Thứ 7, 23/11/2024, 00:23[GMT+7]

Hành trình đi tìm tư liệu, hiện vật

Thứ 2, 27/05/2019 | 14:22:35
1,098 lượt xem
Để công chúng tham quan hiểu hơn các giá trị văn hóa, lịch sử về mảnh đất, con người Thái Bình qua từng thời kỳ, những người làm công tác nghiên cứu, sưu tầm tại Bảo tàng tỉnh đã tìm đến các bảo tàng, các đơn vị, tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh để khai thác tư liệu, hình ảnh, hiện vật. Hành trình của họ tuy khó khăn, vất vả nhưng thật ý nghĩa.

Bảo tàng tỉnh trưng bày chuyên đề về bộ đội Trường Sơn.

Nhiều năm gắn bó với công tác nghiên cứu, sưu tầm tư liệu hình ảnh, hiện vật tại Bảo tàng tỉnh, anh Phạm Văn Thuyên, Phòng Nghiên cứu, sưu tầm, kiểm kê, bảo quản có nhiều kỷ niệm khi đi khai thác tư liệu tại cơ sở, trong đó ấn tượng nhất với anh là chuyến đi 10 ngày qua 6 địa phương: Hà Nội, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Bắc Kạn, Bắc Giang, Lào Cai để sưu tầm các hiện vật, hình ảnh, tư liệu về Đại tướng Hoàng Văn Thái - vị Tổng tham mưu trưởng đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam, người con ưu tú của quê hương Tiền Hải. 

Anh Thuyên chia sẻ: Để tìm nguồn tư liệu, hình ảnh trưng bày về Đại tướng, đoàn công tác phải tới bảo tàng các tỉnh tìm hiểu bởi đây là đầu mối quan trọng lưu giữ các hiện vật, tư liệu, hình ảnh về Đại tướng Hoàng Văn Thái. Khi đến các bảo tàng, chúng tôi khám phá được rất nhiều điều, trong đó có nhân vật Ma Văn Thắng, người nổi tiếng với kỷ lục vận chuyển hàng bằng xe đạp thồ trong kháng chiến lại là người từng nấu ăn cho Đại tướng trong thời gian ngắn. Qua đó, chúng tôi đã chụp được một số kỷ vật như chiếc áo, chiếc nồi đồng dùng để nấu cơm cho Đại tướng... Trên mỗi hành trình, đến và khám phá được những hình ảnh, tư liệu, chúng tôi rất vui và tự hào. Bởi kết quả thu được sẽ giúp nhiều người hiểu rõ hơn về cuộc đời, sự nghiệp cách mạng của Đại tướng Hoàng Văn Thái.

Gắn bó với công tác nghiên cứu, sưu tầm hiện vật, ai cũng hiểu được đây là một công việc không hề đơn giản. Trước mỗi đợt trưng bày, cán bộ sưu tầm của Bảo tàng tỉnh phải xây dựng kế hoạch, dành thời gian nghiên cứu, tìm hiểu thông tin về những nhân vật liên quan. Nguồn thông tin chủ yếu lấy từ báo, đài, tài liệu... Sau đó, cán bộ sưu tầm sẽ xuống cơ sở tìm hiểu, xác thực. Tuy nhiên, không phải lúc nào hành trình đi tìm hiện vật, tư liệu, hình ảnh cũng thuận lợi.

Dù mới làm công tác nghiên cứu, sưu tầm được hơn một năm nhưng khi xuống cơ sở khai thác tư liệu cũng để lại nhiều cảm xúc cho chị Phạm Thị Chanh, nhân viên Bảo tàng tỉnh. 

Chị Chanh chia sẻ: Hiện vật thường gắn với kỷ niệm của các nhân vật, đó là một phần trong ký ức của họ. Vì thế, để nhân vật trao tặng cho Bảo tàng tỉnh, chúng tôi phải mất thời gian đi lại nhiều lần, tuyên truyền, vận động để các tổ chức, cá nhân trao tặng. Trong số những hiện vật, tư liệu sưu tầm được không phải cái nào cũng được trưng bày song cán bộ Bảo tàng tỉnh vẫn lưu trữ lại để phục vụ cho các đợt trưng bày khác có nội dung liên quan. Sau khi sưu tầm được hiện vật, cán bộ Bảo tàng tỉnh phải khai thác nội dung, lập hồ sơ về hiện vật. Quá trình lập hồ sơ cũng khá mất thời gian bởi có những hiện vật, người sưu tầm phải đọc tài liệu để đối chứng với nguồn thông tin cung cấp từ đơn vị, cá nhân trao tặng.

Để có thể gắn bó lâu dài với công việc, những người làm công tác nghiên cứu, sưu tầm phải yêu công việc, nắm chắc chuyên môn và có sức khỏe thực hiện những hành trình dài. Chủ đề trưng bày thay đổi theo từng năm, đôi khi phải thực hiện trưng bày chuyên đề trong thời gian gấp, ngắn. Tuy nhiên, những người làm công tác sưu tầm đã rất nỗ lực để có thể sưu tầm được nhiều nguồn tư liệu quý giới thiệu tới khách tham quan. Nhờ đó, ngoài hình ảnh, hiện nay, Bảo tàng tỉnh có rất nhiều hiện vật quý như: chiếc xe của Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Trần Văn Lai, bức thư của anh hùng Đặng Tiến Lợi, chiếc áo dính máu của anh hùng Trần Bình...

Chị Cao Thị Thơi, Trưởng phòng Nghiên cứu, sưu tầm, kiểm kê, bảo quản, Bảo tàng tỉnh cho biết: Bám sát tình hình kinh tế, văn hóa, xã hội, các sự kiện, hoạt động lớn của tỉnh, hàng năm, Phòng Nghiên cứu, sưu tầm, kiểm kê, bảo quản đều xây dựng kế hoạch sưu tầm hiện vật, tư liệu, hình ảnh để trưng bày, triển lãm phục vụ nhu cầu tham quan, tìm hiểu của nhân dân. Trong năm 2019, ngoài chuyên đề 60 năm bộ đội Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh, Bảo tàng tỉnh sẽ tổ chức trưng bày chuyên đề về nông nghiệp, nông thôn Thái Bình. Mỗi hình ảnh, tư liệu sưu tầm sẽ góp phần mang đến cho khách tham quan cái nhìn đầy đủ, rõ nét hơn về mảnh đất, con người Thái Bình.

Hoàng Lanh