lượng cao

Theo ước tính, trong cộng đồng NVNONN có 500.000 - 600.000 người (trong đó khoảng 50% tại Hoa Kỳ) có trình độ đại học trở lên (chiếm khoảng 10-12% tổng số cộng đồng. Số này bao gồm nhiều nhà khoa học thành danh, nhiều người có trình độ thạc sỹ, tiến sỹ, giáo sư, chuyên gia, được nước sở tại trọng dụng, làm việc trong các lĩnh vực y dược, công nghệ thông tin, điện tử, viễn thông, chế tạo máy, điều khiển học, công nghệ sinh học, công nghệ vũ trụ, vật liệu mới, công nghệ nano, năng lượng, quản lý kinh tế, tài chính ngân hàng, tổ chức quốc tế... Đây là nguồn lực ngày càng phát triển do sinh sống chủ yếu tại các quốc gia phát triển, có nền khoa học công nghệ tiên tiến và có độ tuổi thích hợp cho việc nắm bắt các công nghệ, xu thế phát triển khoa học công nghệ của thế giới.

Hàng năm, khoảng 500 lượt chuyên gia, trí thức NVNONN về nước tham gia các hoạt động khoa học và công nghệ tại Việt Nam (chưa bao gồm số vào Việt Nam dự hội nghị, hội thảo và các đoàn trao đổi ngắn hạn). Ngày càng nhiều trí thức NVNONN tham gia, hợp tác với các viện nghiên cứu, trường đại học trong nước, trong các hoạt động nghiên cứu phát triển R&D, ứng dụng khoa học, chuyển giao công nghệ, làm việc trong các doanh nghiệp tư nhân, đổi mới sáng tạo, xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp tại Việt Nam.

Bên cạnh đó, lực lượng hàng trăm ngàn lao động Việt Nam ra nước ngoài làm việc mỗi năm không chỉ có nhiều đóng góp quan trọng cho đất nước về tài chính mà với kỹ năng, kinh nghiệm được rèn luyện ở nước ngoài, sau khi về nước có thể tiếp tục phát huy kinh nghiệm, tác phong công nghiệp, trở thành nguồn nhân lực quan trọng, có chất lượng đóng góp vào tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

iii) Nguồn lực văn hóa, kết nối:

6 triệu người Việt Nam sinh sống ở nước ngoài cũng chính là 6 triệu “đại sứ” văn hóa, góp phần đưa văn hóa Việt Nam ra nước ngoài thông qua việc giữ gìn và phát huy các bản sắc văn hóa, các tập quán thói quen sinh hoạt trong các gia đình Việt. Không những vậy, trên lĩnh vực văn hoá, nghệ thuật, thể thao, đã có nhiều nghệ sỹ người Việt thành công ở sở tại, góp phần thúc đẩy trao đổi văn hóa giữa Việt Nam với các nước trên thế giới.

Trước sự phát triển của cộng đồng người Việt, chính quyền Hàn Quốc, Séc, Slovakia, Đài Loan (Trung Quốc)... đã công nhận và cho phép giảng dạy tiếng Việt như ngoại ngữ thứ hai.

Vừa hiểu rõ văn hóa sở tại nơi mình sinh sống, học tập, làm ăn, vừa biết về văn hóa Việt Nam, cộng đồng NVNONN có lợi thế quý báu trong việc kết nối, giao lưu nhân dân - nền tảng quan trọng của việc duy trì quan hệ hữu nghị giữa nước ta với các đối tác; kết nối kinh tế, thương mại và quảng bá hàng hóa, sản phẩm của Việt Nam tại sở tại… Đây là một nguồn lực mang tính bền vững, lâu dài và hiệu quả nếu ngày càng được chú trọng, đầu tư và phát huy.

