Thứ 4, 01/05/2024, 08:45[GMT+7]

Hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận CPTPP

Thứ 4, 24/04/2019 | 08:49:51
1,314 lượt xem
Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đã được 7 nước thông qua, gồm: Việt Nam, New Zealand, Canada, Australia, Nhật Bản, Mexico và Singapore. Đây là thời cơ lớn cho không riêng các doanh nghiệp của Thái Bình phát triển nhờ có thị trường tiêu thụ rộng mở và được hưởng những ưu đãi về thuế quan. Để tận dụng được cơ hội này, Thái Bình đã triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ trực tiếp cho doanh nghiệp.

Cán bộ Sở Công Thương trả kết quả cấp giấy chứng nhận xuất xứ (CO) cho doanh nghiệp tại Trung tâm Hành chính công tỉnh.

Vấn đề đầu tiên được UBND tỉnh chỉ đạo đó là các cơ quan chức năng tập trung tuyên truyền, phổ biến nội dung của CPTPP tới cộng đồng doanh nghiệp. Thông qua các hội nghị chuyên đề, lớp tập huấn, cấp phát tài liệu, cấp phát sổ tay CPTPP và các cơ quan truyền thông tuyên truyền, các doanh nghiệp sẽ nắm rõ hơn những quy định về đầu tư, hải quan, phòng vệ thương mại, sở hữu trí tuệ, nông, lâm, ngư nghiệp, lao động, môi trường, quy tắc xuất xứ, lộ trình về cắt giảm thuế quan trong CPTPP... Các sở, ngành liên quan cũng đẩy mạnh thông tin và dự báo thị trường, các yêu cầu về kỹ thuật, quy định về quản lý xuất nhập khẩu hàng hóa của các nước đối tác CPTPP giúp doanh nghiệp nắm bắt kịp thời từ đó phát huy những chính sách ưu đãi, thâm nhập tốt thị trường nội khối và phòng ngừa rủi ro, ứng phó với sự cạnh tranh của hàng hóa nhập khẩu.

Bên cạnh thực hiện tốt công tác xây dựng thể chế, chủ trương và chính sách đối với tổ chức công đoàn, các tổ chức của người lao động tại cơ sở doanh nghiệp, chính sách an sinh xã hội, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững, UBND tỉnh cũng chỉ đạo các cấp, các ngành đẩy mạnh việc nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển nguồn nhân lực hỗ trợ cho doanh nghiệp. 

Cụ thể, trước mắt các sở, ngành, đơn vị, địa phương tiến hành rà soát toàn bộ các cơ chế, chính sách nhằm đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cắt giảm những thủ tục không còn phù hợp, rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính trong một số lĩnh vực: đất đai, xây dựng, lao động, đầu tư, xuất nhập khẩu, thuế, hải quan... Xây dựng hành lang pháp lý thông thoáng tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp đầu tư, phát triển. Thông qua các chính sách, chương trình hỗ trợ về đào tạo, tiếp cận thông tin, công nghệ và thị trường gắn với phát triển công nghiệp hỗ trợ, nâng cao tỷ lệ nội địa hóa, ưu tiên hỗ trợ các doanh nghiệp tham gia vào mạng lưới sản xuất, chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu, tạo liên kết ngành và chuỗi giá trị bền vững cho các sản phẩm của tỉnh, nhất là các mặt hàng chủ lực như công nghiệp chế biến, chế tạo, nông sản thực phẩm.

Theo ông Đỗ Văn Vẻ, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh, các doanh nghiệp nhỏ và vừa mong muốn hiện nay là làm thế nào để nắm bắt cơ hội và vượt qua thách thức trong điều kiện hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng. Việc UBND tỉnh thường xuyên chỉ đạo tháo gỡ khó khăn trong đầu tư, phát triển sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu và có những giải pháp hỗ trợ sẽ giúp cho cộng đồng doanh nghiệp hội nhập thành công. Ví như, ngoài chủ trương, chính sách của trung ương, tỉnh cũng có các cơ chế, chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp nâng cao năng lực phòng vệ thương mại trong bối cảnh nước ta tham gia các FTA thế hệ mới. Khuyến khích các doanh nghiệp ứng dụng khoa học công nghệ để nâng cao năng suất lao động và năng lực sản xuất ngành hàng. Hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao nhằm tạo ra một đội ngũ công nhân kỹ thuật có trình độ tay nghề vững, đủ khả năng tiếp cận với công nghệ sản xuất tiên tiến, thiết bị kỹ thuật hiện đại, có khả năng tham gia cạnh tranh trên thị trường lao động trong nước và quốc tế. Đặc biệt, việc hỗ trợ doanh nghiệp tham gia các hoạt động xúc tiến đầu tư, xúc tiến tìm kiếm thị trường, quảng bá thương hiệu sản phẩm, doanh nghiệp, phát triển thị trường, giúp các tổ chức, cá nhân, nhất là các doanh nghiệp tăng hiệu quả đầu tư, sản xuất, kinh doanh, đẩy mạnh xuất khẩu, nâng cao giá trị gia tăng.

Để tạo ra không gian, môi trường sản xuất, kinh doanh lành mạnh giúp các doanh nghiệp làm ăn chân chính phát triển, UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan chức năng của tỉnh siết chặt công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả. Thường xuyên kiểm tra phát hiện và xử lý các vụ việc kinh doanh hàng cấm, hàng nhập lậu, sản xuất và buôn bán hàng giả, kinh doanh trái phép, các vi phạm quy định về ghi nhãn mác hàng hóa nhằm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Với hàng loạt những giải pháp hỗ trợ đồng bộ, thiết thực cho doanh nghiệp, hy vọng Thái Bình sẽ là điểm đến hấp dẫn, thu hút được nhiều nhà đầu tư vào địa bàn, đánh thức tiềm năng, lợi thế của tỉnh. Sự phát triển ổn định, hội nhập kinh tế quốc tế thành công của cộng đồng doanh nghiệp cũng góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh phát triển nhanh, bền vững trong thời gian tới.


Khắc Duẩn

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày