Thứ 4, 24/07/2024, 12:24[GMT+7]

Đền thờ Bác Hồ ở giữa sào huyệt địch

Thứ 4, 15/05/2019 | 15:42:37
3,021 lượt xem
Năm 1989, Đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Long Đức (Trà Vinh) đã được Bộ Văn hóa - Thông tin xếp hạng là di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia và được tỉnh Trà Vinh chọn làm biểu trưng của tỉnh.

Phía trước Đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh tỉnh Trà Vinh. Ảnh Thanh Thưởng

Trung tuần tháng 4/2019, kết thúc hội nghị do Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức tại thành phố Cần Thơ, đoàn công tác của Báo Thái Bình, cùng một số báo khác đã về công tác tại tỉnh Trà Vinh, đơn vị kết nghĩa với tỉnh Thái Bình trong thời kỳ chống Mỹ cứu nước - nơi đã đi vào tâm thức của nhân dân cả nước qua bài hát “Hai chị em” của nhạc sỹ Hoàng Vân: "Cô Ba dũng sĩ quê ở Trà Vinh, chị Hai năm tấn quê ở Thái Bình, hai chị em trên hai trận tuyến, anh hùng bất khuất, trung hậu đảm đang, trang sử vàng chống Mỹ cứu nước, sáng ngời tên những cô gái Việt Nam...". Và hiện nay ở tỉnh Thái Bình vẫn còn rạp Vĩnh Trà, nằm trên đường Hai Bà Trưng, sông Vĩnh Trà…. là kết quả của phong trào kết nghĩa đó.

Các đồng nghiệp của báo Trà Vinh đã đưa đoàn đi tham quan một số di tích, trong đó có Đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh, người dân địa phương vẫn quen gọi là Đền thờ Bác Hồ.  

Được tin có đoàn cán bộ của Báo Thái Bình vào viếng Đền thờ Bác, đồng chí Vĩnh Bình, cán bộ Ban quản lý Khu di tích Đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh tỉnh Trà Vinh, (quê mẹ ở xã Duyên Hải, huyện Hưng Hà) đón tiếp chúng tôi như người nhà. Với giọng nhỏ nhẹ, trầm ấm, thể hiện sự tôn kính Bác, chị giới thiệu với chúng tôi về quá trình xây dựng, chiến đấu bảo vệ ngôi Đền.

Đền tọa lạc tại ấp Vĩnh Hội, xã Long Đức, thành phố Trà Vinh, cách trung tâm tỉnh lỵ Trà Vinh hơn 4 km về phía Bắc. Khu di tích rộng 5,4 ha với các hạng mục chính như: Đền thờ Bác Hồ, nhà trưng bày thân thế sự nghiệp Chủ tịch Hồ Chí Minh, khuôn viên cây xanh, ao cá, khu vui chơi cắm trại, nhà sàn Bác Hồ.….

Ngày 02/9/1969, Chủ tịch Hồ Chí Minh vô vàn kính yêu của chúng ta vĩnh viễn đi xa. Đây là nỗi đau, sự mất mát to lớn không gì bù đắp được của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân Việt Nam. Tin dữ này đã làm bàng hoàng người dân Trà Vinh, người dân Long Đức. Bất chấp sự cấm đoán gắt gao của địch, nhiều gia đình ở Long Đức, ở Trà Vinh đã lập bàn thờ ngày đêm hương khói cho Người. Ý nguyện của nhân dân Long Đức về một nơi khang trang để cộng đồng làng xã bày tỏ lòng thành kính biết ơn Chủ tịch Hồ Chí Minh được đề đạt lên lãnh đạo xã Long Đức, lãnh đạo thị xã Trà Vinh. Đầu năm 1970, Thị ủy Trà Vinh thảo luận, thống nhất và được Tỉnh ủy Trà Vinh chấp thuận chủ trương xây dựng Đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh. Khởi công ngày 10/3/1970 và dự kiến khánh thành vào dịp sinh nhật Bác lần thứ 80. Địa điểm được chọn là vuông giồng cao ráo thuộc ấp Vĩnh Hội - trung tâm của xã, nơi trước đây từng là ngôi đình thờ Thần Thành hoàng bổn cảnh của địa phương. Địa điểm này cách tiểu khu quân sự địch hơn 4 km, cách căn cứ quân sự Mỹ ở Vàm Trà Vinh hơn 2 km, cách sông Cổ Chiên mà tàu chiến địch tuần tra bắn phá không quá 1.500 m, cách đồn địch gần nhất chỉ 400 m…

