Thứ 6, 27/12/2024, 07:52[GMT+7]

Gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài

Thứ 3, 03/12/2024 | 11:25:47
641 lượt xem
Khóa tập huấn giảng dạy tiếng Việt cho giáo viên người Việt Nam ở nước ngoài không chỉ trang bị các phương pháp giảng dạy hiện đại, hiệu quả mà còn là cơ hội để các thầy cô giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm, cùng xây dựng mạng lưới giảng dạy tiếng Việt mạnh mẽ hơn. Với tâm huyết của các thầy cô và sự hỗ trợ của các chuyên gia, Khóa tập huấn sẽ mang lại nhiều giá trị thiết thực, tạo nền tảng vững chắc để lan tỏa tiếng Việt trong cộng đồng.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài Nguyễn Mạnh Đông phát biểu tại sự kiện. (Ảnh: Ủy ban Nhà nước về NVNONN)

Ngày 2/12, tại Hà Nội, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài (Bộ Ngoại giao) phối hợp cùng Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) khai mạc Khóa tập huấn giảng dạy tiếng Việt cho giáo viên người Việt Nam ở nước ngoài năm 2024.

Phát biểu tại lễ khai mạc, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài (NVNONN) Nguyễn Mạnh Đông cho biết, trong những năm qua, Khóa tập huấn giảng dạy tiếng Việt cho giáo viên NVNONN đã nhận được sự hưởng ứng, tham gia tích cực của các giáo viên, tình nguyện viên đến từ nhiều nước; cho thấy nhu cầu dạy và học tiếng Việt của cộng đồng ta ở nước ngoài rất lớn.

Nhấn mạnh, ngôn ngữ là hồn cốt của dân tộc, là cầu nối gắn kết các thế hệ người Việt dù ở bất kỳ nơi đâu, Phó Chủ nhiệm Nguyễn Mạnh Đông khẳng định, Đảng, Nhà nước ta luôn quan tâm sâu sắc đến việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa, truyền thống và ngôn ngữ dân tộc, thúc đẩy giữ gìn bản sắc văn hóa Việt Nam trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài. Nổi bật trong đó là Nghị quyết 36-NQ/TW của Bộ Chính trị, ra đời đến nay đã được 20 năm, vẫn luôn là kim chỉ nam cho công tác về NVNONN, trong đó có các hoạt động hỗ trợ cộng đồng gìn giữ văn hóa và tiếng Việt.

Bên cạnh những quan tâm, hỗ trợ của các cơ quan trong nước là sự chủ động, nỗ lực vượt khó của cộng đồng người Việt Nam ở nhiều địa bàn để tổ chức và duy trì các lớp dạy tiếng Việt cho con em. Nhờ đó, tại một số nơi, với sự vận động tích cực của cơ quan đại diện Việt Nam cùng sự phối hợp hiệu quả của cộng đồng, chính quyền đã công nhận tiếng Việt như một ngôn ngữ giảng dạy trong nhà trường. 

Phó Chủ nhiệm Nguyễn Mạnh Đông cho biết, phong trào dạy và học tiếng Việt đã có những bước tiến tích cực nhưng vẫn còn một số khó khăn và thách thức, đòi hỏi sự đồng tâm hiệp lực ở cả trong và ngoài nước để công tác này ngày càng hiệu quả, đáp ứng được nhu cầu của cộng đồng ta ở nước ngoài cũng như sự kỳ vọng của đất nước.

Tháng 8/2022, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án Ngày Tôn vinh tiếng Việt trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài giai đoạn 2022 - 2030. Đề án đã nhận được sự hưởng ứng tích cực của đông đảo cộng đồng ở nhiều nơi, với nhiều hoạt động sôi nổi, phong phú và thực chất, bước đầu tạo được sự chuyển biến mạnh mẽ của phong trào dạy và học tiếng Việt trong cộng đồng NVNONN. Trong đó, cuộc thi tìm kiếm sứ giả tiếng Việt ở nước ngoài, qua 2 năm tổ chức, đã lựa chọn và tôn vinh 10 gương mặt tiêu biểu tận tâm và cống hiến cho sự lan tỏa của tiếng Việt ở nước ngoài.

