Thứ 6, 26/07/2024, 15:21[GMT+7]

Ngành thủy sản: 60 năm trưởng thành và phát triển

Thứ 2, 01/04/2019 | 08:50:22
1,193 lượt xem
60 năm qua (1/4/1959 - 1/4/2019), cùng với sự phát triển chung của ngành thủy sản Việt Nam, ngành thủy sản Thái Bình cũng đạt được kết quả toàn diện trên tất cả các lĩnh vực khai thác, nuôi trồng và chế biến thủy sản.

Ngư dân huyện Tiền Hải thu hoạch ngao.

Xác định ngành thủy sản có vai trò đặc biệt quan trọng trong sự nghiệp phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn, những năm qua, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, ban hành các nghị quyết, quyết định, đề án, chương trình, kế hoạch... mang tính đột phá đưa ngành thủy sản từ một nghề sản xuất nhỏ lẻ, tự cung tự cấp sang phát triển sản xuất hàng hóa tập trung, áp dụng khoa học công nghệ hiện đại trong các lĩnh vực nuôi trồng, khai thác và chế biến thủy hải sản. Đến nay, toàn tỉnh có 25 vùng nuôi trồng thủy sản (NTTS) tập trung. Trong đó, hơn 3.000ha bãi triều nuôi ngao cho sản lượng hàng năm đạt trên 100.000 tấn đủ điều kiện xuất khẩu vào thị trường các nước EU; diện tích nuôi tôm hơn 3.000ha; nhiều tàu cá có công suất lớn, trang thiết bị hiện đại được ngư dân đóng mới đưa vào khai thác hải sản xa bờ đạt hiệu quả cao. Sản xuất thủy sản đạt kết quả tích cực từ 114.506 tấn năm 2010 lên 229.142 tấn năm 2018 (tăng hơn 200%); giá trị đạt từ 1.034,89 tỷ đồng năm 2010 lên 4.687,086 tỷ đồng năm 2018 (tăng 452%). Kết quả sản xuất thủy sản đã đóng góp tích cực vào tốc độ tăng trưởng chung của ngành Nông nghiệp và phát triển kinh tế của tỉnh.

Khai thác thủy hải sản là nghề truyền thống lâu đời của ngư dân trong tỉnh, từ một nghề cá thủ công, hoạt động ở vùng biển gần bờ, đến nay cơ cấu tàu thuyền đã chuyển dịch theo hướng tăng phương tiện khai thác xa bờ, giảm phương tiện khai thác gần bờ, áp dụng cơ giới hóa để khai thác các đối tượng thủy hải sản có giá trị kinh tế cao, ứng dụng công nghệ tiên tiến bảo quản sản phẩm sau thu hoạch, nâng cao chất lượng và giá trị sản phẩm. Tính đến hết năm 2018, toàn tỉnh có 1.142 tàu cá với tổng công suất máy 122.509,8CV. Sản lượng khai thác tăng từ 44.800 tấn năm 2010 lên 79.600 tấn năm 2018 (tăng 1,77 lần so với tốc độ tăng bình quân 7,4%/năm); giá trị sản xuất lĩnh vực khai thác năm 2018 đạt 1.226,57 tỷ đồng, tăng 471% so với năm 2010).

Ngư dân Thái Thụy sau chuyến vươn khơi. Ảnh: Trần Tuấn 

Cùng với giá trị của nghề khai thác thủy hải sản, những năm qua, lĩnh vực NTTS cũng mang lại giá trị thu nhập cao, chiếm 2/3 sản lượng và giá trị của ngành thủy sản. Bà con ngư dân trong tỉnh đã phát triển đa dạng các đối tượng, hình thức nuôi trên cả 3 loại hình nước mặn, nước lợ và nước ngọt, trong đó tôm sú, tôm thẻ chân trắng, ngao là những đối tượng nuôi chủ lực, mang lại giá trị kinh tế cao. Năng suất ngao nuôi trung bình đạt 30 tấn/ha; nhiều mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng công nghệ cao đạt năng suất từ 20 - 30 tấn/ha/vụ (3 - 4 vụ/năm); nuôi cá lồng trên sông đạt năng suất trung bình từ 3,5 - 4 tấn/lồng. Năm 2018, diện tích NTTS đạt 15.249ha; sản lượng NTTS đạt 149.502 tấn; giá trị sản xuất đạt 3.374,089 tỷ đồng. Bên cạnh những kết quả nổi bật của lĩnh vực khai thác và NTTS, lĩnh vực chế biến thủy sản cũng có bước phát triển khá. Nhiều cơ sở chế biến thủy hải sản quy mô lớn đã áp dụng quy trình công nghệ mới trong sơ chế, chế biến nhằm giảm giá thành, nâng cao chất lượng, phát triển thương hiệu, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm góp phần giải quyết việc làm và tăng thu nhập cho lao động ở các địa phương ven biển.

Công tác bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản luôn được các cấp, các ngành, tổ chức, đoàn thể, địa phương trong tỉnh quan tâm. Để nâng cao nhận thức cho người dân trong việc chấp hành các quy định về khai thác, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản, cấp ủy, chính quyền các cấp, các cơ quan chức năng của tỉnh luôn chú trọng công tác tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn kiến thức pháp luật liên quan đến hoạt động thủy sản bằng việc tuyên truyền, tập huấn đa dạng, thu hút được sự quan tâm của đông đảo tầng lớp nhân dân tham gia hưởng ứng. Các cơ quan chức năng của tỉnh cũng thường xuyên kiểm tra, kiểm soát và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm các quy định về khai thác, nuôi trồng và bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Kết quả, từ năm 2012 - 2018 đã tổ chức được 92 lớp tập huấn với hơn 6.000 lượt người tham gia; đăng, phát 79 tin, bài trên các phương tiện truyền thông đại chúng; ký cam kết với 529 chủ tàu khai thác thủy hải sản về việc thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật trong lĩnh vực khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản; tổ chức tuần tra, kiểm soát 47 đợt, kiểm tra 2.312 lượt phương tiện, nhắc nhở hàng nghìn chủ tàu tham gia hoạt động khai thác thủy sản vi phạm lĩnh vực khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản.  

Bên cạnh những kết quả sản xuất đạt được của ngành thủy sản, việc tái tạo nguồn lợi thủy sản cũng được chú trọng. Hàng năm, Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng Giáo hội Phật giáo tỉnh phối hợp phát động phong trào thả giống thủy sản xuống các vùng nước tự nhiên với hàng triệu con giống thủy sản các loại được phóng sinh góp phần khôi phục, tái tạo, phát triển nguồn lợi thủy sản. Đồng thời tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức, các quy định của pháp luật về bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản tới mọi tầng lớp nhân dân. Thông qua việc làm này đã nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân, địa phương trong việc bảo vệ, tái tạo nguồn lợi thủy sản, từ đó thả bổ sung các loài thủy sản bản địa, loài nguy cấp, quý, hiếm, có giá trị kinh tế vào vùng nước tự nhiên; không phóng sinh các đối tượng thủy sinh ngoại lai có nguy cơ xâm hại môi trường.

Trải qua 60 năm nỗ lực phát triển, ngành thủy sản Thái Bình đã có những bứt phá vượt bậc, đóng góp quan trọng trong sự nghiệp phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn và giữ gìn an ninh, bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.

Thanh Huyền 

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày