Thứ 3, 23/07/2024, 17:29[GMT+7]

Tổ tự quản ở Bình Định: Mô hình nhỏ, hiệu quả lớn

Thứ 2, 24/06/2019 | 09:57:19
1,100 lượt xem
Xã Bình Định (Kiến Xương) có 98 tổ dân cư tự quản. Đây là mô hình đã giúp địa phương củng cố và gắn kết cộng đồng dân cư, thắt chặt tình làng nghĩa xóm, đồng thời phát huy tốt dân chủ ở cơ sở, “cầu nối” đưa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với người dân, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.

Mô hình các tuyến đường tự quản được Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Bình Định triển khai và thực hiện hiệu quả.

Giai đoạn từ năm 2003 - 2007, Bình Định thành lập các mô hình tự quản về an ninh trật tự theo quy mô toàn thôn. Mỗi thôn có một mô hình, thành viên từ 18 - 20 người nhưng hiệu quả không cao bởi quy mô hoạt động quá rộng, nội dung sinh hoạt đơn điệu... Xét thấy còn nhiều vấn đề cần chuyển tải tới người dân và nhiều vấn đề cần bàn bạc dân chủ để người dân tổ chức thực hiện nên cần có loại mô hình càng nhỏ để người dân được biết, tự bàn bạc và tổ chức thực hiện nên năm 2008, Bình Định chuyển sang xây dựng tổ tự quản ở cộng đồng dân cư. Mô hình được làm điểm ở thôn Hưng Đạo với 11 tổ dân cư, mỗi tổ từ 20 - 30 hộ gia đình là các hộ liền kề nhau trong một khu dân cư, cùng một tuyến đường hoặc cùng một ngõ. Mỗi tổ có một tổ trưởng, một tổ phó do tổ thống nhất lựa chọn và bầu ra là những người có uy tín, nhiệt tình trách nhiệm và có sự quy tụ, đồng thời tất cả mọi người trong tổ dân cư đều là thành viên tổ tự quản. 

Qua một năm hoạt động,  các phong trào của thôn Hưng Đạo đã có chuyển biến rõ rệt, tình hình an ninh trật tự được bảo đảm hơn, việc tự hòa giải những mâu thuẫn, xích mích phát sinh trong cộng đồng dân cư được quan tâm. Chính vì thế, hết năm 2008 Bình Định có 98 tổ dân cư tự quản đi vào hoạt động ở 8/8 thôn.

Kinh nghiệm thực tế ở Bình Định cho thấy tổ tự quản càng nhỏ thì hiệu quả hoạt động càng cao vì người dân dễ bảo nhau, tự phòng và tự bảo vệ cho chính mình, cho mọi gia đình. Các tổ tự quản giúp cho địa phương làm rất nhiều việc khi huy động nguồn lực từ nhân dân. 

Theo ông Bùi Ngọc Trìu, Chủ tịch UBND xã Bình Định: Từ khi có mô hình tự quản ở khu dân cư, mọi vấn đề phát sinh từ cơ sở đều thông qua khu dân cư kịp thời phát hiện, hòa giải ngay từ cơ sở, không có đơn thư vượt cấp kéo dài, không có trọng án. Đặc biệt, trong xây dựng nông thôn mới, mặc dù không phải là xã làm điểm của huyện nhưng Bình Định đã về đích sớm, đến nay chưa có ý kiến thắc mắc, kiến nghị nào từ người dân vì tất cả đều giao cho cộng đồng dân cư tự đứng lên tổ chức thi công, việc đóng góp, bàn bạc, giám sát, hưởng thụ đều ở tổ dân cư. Hay như nhiệm vụ bảo vệ môi trường, lắp điện chiếu sáng, xã cũng giao cho khu dân cư và hỗ trợ bóng điện, nhân dân tự lắp đặt, bảo vệ và góp tiền điện chiếu sáng.

Ông Bùi Văn Tạo, Tổ trưởng Tổ dân cư số 13, thôn Hòa Bình cho biết: Xác định tổ dân cư là cánh tay nối dài của cấp ủy, lãnh đạo thôn nên ngay sau khi được quán triệt nghị quyết của cấp ủy, chúng tôi triển khai ở tổ dân cư và thống nhất trong các đồng chí đảng viên để thực hiện. Điển hình như trong xây dựng nông thôn mới thời điểm năm 2012 - 2013 có nhiều khó khăn, nhiều người chưa đồng tình ủng hộ chủ trương của xã. Tuy nhiên, tổ đã vận động trước hết là đảng viên, sau đó vận động con em đi xa đóng góp kinh phí để xây kè và làm 200m đường bê tông rộng từ 3,5 - 4m. Cùng với đó là triển khai lắp đặt hệ thống đèn compac ở tổ dân cư và tới năm 2018 tiếp tục phát động người dân mua hệ thống đèn led để lắp đặt. Nhờ có sự đóng góp của người dân, hệ thống điện, đường ngõ xóm đã khang trang, tình hình an ninh trật tự trong khu dân cư được bảo đảm. Trong sản xuất, nếu như trước đây bà con chỉ sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, canh tác theo phương thức truyền thống thì những năm qua tổ đã vận động bà con cấy lúa giống đem lại giá trị kinh tế cao theo hình thức doanh nghiệp cấp giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và đầu ra sản phẩm, bà con chỉ việc thực hiện theo đúng quy trình sản xuất. Với hình thức này, tới nay tổ đã có 26 hộ gia đình đăng ký cấy giống lúa TBR225.

Có thể khẳng định, các mô hình tự quản ở Bình Định đều mang tính sáng tạo, phong phú, phù hợp với điều kiện thực tế, môi trường ở nông thôn. Tuy nhiên, hiện nay các tổ tự quản đều hoạt động theo hình thức tự nguyện, tự giác nên khó khăn. Vì vậy, cấp ủy, chính quyền xã Bình Định đề nghị cấp trên quan tâm hỗ trợ một phần kinh phí để duy trì thực hiện tốt các mô hình tự quản của xã nói riêng, các địa phương khác nói chung.

Thu Thủy