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài Lê Thị Thu Hằng tiếp Đoàn thiếu nhi, giáo viên kiều bào tại Hàn Quốc về thăm Việt Nam, ngày 05/08/2024. Ảnh: UBNNVNVNONN 

2. Chính sách, pháp luật của Đảng và nhà nước ta đối với người Việt Nam ở nước ngoài:

Công tác về NVNONN luôn được Đảng và Nhà nước quan tâm sâu sắc và chỉ đạo sát sao. Ngay từ khi thành lập nước, đầu năm 1946, trong thư chúc Tết kiều bào, Chủ tịch Hồ Chí Minh, đánh giá cao tấm lòng của kiều bào tuy ở nơi đất khách quê người, nhưng lòng vẫn yêu mến cố hương Tổ quốc, khẳng định: "Tổ quốc và Chính phủ cũng luôn luôn nhớ thương các đồng bào, như bố mẹ thương nhớ những người con đi vắng. Đó là nhân tâm thiên lý, đó là tình nghĩa một nhà". Đặc biệt, trong chuyến thăm nước Pháp năm 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dành nhiều thời gian thăm hỏi, động viên kiều bào với gần 30 cuộc gặp gỡ, trao đổi. Trong các cuộc gặp gỡ ấy, Người cám ơn kiều bào đã ủng hộ Chính phủ, đã quyên tiền và thuốc men gửi về giúp Tổ quốc và đánh giá cao việc kiều bào đã biết xử sự như người con của một dân tộc đã có một nền văn hóa lâu đời, tranh thủ được sự quý mến và cảm tình của nhân dân Pháp đối với nước Việt Nam ta; đồng thời bày tỏ quyết tâm của Chính phủ trong việc bảo vệ nền độc lập, thống nhất cho đất nước. Người căn dặn kiều bào phải triệt để đoàn kết, tranh thủ sự cảm tình và sự giúp đỡ của nhân dân Pháp; phải ra sức tuyên truyền và ủng hộ bằng mọi phương diện cho Tổ quốc; thực hành đời sống mới Cần, Kiệm, Liêm, Chính và ra sức học hỏi, mỗi người cần thạo một nghề để mai sau về nước giúp ích cho công cuộc xây dựng đất nước...

Cùng với quá trình phát triển của đất nước, nhiều chủ trương, đường lối về công tác đối với NVNONN đã được ban hành tại các văn kiện quan trọng của Đảng như văn kiện đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng, gần đây nhất là văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII và các văn bản chuyên về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài như Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 29/11/1993 (Nghị quyết 08), Nghị quyết số 36/NQ-TW ngày 26/3/2004 (Nghị quyết 36), Chỉ thị số 45-CT/TW ngày 19/5/2015 (Chỉ thị 45) và Kết luận số 12-KL/TW ngày 12/8/2021 (Kết luận 12)về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài. Có thể nói, các chủ trương, đường lối của Đảng có thể tóm tắt ở các nội dung chính sau:

- NVNONN là bộ phận không tách rời và là một nguồn lực của cộng đồng dân tộc Việt Nam, là nhân tố quan trọng góp phần tăng cường quan hệ hợp tác, hữu nghị giữa nước ta với các nước.

- Công tác đối với NVNONN cần thể hiện đầy đủ truyền thống đại đoàn kết toàn dân tộc. Cơ sở của sự đoàn kết là ý thức dân tộc và lòng yêu nước, niềm tự hào dân tộc và mục tiêu chung của mọi người Việt Nam là giữ vững nền độc lập dân tộc, thống nhất của Tổ quốc, làm cho dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.

- Mọi người Việt Nam, không phân biệt dân tộc, tôn giáo, nguồn gốc xuất thân, địa vị xã hội, lý do ra nước ngoài, mong muốn góp phần thực hiện mục tiêu trên đều được tập hợp trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

- Khuyến khích NVNONN hội nhập và thực hiện nghiêm chỉnh luật pháp nước sở tại, chăm lo xây dựng cuộc sống, làm ăn thành đạt, nêu cao tinh thần tự trọng và tự hào dân tộc, giữ gìn tiếng Việt, bản sắc văn hóa và truyền thống dân tộc Việt Nam, đoàn kết đùm bọc, thương yêu, giúp đỡ lẫn nhau, giữ mối quan hệ gắn bó với gia đình và quê hương.

- Gắn chăm lo, phát triển với việc phát huy nguồn lực của NVNONN. Nhà nước có trách nhiệm thỏa thuận với các nước hữu quan về khuôn khổ pháp lý để đồng bào ổn định cuộc sống và bảo vệ quyền lợi chính đáng của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài theo luật pháp, công ước và thông lệ quốc tế.

- Công tác đối với NVNONN là trách nhiệm của toàn bộ hệ thống chính trị và của toàn dân. Các tổ chức đảng, nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể nhân dân, các ngành, các cấp từ Trung ương đến địa phương, ở trong nước và ngoài nước và toàn dân ta cần coi đây là một nhiệm vụ quan trọng nhằm phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc vì sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Phù hợp với chủ trương, đường lối nên trên, công tác xây dựng pháp luật đối với NVNONN được quan tâm, chú trọng và đạt được nhiều thành tựu, đặt nền móng căn bản cho hệ thống pháp luật đối với NVNONN, là cơ sở pháp lý quan trọng để thực hành các quyền của NVNONN trong các quan hệ pháp luật ở Việt Nam. Công tác xây dựng, áp dụng pháp luật đối với NVNONN thể hiện một số các đặc trưng sau:

- Chính sách pháp luật đối với NVNONN nhằm thể chế hóa và trong khuôn khổ đường lối, chủ trương của Đảng đối với NVNONN trong từng thời kỳ nhất định. Chủ trương, đường lối bao quát của Đảng đối với NVNONN đã được thể chế hóa trong văn bản pháp luật có tính pháp lý cao nhất là Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

- Công tác xây dựng và hoàn thiện chính sách đối với NVNONN cần phải phù hợp với định hướng xây dựng pháp luật trong các lĩnh vực ở từng giai đoạn cụ thể; phù hợp với đặc điểm pháp lý của từng nhóm đối tượng cụ thể.

- Khi xây dựng chính sách đối với công dân Việt Nam ở nước ngoài, cần bám sát các nguyên tắc cơ bản như sau:

i) Nguyên tắc quốc tịch: “Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam công nhận công dân Việt Nam có một quốc tịch là quốc tịch Việt Nam, trừ trường hợp Luật này có quy định khác.” (Điều 4 Luật Quốc tịch Việt Nam năm 2008 sửa đổi bổ sung năm 2014).

ii) Chính sách đối với công dân Việt Nam ở nước ngoài:

“Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam có chính sách để công dân Việt Nam ở nước ngoài có điều kiện hưởng các quyền công dân và làm các nghĩa vụ công dân phù hợp với hoàn cảnh sống xa đất nước” (Khoản 2 Điều 18 Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013); “Công dân Việt Nam ở nước ngoài được Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam bảo hộ” (Khoản 3 Điều 17 Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013).

“Quyền và nghĩa vụ của công dân Việt Nam đồng thời có quốc tịch nước ngoài đang định cư ở nước ngoài được thực hiện theo quy định của pháp luật có liên quan” (Khoản 4 Điều 5 Luật Quốc tịch Việt Nam năm 2008 sửa đổi bổ sung năm 2014)

iii) Đối với người gốc Việt Nam định cư ở nước ngoài, cần bám sát chính sách được quy định tại Điều 7 Luật Quốc tịch Việt Nam năm 2008 sửa đổi bổ sung năm 2014:

“Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam có chính sách khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi để người gốc Việt Nam định cư ở nước ngoài giữ quan hệ gắn bó với gia đình và quê hương, góp phần xây dựng quê hương, đất nước.

 Nhà nước có chính sách tạo điều kiện thuận lợi cho người đã mất quốc tịch Việt Nam được trở lại quốc tịch Việt Nam”.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về NVNONN Nguyễn Mạnh Đông phát biểu tại Chương trình phổ biến, giải đáp pháp luật cho NVNONN về Luật Đất đai 2024 của Việt Nam do Ủy ban Nhà nước về NVNONN kết hợp với Đoàn Luật sư TP. Hà Nội tổ chức, ngày 27/06/2024. Ảnh: HH 

3. Hoàn thiện chính sách, pháp luật đối với người Việt Nam ở nước ngoài phục vụ yêu cầu phát triển của đất nước trong tình hình mới

Như Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã phát biểu tại Đại hội X, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam: “Với thế và lực tích lũy đã được sau 40 năm đổi mới đất nước, với thời cơ, vận hội mới, chúng ta đang đứng trước cơ hội lịch sử đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc”. Để thực hiện mục tiêu đó, theo Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, cần khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, khát vọng cống hiến, ý chí tự chủ, tự tin, tự lực, tự cường, tự hào dân tộc, phát huy sức mạnh vĩ đại của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại có ý nghĩa then chốt và cần tập hợp, phát huy tối đa vai trò, sự đóng góp của các nhà khoa học, chuyên gia, cá nhân tiêu biểu trong các tầng lớp Nhân dân, các dân tộc, các tôn giáo và cộng đồng NVNONN đối với sự phát triển đất nước…

Với các định hướng nêu trên, việc hoàn thiện các chính sách, pháp luật đối với NVNONN cần bảo đảm bám sát một số nguyên tắc, phương châm sau:

i) Tiếp tục nâng cao nhận thức cho các ngành, các cấp về quan điểm, đường lối của Đảng là “Người Việt Nam ở nước ngoài là nguồn lực quan trọng đóng góp cho sự nghiệp xây dựng, phát triển và bảo vệ Tổ quốc” và khẳng định cần “phát huy nguồn lực to lớn, tinh thần yêu nước của đồng bào ta ở nước ngoài hướng về quê hương, đất nước”. Chú trọng việc chăm lo, nuôi dưỡng và phát triển nguồn lực của cộng đồng NVNONN đi cùng với việc phát huy nguồn lực này.

ii) Làm rõ mối quan hệ hữu cơ giữa sự phát triển và vị thế đất nước với địa vị của cộng đồng ta tại sở tại. Thực tế đã chứng minh, trong những năm qua, những thành tựu phát triển và vị thế của đất nước cũng đã giúp cộng đồng NVNONN ngày càng có địa vị và điều kiện phát triển tốt hơn tại sở tại và ngược lại, cộng đồng NVNONN mạnh, đoàn kết sẽ đóng góp vào vị thế và phát triển của đất nước.

iii) Việc xây dựng chính sách pháp luật đối với người Việt Nam định cư ở nước ngoài cần được định hướng như sau:

- Đối với công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài: các quyền và nghĩa vụ cần theo hướng đảm bảo như công dân Việt Nam trong nước, có tính đến yếu tố đang sinh sống ở nước ngoài để quy định các thủ tục phù hợp. Một số quyền và nghĩa vụ chưa triển khai được do đặc thù, cần nghiên cứu, đề xuất phù hợp hoặc có những lập luận để trả lời kiến nghị của kiều bào (nghĩa vụ quân sự, quyền bầu cử, ứng cử).

- Đối với người gốc Việt Nam định cư ở nước ngoài: theo hướng tạo điều kiện thuận lợi hơn người nước ngoài. Thực tế trong nhiều năm qua, một số lĩnh vực đã có những chính sách pháp luật cho người gốc Việt Nam thuận lợi hơn người nước ngoài như xuất nhập cảnh, đất đai, nhà ở, quốc tịch…

- Việc xây dựng và áp dụng pháp luật đối với NVNONN phải đáp ứng đồng thời hai nội dung thể chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng đối với người Việt Nam ở nước ngoài và phù hợp với định hướng xây dựng pháp luật ở các lĩnh vực cụ thể. Việc kiến nghị sửa đổi, bổ sung phần liên quan đến người Việt Nam ở nước ngoài cần phù hợp với tiến trình, phạm vi sửa đổi, bổ sung, xây dựng pháp luật trong lĩnh vực cụ thể. Việc này đòi hỏi phải có sự phối hợp giữa cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực ngành cụ thể và cơ quan quản lý nhà nước về công tác đối với NVNONN.

- Kịp thời rà soát và thể chế hóa thành quy định pháp luật đối với NVNONN khi có các chủ trương, chính sách mới của Đảng đối với NVNONN cũng như trong quá trình sửa đổi, bổ sung văn bản quy phạm pháp luật trong các lĩnh vực cụ thể khi có yêu cầu sửa đổi bổ sung. Đảm bảo tính tương thích với các quy định pháp luật chuyên ngành tại các văn bản pháp luật cụ thể đối với nhóm đối tượng này.

- Chú trọng cả khâu xây dựng pháp luật và khâu áp dụng các quy định pháp luật liên quan đến NVNONN./.

Theo Dangcongsan.vn