Thứ 7, 23/11/2024, 12:22[GMT+7]

Cần khẩn trương xây dựng đề án “Phát triển chăn nuôi đại gia súc theo mô hình chuỗi liên kết”

Thứ 4, 29/05/2019 | 19:18:51
2,607 lượt xem
Đó là chỉ đạo của đồng chí Nguyễn Hồng Diên, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh tại hội nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy diễn ra chiều ngày 29/5.

Đoàn công tác của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tỉnh Thái Bình tham quan trang trại nuôi bò của Công ty Cổ phần T&T 159 tỉnh Hòa Bình. Ảnh minh họa

Audio: 3005_thoia_channuoidaigiasuc_mixdown.mp3

 

Các đồng chí: Đặng Trọng Thăng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Ngô Đông Hải, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy; lãnh đạo một số sở, ngành liên quan dự hội nghị.

Tại hội nghị, các đại biểu nghe đồng chí Ngô Đông Hải, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy thay mặt Thường trực Tỉnh ủy báo cáo về việc xây dựng đề án “Phát triển chăn nuôi đại gia súc theo mô hình chuỗi liên kết”. 

Những năm qua, cấp ủy, chính quyền các cấp trong tỉnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện có hiệu quả các biện pháp phát triển ngành chăn nuôi, từng bước đưa chăn nuôi trở thành ngành sản xuất chính. Tuy nhiên, chăn nuôi đại gia súc (đàn trâu, bò) ở tỉnh ta chưa được chú trọng phát triển. Trong khi đó, những năm qua, đàn lợn và đàn gia cầm phát triển khá mạnh nhưng đây là những đối tượng vật nuôi chịu ảnh hưởng nặng nề của nhiều bệnh dịch. Đặc biệt, từ tháng 2/2019 đến nay, tỉnh ta chịu thiệt hại nặng nề bởi bệnh dịch tả lợn châu Phi với số lợn tiêu hủy đến nay chiếm tới 1/3 tổng đàn với trọng lượng lợn đã tiêu hủy gần 17.000 tấn. Mặc dù Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã tập trung chỉ đạo, huy động cả hệ thống chính trị cùng với các tầng lớp nhân dân thực hiện tổng lực các biện pháp quyết liệt bao vây dập dịch song đến nay bệnh dịch vẫn tiếp tục phát sinh, ảnh hưởng nghiêm trọng đến phát triển chăn nuôi lợn, gây tổn thất về kinh tế, ảnh hưởng lớn đến môi trường và đời sống nhân dân. 

Trước tình hình trên, Thường trực Tỉnh ủy xác định cần có định hướng mới để chuyển đổi sinh kế cho người chăn nuôi, chuyển đổi cơ cấu chăn nuôi của tỉnh, bù đắp sự thiếu hụt về nguồn cung thịt lợn, bảo đảm tốc độ tăng trưởng ngành Nông nghiệp và góp phần nâng cao đời sống của nhân dân. 

Vừa qua, Thường trực Tỉnh ủy đã tổ chức đoàn công tác đến làm việc với lãnh đạo tỉnh Hòa Bình và tham quan, tìm hiểu thực tế mô hình chăn nuôi bò giống và bò thịt cao sản tập trung theo chuỗi liên kết. Qua buổi tham quan, Thường trực Tỉnh ủy nhận thấy: Phát triển chăn nuôi đại gia súc, nhất là chăn nuôi bò theo mô hình liên kết sản xuất  giữa doanh nghiệp, hợp tác xã nông nghiệp và các hộ dân là mô hình chăn nuôi có hiệu quả kinh tế cao và bền vững, phù hợp với điều kiện thực tế của tỉnh Thái Bình. Từ thực tế đó, Thường trực Tỉnh ủy đề xuất Ban Thường vụ Tỉnh ủy giao Ban Cán sự đảng UBND tỉnh chỉ đạo xây dựng đề án: “Phát triển chăn nuôi đại gia súc theo mô hình chuỗi liên kết”.

Phát biểu kết luận, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh khẳng định: Phát triển chăn nuôi đại gia súc theo mô hình chuỗi liên kết là việc làm cần thiết trong điều kiện hiện nay để thay thế đàn lợn chịu thiệt hại nặng nề bởi bệnh dịch tả châu Phi. Theo khuyến cáo của ngành chuyên môn phải mất từ 3-4 năm sau khi công bố hết dịch mới tái đàn được nên trong thời gian đó cần phải có con vật nuôi khác để thay thế, vì vậy cần khẩn trương xây dựng đề án “Phát triển chăn nuôi đại gia súc theo mô hình chuỗi liên kết”.  

Vì vậy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy thống nhất xây dựng đề án “Phát triển chăn nuôi đại gia súc theo mô hình chuỗi liên kết” để thay thế dần việc chăn nuôi lợn, hạn chế rủi ro, tạo sinh kế cho người dân, đáp ứng nhu cầu của thị trường. Giao Ban Cán sự đảng UBND tỉnh khẩn trương chỉ đạo xây dựng đề án này với quy mô tổng đàn trong 5 năm tới gấp 3 lần hiện nay, trình Ban Thường vụ Tỉnh ủy trước ngày 15/6/2019. Kèm theo đề án xây dựng cơ chế khuyến khích về vốn, giống, khoa học kỹ thuật để thực hiện.

Mạnh Cường