Thứ 7, 23/11/2024, 03:02[GMT+7]

Bao giờ quân nhân Trần Văn Căn được suy tôn là liệt sĩ

Thứ 2, 01/04/2019 | 08:20:44
1,446 lượt xem
Theo các nhân chứng cùng thời quân nhân Trần Văn Căn, chiến sĩ Đại đội 54, Tiểu đoàn 648, Trung đoàn 50 Quân khu Tả ngạn nay là Quân khu 3, người trực tiếp tham gia đánh Pháp tại bốt Cầu Vật thuộc địa bàn xã Đông Hải, huyện Quỳnh Phụ ngày 21/11/1953 (14/10 âm lịch) và trúng bom napan bị hy sinh. Đã 66 năm qua, sự hy sinh của quân nhân Trần Văn Căn chưa được làm sáng tỏ, chưa được suy tôn là liệt sĩ.

Ảnh minh họa.

Từ năm 2016, 2017, UBND tỉnh Thái Bình đã chỉ đạo các cơ quan làm công tác chính sách Bộ CHQS tỉnh, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, huyện Kiến Xương và xã Bình Định phối hợp với cơ quan chức năng của Quân khu 3 để hoàn thiện hồ sơ đề nghị Cục Chính sách Tổng cục Chính trị, Cục Người có công Bộ Lao động - Thương binh và Xã Hội và Thủ tướng Chính phủ cấp bằng Tổ quốc ghi công truy tặng liệt sĩ cho quân nhân Trần Văn Căn, sinh năm 1927 ở thôn Ái Quốc, xã Bình Định, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình. Hồ sơ đề nghị suy tôn liệt sĩ cho quân nhân Trần Văn Căn có giấy xác nhận từ năm 2010 của 3 đồng đội cùng chiến đấu gồm: Đại tá Ngô Xuân Nghiêm, xã Thụy Hà, huyện Thái Thụy (ông Nghiêm chết năm 2017); Đại tá Hoàng Ngọc Thành 84 tuổi cán bộ quân đội nghỉ hưu ở khu 3, thị trấn Diêm Điền, huyện Thái Thụy. Đại úy Vũ Đình Hoa 88 tuổi, cán bộ quân đội nghỉ hưu ở khu 2, thị trấn Diêm Điền, huyện Thái Thụy. Trong hồ sơ còn thể hiện xác nhận của mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Liên 96 tuổi, thôn Đồng Kỷ, xã Đông Hải, huyện Quỳnh Phụ (cụ Liên chết ngày 20/3/2019). Mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Liên nguyên là đội viên du kích thôn Đồng Kỷ, xã Đông Hải, người đã trực tiếp sơ cứu băng bó vết thương cho quân nhân Trần Văn Căn bị cháy do bom napan của quân Pháp. Nhân chứng nữa ở thôn Đồng Kỷ là cựu du kích Nguyễn Hữu Toàn, 85 tuổi cùng các cựu du kích nay đã mất như ông Nguyễn Hữu Thùy, Đỗ Văn Đồng, Nguyễn Văn Vượng trực tiếp chôn cất quân nhân Trần Văn Căn tại khu đồng Mụ, thôn Đồng Kỷ, xã Đông Hải. Việc giải quyết tồn đọng của quân nhân Trần Văn Căn đã được cấp ủy, chính quyền xã Bình Định, huyện Kiến Xương, Bộ CHQS tỉnh Thái Bình triển khai nhiều cuộc họp, theo đúng quy trình, biên bản giải quyết tồn đọng được niêm yết công khai, chính quyền, nhân dân địa phương và gia đình rất chờ mong được nhà nước ghi nhận sự hy sinh của quân nhân Trần Văn Căn cho sự nghiệp cách mạng. Những tưởng việc chỉ đạo của UBND tỉnh Thái Bình và triển khai thực hiện của cơ quan chức năng là đúng quy trình và đúng hướng dẫn trong việc giải quyết tồn đọng chiến tranh với trường hợp của quân nhân Trần Văn Căn nhưng Cục Chính sách, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội lại có công văn trả lời hồ sơ giải quyết tồn đọng chiến tranh đối với quân nhân Trần Văn Căn không thuộc diện áp dụng theo quy trình ban hành tại Quyết định số 408/QĐ- LĐTBXH ngày 20/3/2017 của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.    

Theo Công văn số 244/CS-TBLS của Cục Chính sách Tổng cục Chính trị ngày 15/1/2018 gửi Cục Chính trị Quân khu 3 thì Cục Chính sách, Tổng cục Chính trị tiếp nhận hồ sơ đề nghị xác nhận liệt sĩ đối với quân nhân Trần Văn Căn, do Cục Chính trị, Quân khu 3 chuyển đến kèm theo Công văn số 7900/CCT-CS ngày 5/12/2016. Sau khi chỉ đạo đơn vị xác minh, bổ sung thêm thông tin, Cục Chính sách đã báo cáo Bộ Quốc phòng, đề nghị Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội trình Chính phủ truy tặng bằng Tổ quốc ghi công đối với quân nhân Trần Văn Căn. Ngày 18/12/2017, Cục Người có công, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã có Công văn số 3134/NCC-CS1, thông báo kết quả thẩm định hồ sơ của quân nhân Trần Văn Căn, nội dung hồ sơ xác lập trên cơ sở người làm chứng, không đúng theo quy định tại thời điểm lập. Đồng thời hồ sơ cũng không thuộc diện áp dụng theo quy trình ban hành tại Quyết định số 408/QĐ-LĐTBXH ngày 20/3/2017 của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội nên không thuộc diện xác nhận theo quy định hiện hành. Hồ sơ của quân nhân Trần Văn Căn trở về với gia đình điểm xuất phát ban đầu sau hơn 10 năm được các cơ quan làm chính sách của tỉnh hoàn thiện hồ sơ. Chúng tôi đã tiếp tục gặp lại những nhân chứng là đồng đội trực tiếp chiến đấu đánh bốt Cầu Vật ngày 21/11/1953 với quân nhân Trần Văn Căn thuộc Trung đoàn 50 (E50) Quân khu Tả ngạn nay là Quân khu 3, các cựu du kích chống Pháp thôn Đồng Kỷ, xã Đông Hải, người trực tiếp sơ cứu băng bó vết thương ban đầu cho quân nhân Trần Văn Căn là mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Liên (mẹ Liên chết ngày 20/3/2019), người trực tiếp chôn cất quân nhân Trần Văn Căn là cựu du kích Nguyễn Hữu Toàn, khi biết được trả lời của Cục Người có công, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về trường hợp quân nhân Trần Văn Căn đều ngỡ ngàng đặt câu hỏi vậy bao giờ quân nhân Trần Văn Căn mới được suy tôn là liệt sĩ và được cấp bằng Tổ quốc ghi công. Hồ sơ xác lập sự hy sinh của quân nhân Trần Văn Căn không thuộc diện áp dụng theo Quyết định số 408/QĐ-LĐTBXH ngày 20/3/2017 của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội thì hồ sơ phải được xác lập trên cơ sở nào và cần phải có hướng dẫn cụ thể. Mặt khác, trường hợp quân nhân Trần Văn Căn hy sinh trong khi đơn vị Trung đoàn 50, Quân khu Tả ngạn đang tồn tại đóng vai trò gì trong giải quyết tồn đọng chiến tranh chống Pháp của đơn vị.

Trong quá trình tiếp cận hồ sơ đề nghị suy tôn liệt sĩ đối với quân nhân Trần Văn Căn và quá trình thâm nhập gặp gỡ các nhân chứng chúng tôi còn tiếp nhận thông tin mà cơ quan chức năng Bộ CHQS tỉnh, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Hội Cựu chiến binh tỉnh, Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ tỉnh Thái Bình, Trung đoàn 50, Quân khu 3, Cục Chính sách Quân khu 3 cần tiến hành khảo sát làm rõ thêm trong trận đánh bốt Cầu Vật ngày 21/11/1953 (14/10 âm lịch) có bao nhiêu quân nhân của Trung đoàn 50 hy sinh ở trận đánh này? Đã có trường hợp nào được công nhận và suy tôn là liệt sĩ. Bao nhiêu trường hợp còn tồn đọng chưa được giải quyết. Tại nghĩa trang nhân dân thôn Đồng Kỷ, xã Đông Hải, huyện Quỳnh Phụ, ngoài phần mộ của quân nhân Trần Văn Căn, cạnh đó người dân cũng cho biết là hài cốt một số quân nhân khác của Trung đoàn 50, Quân khu Tả ngạn chưa được khai quật làm rõ danh tính.

Nguyễn Công Liêm
(Thành phố Thái Bình)