Khi Đảng bộ, quân dân Long Đức triển khai việc xây dựng ngôi Đền cũng là lúc cao điểm lấn chiếm, bình định của Mỹ ngụy, mà các xã vùng ven tỉnh lỵ như Long Đức là trọng điểm. Địch tăng cường đánh phá bằng bộ binh, biệt kích, máy bay, tàu chiến, pháo binh… vào các ấp thuộc xã Long Đức. Tuy có đội bảo vệ sẵn sàng chiến đấu nhưng để đảm bảo an toàn, việc thi công chủ yếu vào ban đêm. Khi bộ khung hoàn thành thì bị trận pháo địch gây hư hại, phải làm lại từ đầu… Họa sĩ Phong Ba được Ban Tuyên huấn Tỉnh ủy cử về vẽ bức chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh bằng chất liệu sơn dầu, có kích thước 0,78 x 1,00 m từ bức ảnh trắng đen mà một cán bộ tập kết mang về.
Đến ngày 26/01/1971, tức chiều ba mươi tết, ngôi Đền được khánh thành trước sự chứng kiến của đại diện Tỉnh ủy, Thị ủy Trà Vinh cùng một số người dân địa phương. Những ngày sau đó, lấy cớ về quê ăn tết, lần lượt nhiều người dân Long Đức, người dân Trà Vinh đến thắp hương, kính viếng Người.

Phát hiện sự tồn tại của ngôi Đền, địch điên cuồng tổ chức nhiều trận càn quét, đánh phá Long Đức, mục tiêu cuối cùng là hủy diệt ngôi Đền. Ngày 10/3/1971, đích thân tên trung tá Tỉnh trưởng kiêm Tiểu khu trưởng Vĩnh Bình (tên gọi tỉnh Trà Vinh của chính quyền Sài Gòn) ra lệnh mở cuộc hành quân càn quét qui mô lớn, có sự yểm trợ của máy bay trực thăng, xe bọc thép M 113, pháo binh và tàu chiến. Du kích Long Đức cùng du kích ấp Vĩnh Hội đã kiên cường chiến đấu, nhưng với sức mạnh áp đảo, địch dùng súng phun lửa đốt cháy một khoảng lũy tre, rồi cho bọn bộ binh luồn vào đốt cháy ngôi Đền. Riêng bức chân dung Bác Hồ, chúng không dám đốt mà cho người khiêng về dinh Tỉnh trưởng. Ngày hôm sau, hàng trăm quần chúng Long Đức kéo vào cùng quần chúng nội ô đấu tranh đòi địch phải trả bức chân dung. Trước đòi hỏi chính đáng của người dân, tên Tỉnh trưởng buộc phải hứa trả lại nhưng sau đó nuốt lời, giấu mất bức chân dung lịch sử ấy.

Việc xây dựng lại và bảo vệ ngôi Đền được Thị ủy, Thị đội Trà Vinh và Đảng ủy, lực lượng vũ trang và nhân dân Long Đức triển khai một cách chặt chẽ. Chiều ngày 14/02/1972, nhằm ngày ba mươi tết, Đền thờ Bác Hồ được khánh thành lần thứ hai trong niềm hân hoan của cán bộ, chiến sĩ và nhân dân Long Đức. Sự tồn tại của ngôi Đền như cái gai chọc vào mắt địch nên chúng thường xuyên mở nhiều cuộc càn quét, đánh phá. Ngày 03/10/1972, địch cho máy bay đến bắn phá hủy diệt, ngôi Đền bị bốc cháy nhưng tổ bảo vệ và nhân dân Long Đức đã kịp thời dập lửa, bảo vệ được ngôi Đền.

Trong gần 5 năm xây dựng và bảo vệ Đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh, lực lượng vũ trang và nhân dân Long Đức, thị xã Trà Vinh đã phối hợp nhuần nhuyễn ba mũi giáp công, bẻ gãy hàng chục trận càn quét, hàng trăm trận đánh phá bằng máy bay, pháo binh, tàu chiến của địch, loại khỏi vòng chiến đấu hơn 300 tên địch. Hơn 20 cán bộ, chiến sĩ và quần chúng đã anh dũng hy sinh cho sự tồn tại của ngôi Đền, trong đó có nhiều gương hy sinh anh dũng như Nguyễn Văn Lượm, Nguyễn Văn Trị… Đội nữ du kích Long Đức, dưới sự chỉ huy của đồng chí Phan Thị Nhờ đã sát cánh cùng đồng đội nam, dũng cảm chiến đấu, lập nhiều chiến công trong quá trình bảo vệ Đền.

