Thứ 3, 26/11/2024, 14:05[GMT+7]

Quản lý điều trị bệnh không lây nhiễm tại trạm y tế xã

Thứ 2, 18/03/2019 | 09:16:03
1,261 lượt xem
Hàng tháng, thay vì phải đến các bệnh viện tuyến trên khám, điều trị ngoại trú bệnh đái tháo đường (ĐTĐ) và tăng huyết áp (THA), người bệnh chỉ cần đến trạm y tế (TYT) xã sẽ được các bác sĩ khám, tư vấn và nhận thuốc điều trị.

ĐTĐ và THA là bệnh không lây nhiễm song nguy hiểm bởi có nhiều biến chứng đe dọa tính mạng người bệnh. Vấn đề đáng lo ngại là những năm gần đây tỷ lệ người mắc bệnh không lây nhiễm nói chung, ĐTĐ và THA nói riêng ngày càng gia tăng, gây áp lực lên ngành Y tế. 

Hiện tại, những bệnh nhân mắc ĐTĐ và THA khi được phát hiện bệnh và điều trị ổn định, định kỳ hàng tháng sẽ được các bác sĩ bệnh viện đa khoa huyện, thành phố hẹn ngày đến bệnh viện khám, cấp thuốc điều trị. Tuy nhiên, do số lượng bệnh nhân ngày càng tăng là một trong những nguyên nhân gây quá tải bệnh viện, dẫn đến việc tư vấn, quản lý người bệnh còn nhiều bất cập. Bệnh nhân hàng tháng phải đến bệnh viện khám định kỳ, nhận thuốc điều trị ngoại trú cũng phiền hà, tốn kém bởi phải đi xa, phải nhờ cậy con cháu đưa đi và mất thời gian vì chờ đợi lâu...

Theo bác sĩ Phạm Văn Dịu, Giám đốc Sở Y tế: Nhằm tạo thuận lợi cho người bệnh khám chữa bệnh ĐTĐ và THA bằng thẻ bảo hiểm y tế đồng thời góp phần giảm tải cho các bệnh viện tuyến trên, Sở Y tế đã xây dựng, triển khai kế hoạch thực hiện quản lý và điều trị ngoại trú một số bệnh không lây nhiễm tại tuyến y tế cơ sở. Đồng thời, lựa chọn 98 TYT xã, phường, thị trấn thuộc 8 huyện, thành phố triển khai thực hiện mô hình thí điểm quản lý, điều trị bệnh ĐTĐ và THA trong năm 2019. Các TYT được lựa chọn thực hiện mô hình thí điểm đều là các xã xa trung tâm, cơ sở vật chất bảo đảm khang trang, đủ số phòng làm việc theo tiêu chí đạt chuẩn quốc gia về y tế xã giai đoạn 2011 - 2020. Trang thiết bị, dụng cụ, thuốc bảo đảm theo quy định của Bộ Y tế và bảo đảm có bác sĩ làm việc thường xuyên tại trạm, có đầy đủ các chức danh theo quy định. Đặc biệt, các TYT đều phải bảo đảm có hoạt động khám chữa bệnh hiệu quả, uy tín trong nhiều năm qua. Ngoài ra, các trạm đều được hỗ trợ trang thiết bị cơ bản phục vụ công tác quản lý, giám sát và điều trị ĐTĐ và THA từ nguồn ngân sách tỉnh và các dự án. 100% bác sĩ tại các TYT xã được chọn triển khai mô hình làm điểm sẽ được Sở Y tế tập huấn về công tác khám chữa bệnh nói chung, khám chữa bệnh ĐTĐ và THA nói riêng.

Để thực hiện tốt việc triển khai mô hình làm điểm, Sở Y tế đã hướng dẫn và phân công nhiệm vụ cụ thể cho Bệnh viện Đa khoa tỉnh, bệnh viện đa khoa và trung tâm y tế các huyện, thành phố là các đơn vị có trách nhiệm phối hợp thực hiện. Đến nay, công tác tập huấn, nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị đã cơ bản hoàn tất. Công tác bàn giao bệnh nhân về khám, điều trị tại TYT xã đang được thực hiện. 

Theo đó, tại địa phương, cán bộ TYT sẽ tăng cường tuyên truyền, phổ biến nâng cao kiến thức, triệu chứng và cách phát hiện sớm các bệnh ĐTĐ và THA cho nhân dân. Bệnh nhân mới và bệnh nhân đang điều trị tại các bệnh viện tuyến trên khi có bệnh án và điều trị ổn định sẽ được chuyển về TYT xã quản lý. Thay vì hàng tháng đến khám và nhận thuốc tại các bệnh viện thì sẽ được theo dõi, cấp thuốc điều trị ngay tại TYT xã. Định kỳ 3 tháng một lần bệnh nhân được chuyển khám, xét nghiệm lại tại bệnh viện huyện, thành phố để điều chỉnh đơn thuốc. Khi được chuyển về khám, điều trị ngoại trú tại TYT xã, bệnh nhân vẫn được bảo đảm các quyền lợi như khi đến khám, điều trị tại bệnh viện như được khám lâm sàng, xét nghiệm đường huyết mao mạch bằng test kiểm tra nhanh, đo huyết áp, đo thị lực, xét nghiệm... Ngoài ra, bệnh nhân được bác sĩ tại TYT xã theo dõi, quản lý, tư vấn việc tuân thủ điều trị tại gia đình, tư vấn dự phòng biến chứng, chế độ dinh dưỡng, tập luyện thể dục thể thao. Đặc biệt, các bác sĩ tại trạm sẽ thiết lập sự trao đổi thông tin bằng điện thoại với bệnh nhân hoặc người nhà bệnh nhân; giữa bác sĩ TYT xã với bác sĩ khoa khám bệnh, bệnh viện đa khoa huyện, thành phố để kịp thời trao đổi thông tin, tư vấn hiệu quả cho người bệnh.

Tổ chức triển khai thí điểm mô hình quản lý, điều trị bệnh ĐTĐ và THA tại TYT xã ngoài mục đích tạo thuận lợi cho người bệnh còn nhằm củng cố, nâng cao năng lực cho y tế tuyến cơ sở. Bởi qua việc triển khai thực hiện mô hình, cán bộ y tế cơ sở sẽ được nâng cao chuyên môn nghiệp vụ, tinh thần trách nhiệm. Cơ sở vật chất, trang thiết bị tại các TYT được củng cố, từng bước nâng tầm, khẳng định vai trò, đáp ứng tốt hơn nhu cầu khám chữa bệnh của nhân dân. 

Dự kiến, sau thời gian làm điểm, việc quản lý, điều trị bệnh ĐTĐ và THA nói riêng, các bệnh không lây nhiễm nói chung sẽ được thực hiện tại 100% xã, phường, thị trấn trong toàn tỉnh.

Hà Dung