Thứ 7, 23/11/2024, 05:31[GMT+7]

Con bò sinh kế ở Tiền Hải (Kỳ 1)

Thứ 5, 06/06/2019 | 17:49:49
4,484 lượt xem
Nhà nước đầu tư nhiều triệu đồng mua bò giống hỗ trợ người nghèo phát triển chăn nuôi để vươn lên thoát nghèo thế nhưng chỉ sau một thời gian ngắn thậm chí rất ngắn được nhận bò hỗ trợ nhiều hộ đã bán bò lấy tiền sử dụng vào mục đích khác. Chuyện xảy ra ở xã Đông Hải (Tiền Hải).

Hộ nghèo, cận nghèo của huyện Tiền Hải nhận bò giống hỗ trợ sinh kế.

Kỳ 1: Nhận bò... đem bán

Năm 2018, xã Đông Hải được thực hiện dự án nuôi bò phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế trên địa bàn huyện Tiền Hải giai đoạn 2018 - 2020. 27 con bò giống đã được hỗ trợ cho hộ nghèo và hộ cận nghèo. Trái với kỳ vọng ban đầu, đàn bò giống không phát triển thêm mà đến nay đã bị các hộ bán đi gần hết, không báo cáo với chính quyền địa phương và ngành chức năng.

Muôn vàn lý do để bán bò

Tháng 12/2018, bà Trần Thị Bưởi ở thôn Tân Hải, xã Đông Hải được hỗ trợ 1 con bò giống trị giá 15 triệu đồng từ dự án nuôi bò phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế trên địa bàn huyện Tiền Hải. Thế nhưng, chỉ sau chưa đầy 3 tháng, bà đã đem bán con bò được hỗ trợ với giá 8,5 triệu đồng.

Khi chúng tôi hỏi lý do tại sao bán bò, bà Bưởi cho biết: Sau khi nhận bò về nuôi, tôi phấn khởi lắm và tự nhủ sẽ chăm sóc bò cẩn thận để nó sinh sản ra bê con rồi nó sẽ nuôi mình. Thế nhưng năm nay tôi đã 80 tuổi, sức khỏe yếu, thường xuyên ốm đau, sau một thời gian chăm bò càng phát sinh thêm nhiều bệnh, không chăm nổi đành phải đem bán đi. Lúc nhận bò, chính quyền địa phương cũng quán triệt tuyệt đối không được bán bò nhưng hoàn cảnh vậy tôi lỡ bán rồi cũng không báo cho lãnh đạo xã. Số tiền bán bò tôi cũng đã chi tiêu hết, giờ già yếu thế này không làm được việc gì, trong nhà cũng chẳng có tài sản đáng giá, nếu xã yêu cầu trả lại tiền tôi cũng không biết lấy đâu ra mà trả.

Lễ bàn giao bò giống hỗ trợ sinh kế cho hộ nghèo, cận nghèo ở huyện Tiền Hải.

Giống như bà Bưởi, ông Trần Xuân Nhẫn ở thôn Thành Long sau khi nhận bò hỗ trợ trị giá 15 triệu đồng cũng đem bán với giá 6 triệu đồng.

Ông Nhẫn chia sẻ: Người nghèo chúng tôi cảm ơn Đảng, Nhà nước đã quan tâm hỗ trợ kế sinh nhai. Ngặt nỗi, hai vợ chồng tôi năm nay đều gần 80 tuổi, già yếu, bệnh tật lại nuôi cháu ngoại đang học cấp 3, hoàn cảnh gia đình rất khó khăn, nợ nần, túng thiếu. Chủ nợ thấy có bò trong nhà liên tục đến thúc ép đòi nợ mà bò nuôi một thời gian lại không ăn nên đành phải bán đi để trả nợ.

Gia đình bà Bưởi, ông Nhẫn là 2 trong số 27 hộ nghèo và cận nghèo của xã Đông Hải được hỗ trợ bò giống để tạo kế sinh nhai, vươn lên thoát nghèo. Thế nhưng theo báo cáo của UBND xã, đến ngày 17/5/2019, Đông Hải có tới 21/27 hộ nghèo và cận nghèo đã bán bò lấy tiền chi tiêu vào việc khác; 3 hộ bán bò dự án cấp để mua bò khác.

Vì đâu nên nỗi?

Ông Phạm Văn Hào, Chủ tịch UBND xã Đông Hải cho biết: Đông Hải là xã khó khăn nên khi được tiếp nhận dự án nuôi bò phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế, cấp ủy, chính quyền địa phương và nhân dân rất phấn khởi. Xã đã tổ chức họp, bình xét, công khai 27 hộ của thôn Thành Long và Tân Hải được hỗ trợ bò giống sinh kế, trong đó có 13 hộ nghèo và 14 hộ cận nghèo. Mỗi hộ nghèo được hỗ trợ 1 con bò giống trị giá 15 triệu đồng, hộ cận nghèo được hỗ trợ 1 con bò giống trị giá 12 triệu đồng; các hộ phải đối ứng 4,5 triệu đồng làm chuồng, chi phí thức ăn và tiêm phòng cho bò.