Qua các Khóa tập huấn, Phó Chủ nhiệm Nguyễn Mạnh Đông mong muốn mỗi học viên sẽ là sứ giả đích thực trong truyền bá tình yêu tiếng Việt đến với mỗi kiều bào, gia đình và cộng đồng nhỏ, gieo tình yêu ngôn ngữ dân tộc cho thế hệ trẻ, để ngôn ngữ trở thành sợi dây gắn kết, tạo thành khối đoàn kết ở trong và ngoài nước. Khóa tập huấn không chỉ trang bị các phương pháp giảng dạy hiện đại, hiệu quả mà còn là cơ hội để các thầy cô giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm, cùng xây dựng mạng lưới giảng dạy tiếng Việt mạnh mẽ hơn. Với tâm huyết của các thầy cô và sự hỗ trợ của các chuyên gia, Khóa tập huấn sẽ mang lại nhiều giá trị thiết thực, tạo nền tảng vững chắc để lan tỏa tiếng Việt trong cộng đồng.

Khóa tập huấn về phương pháp giảng dạy tiếng Việt cho giáo viên Việt Nam ở nước ngoài là hoạt động thường niên, nhằm nâng cao trình độ và kỹ năng sư phạm, cập nhật kiến thức cho các giáo viên chuyên và không chuyên đang dạy tiếng Việt tại các cơ sở tiếng Việt của cộng đồng. Khóa tập huấn diễn ra từ ngày 1 - 15/12 tại Hà Nội, có sự tham gia của 40 giáo viên và tình nguyện viên dạy tiếng Việt về từ 9 quốc gia trên thế giới.

Các học viên sẽ tham dự các hoạt động chính gồm: Tập huấn trên lớp về phương pháp giảng dạy tiếng Việt do các giảng viên của Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn đứng lớp; Tọa đàm “Chia sẻ phương pháp dạy tiếng Việt cho trẻ em ở nước ngoài”; Dự giờ tại Trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm, Hà Nội; Tham quan một số di tích lịch sử, văn hóa tại Hà Nội (viếng Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh; tham quan Phủ Chủ tịch; thăm Văn Miếu – Quốc Tử giám, Hoàng Thành Thăng Long, Bảo tàng…) và một số địa phương. 

Chia sẻ cảm xúc tại chương trình, cô giáo Hiền Ni Sả, giáo viên trường Song ngữ Lào Việt Nam - Nguyễn Du (Lào) cho biết, khóa tập huấn mở ra cho cô nhiều kỳ vọng. Trước hết, cô mong muốn được nâng cao năng lực giảng dạy, đặc biệt cách thức giúp học sinh Lào tiếp cận tiếng Việt một cách dễ dàng và hiệu quả hơn. Cô hy vọng sẽ được học hỏi thêm về các phương pháp sư phạm hiện đại, cách sử dụng giáo trình và tài liệu một cách linh hoạt để truyền cảm hứng cho học sinh.

Các đại biểu tham dự lễ khai mạc chụp ảnh lưu niệm. (Ảnh: Ủy ban Nhà nước về NVNONN)

Ngoài chuyên môn, cô cũng mong khoá tập huấn sẽ cung cấp những kiến thức sâu hơn về văn hoá, lịch sử và văn hoá xã hội Việt Nam. Những câu chuyện văn hóa phong phú không chỉ làm cho bài giảng thêm sinh động mà còn giúp học sinh hiểu hơn về đất nước mà họ đang học ngôn ngữ.

Trong khi đó, cô Đặng Thu Hiền, giáo viên dạy tiếng Việt tại Malaysia mong muốn có thêm kinh nghiệm, kiến thức để học hỏi thêm các phương pháp giảng dạy tiếng Việt. Qua đó, đưa ngôn ngữ và văn hóa Việt Nam để những kiều bào, người nước ngoài biết ngôn ngữ Việt Nam, yêu văn hóa và con người Việt Nam.

Cô Đặng Thu Hiền khẳng định sẽ cùng các học viên tích cực tham gia và làm lực lượng nòng cốt thúc đẩy phong trào dạy và học tiếng Việt trong cộng đồng người Việt Nam ở sở tại, từ đó lan tỏa phong trào mạnh mẽ hơn, góp phần bảo tồn ngôn ngữ mẹ đẻ cũng như duy trì, phát huy bản sắc dân tộc trong cộng đồng NVNONN./.

Theo Dangcongsan.vn