Sự tồn tại hiên ngang của Đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh đã làm cho bọn chỉ huy tiểu khu Vĩnh Bình vô cùng tức tối. Chúng tăng cường các cuộc càn quét, bắn phá khiến mật độ chiến tranh tại Long Đức ngày thêm ác liệt. Đến ngày 29/4/1975, trong cơn giãy chết cuối cùng, bọn chỉ huy tiểu khu Vĩnh Bình còn điên cuồng cho máy bay bắn phá, gây thiệt hại nặng một phần ngôi Đền. Với lòng kính yêu, biết ơn Bác vô hạn, Đảng bộ, lực lượng vũ trang và nhân dân Long Đức sẵn sàng chấp nhận mọi mất mát, hy sinh, kiên cường chiến đấu bảo vệ ngôi Đền. Có thể nói, chính ngôi Đền đã tạo ra sức mạnh kỳ diệu để Đảng bộ, quân dân Long Đức; Đảng bộ, quân dân thị xã Trà Vinh; Đảng bộ, quân dân tỉnh Trà Vinh kiên cường chiến đấu, tiến tới giành thắng lợi cuối cùng giải phóng thị xã Trà Vinh, góp phần giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Mỗi lần vào chiến dịch, các đơn vị vũ trang Trà Vinh đều tập trung về đây, tuyên thệ trước anh linh Bác, nguyện chiến đấu đến cùng cho nền độc lập của Tổ quốc.

Sau ngày thống nhất đất nước, đáp ứng nguyện vọng của nhân dân, Đảng bộ, chính quyền tỉnh Trà Vinh đã nhiều lần trùng tu, tôn tạo cũng như xây dựng mới các hạng mục theo quy hoạch của một khu di tích lịch sử - văn hóa gắn với chức năng du lịch.

Nép mình dưới những lũy tre ngày nào che chở ngôi Đền, nhà bao che được thiết kế theo dạng một đóa sen cách điệu màu hồng tươi. Bên trong, ngôi Đền được phục chế đúng nguyên trạng khiêm tốn, đơn sơ, với kích thước 4 x 4 m ( 16m2) bằng khung gỗ, mái lợp lá, vách tôn. Tại đây, mỗi dịp lễ tết, nhiều đoàn đại biểu đại diện lãnh đạo tỉnh, lực lượng vũ trang và đồng bào các giới trong tỉnh Trà Vinh đến đặt vòng hoa, thắp nén hương thơm, thành kính báo cáo cùng Bác những thành tựu mới đạt được.

 Đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Trà Vinh. Ảnh Thanh Thưởng.

Nhà Trưng bày được xây dựng theo kiến trúc truyền thống dân tộc. Trong đó, nhiều hiện vật, hình ảnh, tài liệu giúp người tham quan hiểu được một cách khái quát về cuộc đời hoạt động của Bác; truyền thống đấu tranh kiên cường, bất khuất trong kháng chiến và những thành tựu trong công cuộc đổi mới của Đảng bộ, nhân dân tỉnh Trà Vinh; quá trình xây dựng và chiến đấu bảo vệ ngôi Đền.

Công viên với hồ sen lớn hài hòa cùng hệ thống cây xanh, hoa kiểng quanh năm khoe sắc tạo ra khu vui chơi, giải trí đa dạng, hấp dẫn. Trong đó, những tán cây cổ thụ và lũy tre bao quanh cùng hệ thống hầm hào, công sự là chứng nhân của quá trình xây dựng, chiến đấu bảo vệ ngôi Đền được phục hồi và bảo quản một cách nghiêm túc, chu đáo.

Năm 1989, Đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Long Đức (Trà Vinh) đã được Bộ Văn hóa - Thông tin xếp hạng là di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia và được tỉnh Trà Vinh chọn làm biểu trưng của tỉnh.

Theo nguyện vọng của nhân dân tỉnh Trà Vinh, Ban Bí thư Trung ương Đảng cho phép tỉnh Trà Vinh phục chế mô hình Nhà sàn Bác Hồ với tỷ lệ 97% trong khuôn viên di tích Đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh để nhân dân trong, ngoài tỉnh tham quan, tìm hiểu một cách đầy đủ hơn về thân thế, sự nghiệp và phong cách sống giản dị, gần gũi của Bác Hồ.
       

Ảnh: dulichtravinh.com.vn


Hợp Hưng