Thứ 7, 23/11/2024, 22:12[GMT+7]

Thụy Phong: Điểm sáng phát triển công thương

Thứ 6, 12/04/2019 | 09:15:06
4,844 lượt xem
Những năm qua, xã Thụy Phong (Thái Thụy) tập trung huy động mọi nguồn lực đầu tư thúc đẩy ngành nghề công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và thương mại, dịch vụ phát triển. Đời sống của người dân ngày càng được cải thiện, diện mạo nông thôn khởi sắc và tạo điều kiện thuận lợi để địa phương về đích nông thôn mới.

Thương mại, dịch vụ phát triển tạo diện mạo mới cho xã Thụy Phong.

Được địa phương tạo điều kiện về mặt bằng sản xuất, cách đây 6 năm, gia đình anh Vũ Thanh Tân, thôn 2 Đông Hồ, xã Thụy Phong mở cơ sở sản xuất may găng tay xuất khẩu. Không chỉ bảo đảm kinh tế gia đình, cơ sở may của anh còn tạo việc làm và thu nhập ổn định cho 35 lao động của địa phương. 

Anh Tân cho biết: Phần lớn lao động ở cơ sở đều là những người quá tuổi hoặc không có điều kiện thời gian để vào làm việc trong các doanh nghiệp. Gia đình mở cơ sở sản xuất này đã giúp chị em có việc làm ổn định và thu nhập bình quân đạt 5 triệu đồng/người/tháng. 

Doanh thu sản xuất năm 2018 của gia đình anh Tân đạt 1,5 tỷ đồng, trừ mọi chi phí lãi 300 triệu đồng. Hiện tại, diện tích nhà xưởng sản xuất có 400m2, anh Tân mong muốn mở rộng quy mô sản xuất, tạo thêm nhiều việc làm cho nhiều người trong thôn, trong xã.

Cũng phát triển về công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, anh Vũ Duy Hảo, thôn 1 Phong Lẫm lại đi vào nghề mây tre đan. Hiện nay, cơ sở sản xuất của anh đang giải quyết việc làm trực tiếp cho hơn 10 lao động và gần 200 lao động vệ tinh trong xã. Mỗi năm, anh Hảo tổ chức sản xuất, thu mua và tiêu thụ trên 2 vạn sản phẩm mây tre đan, đạt doanh thu hàng tỷ đồng. 

Ở Thụy Phong, một vài năm trở lại đây, ngành nghề công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp: mây tre đan, cơ khí, chế biến gỗ, xây dựng, may mặc phát triển đều khắp ở 10 thôn đã giải quyết việc làm tại chỗ cho trên 2.000 lao động và mang về cho địa phương trên 100 tỷ đồng/năm; riêng năm 2018, giá trị sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp của xã đạt gần 146 tỷ đồng.

Phát huy lợi thế địa phương có tuyến đường tỉnh 456 chạy qua và có 2 chợ nông thôn: chợ Hồ, chợ Đồng Hòa, người dân Thụy Phong không ngừng phát triển dịch vụ buôn bán, kinh doanh. Các dịch vụ văn hóa, ăn uống, thương mại tổng hợp phát triển mạnh thu hút trên 1.500 lao động, tạo ra sự sầm uất cho một vùng quê và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân. 

Ông Vũ Văn Châm, cán bộ xây dựng - giao thông - công thương xã Thụy Phong cho biết: Hoạt động thương mại, dịch vụ đang là nguồn thu nhập lớn và chủ yếu của nhiều hộ gia đình trong xã, duy trì tốc độ tăng trưởng cao. Giá trị thương mại, dịch vụ ước năm 2018 của xã đạt hơn 112,6 tỷ đồng, tăng 17,44% so với năm 2017 và chiếm 33,95% trong tổng giá trị sản xuất của địa phương.

Có được những kết quả đáng mừng đó, thời gian qua, cấp ủy, chính quyền và các đoàn thể xã Thụy Phong tích cực tuyên truyền, phổ biến đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và định hướng phát triển kinh tế của tỉnh, huyện, xã để các tầng lớp nhân dân nắm bắt thời cơ. Các tổ chức đoàn thể tích cực vận động hội viên, đoàn viên thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi; tổ chức tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật sản xuất, chăn nuôi, dạy nghề và đứng ra tín chấp cho hội viên vay vốn đầu tư phát triển kinh tế. 

Chị Nguyễn Thị Thúy, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Thụy Phong cho biết: Cùng với các đoàn thể như Hội Cựu chiến binh, Đoàn Thanh niên, Hội Nông dân, Hội Liên hiệp Phụ nữ xã đã thành lập các tổ tiết kiệm, vay vốn và tín chấp cho hội viên vay vốn để xây dựng các mô hình sản xuất, kinh doanh. Hội đã tín chấp cho 263 hội viên vay vốn với tổng dư nợ gần 8 tỷ đồng của hai ngân hàng: Chính sách xã hội, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Hầu hết hội viên đều sử dụng vốn vay đúng mục đích và phát huy hiệu quả góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo và nâng tỷ lệ hộ khá, giàu trong toàn Hội.

Theo ông Nguyễn Văn Doãn, Chủ tịch UBND xã Thụy Phong, chính sự bứt phá trong phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại, dịch vụ đã góp phần giảm nhanh tỷ lệ hộ nghèo của xã xuống còn 1,69%; nâng tỷ lệ lao động có việc làm thường xuyên đạt 99,5% và thu nhập bình quân đầu người đạt gần 45,9 triệu đồng/người/năm. Những con số đó đang tạo niềm vui và động lực cho các tầng lớp nhân dân chung sức, đồng lòng cùng với Đảng bộ, chính quyền xã phấn đấu hoàn thành các tiêu chí và trở thành xã đạt chuẩn quốc gia về xây dựng nông thôn mới năm 2019.

Khắc Duẩn