Lý giải nguyên nhân tại sao Đông Hải vẫn còn nhiều hộ nghèo mà lại hỗ trợ bò giống sinh kế cho hộ cận nghèo, ông Hào cho biết: Sau khi bình xét những hộ nghèo được hỗ trợ bò giống sinh kế nhưng có một số hộ nghèo vì lý do sức khỏe, hoàn cảnh gia đình đã có đơn xin không nhận bò hỗ trợ nên xã xét hỗ trợ bò cho hộ cận nghèo. Các thôn đã họp bình xét từng hộ và niêm yết công khai tại nhà văn hóa thôn, không ai có ý kiến gì.

Ngày 26/12/2018, UBND xã đã tổ chức lễ giao nhận bò cho các hộ. Khi nhận bò, các hộ đều rất phấn khởi, không ai có ý kiến thắc mắc. Trong biên bản bàn giao bò, Chủ tịch UBND xã đã quán triệt rất rõ các hộ được nhận bò hỗ trợ phải có trách nhiệm chăm sóc bò và không được tự ý bán, đổi bò cho nhau nếu không có sự đồng ý của cấp có thẩm quyền.

Tuy nhiên, đến ngày 3/1/2019, tức là chỉ sau 8 ngày giao bò cho các hộ thì UBND xã tiếp nhận thông tin có một số hộ có tư tưởng bán bò vì điều kiện ốm đau và có khó khăn về kinh tế. UBND xã đã ra thông báo về việc chăm sóc bảo vệ đàn bò thuộc dự án nhưng một số hộ vẫn bán bò là hộ các ông Trần Xuân Nhẫn, Bùi Văn Nghị.

Sau đó, xã tiếp tục ra thông báo về việc chăm sóc, bảo vệ đàn bò thuộc dự án, thành lập đoàn kiểm tra sức khỏe cho đàn bò và phát hiện một số hộ đã bán bò hoặc bán bò thuộc dự án rồi mua bò khác về nuôi. UBND xã tiến hành lập biên bản với từng hộ, theo đó yêu cầu các hộ đã bán bò thì mua bò hoàn trả dự án, các hộ còn bò thì chăm sóc và bò có mắc bệnh thì phải báo cáo với chính quyền không được tự ý bán bò.

Trao bò giống hỗ trợ sinh kế cho hộ nghèo, hộ cận nghèo của huyện Tiền Hải.

Bất chấp những việc làm của chính quyền địa phương, các hộ nhận bò hỗ trợ từ dự án vẫn tiến tục bán bò. Trước tình hình đó, UBND xã đã họp, yêu cầu các hộ ký cam kết phải trông nom, chăm sóc bò cẩn thận, các hộ đã trót bán bò phải chuộc lại, nếu không chuộc được phải mua bò khác về thay thế. Song, bò vẫn bị bán đi, đàn bò được hỗ trợ của xã Đông Hải cứ ngót dần, đến giữa tháng 5 chỉ còn 6 con và cũng không ai dám chắc từ giờ đến năm 2020 (thời gian hết hạn của dự án) số bò còn lại sẽ không bị bán nữa.

Biện minh cho việc bán bò hỗ trợ sinh kế, các hộ dân đưa ra rất nhiều lý do: Trước đây, bò được nuôi theo đàn nhưng khi đưa bò về địa phương nuôi từng con tại các hộ, thời tiết khí hậu thay đổi nên một số bị ngã nước, mắc bệnh; do sức khỏe yếu, không có điều kiện chăn nuôi, bò nuôi không phát triển, không có nơi chăn thả bò, gia đình quá khó khăn, quá cần tiền nên bán...

Trong khi Nhà nước phải bỏ ngân sách mua mỗi con bò với giá 12-15 triệu đồng để hỗ trợ cho các hộ nghèo, cận nghèo của xã Đông Hải thì các hộ lại tự ý đem bán với giá chỉ từ 6 - 8,5 triệu đồng/con. Điều đó không chỉ thể hiện sự thiếu ý thức của những hộ dân này mà còn cho thấy sự buông lỏng quản lý của chính quyền địa phương, làm thất thoát tiền hỗ trợ của Nhà nước.

Xóa đói giảm nghèo là chính sách nhân văn, thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, của địa phương đối với những người nghèo. Trong khi còn rất nhiều hộ nghèo cần được giúp đỡ, thì một số hộ dân xã Đông Hải lại đem bán bò được hỗ trợ sinh kế, đây không chỉ là việc làm thiếu ý thức mà còn thể hiện hành động cố tình trục lợi chính sách, chẳng những bản thân họ không muốn thoát nghèo mà còn làm mất đi cơ hội thoát nghèo của nhiều người nghèo khác và ảnh hưởng không nhỏ đến mục tiêu giảm nghèo bền vững của địa phương.

(còn nữa)

Nguyễn Hình – Phan Lợi