Thứ 2, 25/11/2024, 13:23[GMT+7]

Khẩn trương đối phó với dịch cúm A/H5N6 trên đàn gia cầm

Thứ 6, 19/07/2019 | 08:54:51
1,731 lượt xem
Từ cuối tháng 6/2019 đến nay, trên địa bàn tỉnh xuất hiện ổ dịch cúm A/H5N6 tại xã Thụy Hồng (Thái Thụy) và xã Bình Minh (Kiến Xương). Trước diễn biến của tình hình dịch bệnh và nguy cơ lây lan, các cấp, ngành, địa phương trong tỉnh đang quyết liệt thực hiện các biện pháp phòng, chống không để dịch bùng phát.

Lực lượng thú y viên phun hóa chất tiêu độc, khử trùng trong và ngoài khu vực chăn nuôi.

Ổ dịch cúm gia cầm đầu tiên phát sinh tại gia đình ông Nguyễn Đức Thuần, thôn Lưu Đồn, xã Thụy Hồng (Thái Thụy). 

Ông Thuần cho biết: Đàn vịt nhà tôi có trên 700 con. Ngày 23/6, nhiều con vịt trong đàn ốm, bỏ ăn và chết không rõ nguyên nhân. Tôi nhanh chóng báo cho chính quyền địa phương và được cán bộ thú y đến lấy mẫu xét nghiệm, đồng thời tiêu hủy ngay những con vịt ốm, chết theo quy định. Sau khi có kết quả xét nghiệm vịt chết do dương tính với cúm A/H5N6, gia đình tôi chấp hành việc tiêu hủy toàn bộ đàn vịt còn lại và thực hiện các biện pháp vệ sinh, tiêu độc, khử trùng chuồng trại, khu vực chăn nuôi.

Cũng vào đầu tháng 7/2019, trên địa bàn huyện Kiến Xương phát hiện ổ dịch cúm A/H5N6 tại hai hộ chăn nuôi của xã Bình Minh và phải tiêu hủy 2.714 con gia cầm. UBND huyện Kiến Xương đã chỉ đạo các phòng, ban, đơn vị liên quan phối hợp với địa phương phát sinh ổ dịch tổ chức tiêu hủy ngay đàn gia cầm, thực hiện nghiêm các biện pháp xử lý dịch theo quy định, trong đó tập trung khoanh vùng ổ dịch, thực hiện tiêu độc, khử trùng, tiêm phòng bổ sung vắc-xin cho đàn gia cầm; tăng cường giám sát và lấy mẫu xét nghiệm vi rút cúm trên đàn gia cầm tại các khu vực có nguy cơ cao; thành lập các chốt kiểm dịch động vật để kiểm soát các phương tiện vận chuyển động vật, sản phẩm động vật trên địa bàn. Các địa phương trên địa bàn huyện cũng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, khuyến cáo người dân về tác hại và sự nguy hiểm của dịch cúm gia cầm; hướng dẫn thực hiện các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, phòng, chống dịch cúm gia cầm, hạn chế chăn nuôi thả đồng; khi xuất hiện gia cầm chết bất thường chưa rõ nguyên nhân thì các hộ chăn nuôi phải kịp thời báo với chính quyền địa phương xử lý theo quy định.

Hiện nay, tổng đàn gia cầm toàn tỉnh khoảng trên 13 triệu con. Thời gian qua, bệnh dịch tả lợn châu Phi bùng phát gây thiệt hại lớn cho người chăn nuôi, nhiều hộ chuyển sang chăn nuôi gia cầm thay thế chăn nuôi lợn khiến cho đàn gia cầm tăng mạnh. 

Ông Đỗ Quý Phương, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: Để chủ động phòng bệnh và kịp thời phát hiện, xử lý, khống chế sự bùng phát của dịch cúm gia cầm, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có văn bản yêu cầu các huyện, thành phố tăng cường giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh trên đàn gia cầm, phát hiện sớm, xử lý dịch kịp thời ngay khi mới phát sinh trong diện hẹp. Thực hiện nghiêm túc quy định về khai báo dịch bệnh khi có gia cầm ốm, chết; kiên quyết xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân giấu dịch, bán chạy làm lây lan dịch bệnh. Tổ chức vệ sinh, tiêu độc, khử trùng phòng, chống dịch bệnh cho đàn gia cầm tại các vùng có nguy cơ cao như chợ, bến, bãi, các điểm thu mua, tập kết, vận chuyển gia cầm; hướng dẫn người chăn nuôi thường xuyên vệ sinh, tiêu độc, khử trùng môi trường chăn nuôi. Tổ chức ngay việc tiêm phòng vắc-xin cúm cho đàn gia cầm tại các địa phương; hướng dẫn người chăn nuôi thực hiện các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, tăng cường quản lý, chăm sóc, nuôi dưỡng đàn gia cầm. Tăng cường công tác quản lý, kiểm tra, giám sát việc vận chuyển, kinh doanh, buôn bán gia cầm tại các chợ, cơ sở ấp nở, nuôi úm gia cầm giống, bến phà, đò, cầu, nơi giáp ranh với các tỉnh; phối hợp chặt chẽ với lực lượng chức năng xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định về kiểm dịch, phòng, chống dịch bệnh trong kinh doanh, vận chuyển gia cầm. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về bệnh cúm gia cầm và thực hiện nghiêm túc “5 không” trong phòng, chống dịch cúm gia cầm; thực hiện các biện pháp phòng lây nhiễm cúm gia cầm sang người.

Ông Phạm Thành Nhương, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y

Các địa phương phát sinh dịch cúm cần thực hiện nghiêm các biện pháp xử lý ổ dịch theo phụ lục số 09 về hướng dẫn phòng, chống bệnh cúm gia cầm (ban hành kèm theo Thông tư số 07/2016/TT-BNNPTNT ngày 31/5/2016 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định về phòng, chống dịch bệnh động vật trên cạn). Trong đó, thực hiện ngay việc tiêu hủy đàn gia cầm mắc bệnh; tiêm phòng khẩn cấp cho gia cầm khỏe mạnh tại các nơi xảy ra dịch; thực hiện các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học; tăng cường quản lý, chăm sóc, nuôi dưỡng đàn gia cầm; thường xuyên vệ sinh, tiêu độc, khử trùng môi trường chăn nuôi để hạn chế mầm bệnh phát sinh.

Bà Bùi Thị Minh Thành, Phụ trách Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Kiến Xương

Sau khi phát hiện ổ dịch cúm gia cầm trên địa bàn xã Bình Minh, lực lượng chuyên môn của huyện, xã đã phối hợp tiêu hủy toàn bộ số gia cầm theo quy định; tiến hành thống kê, rà soát tổng đàn gia cầm, tăng cường công tác giám sát để kịp thời phát hiện sớm các ổ dịch. Địa phương đã sử dụng 76 lít hóa chất và 1.650kg vôi bột để thực hiện công tác vệ sinh, tiêu độc, khử trùng toàn bộ khu vực chăn nuôi của hộ có gia cầm mắc bệnh, thôn có dịch và trên địa bàn xã; tiến hành tiêm phòng bao vây ổ dịch để khống chế, tránh lây lan dịch với tổng số vắc-xin đã sử dụng là 3.000 liều.

Ông Đặng Văn Tuyệt, thôn Nguyên Kinh 2, xã Minh Hưng (Kiến Xương)

Bệnh dịch tả lợn châu Phi xảy ra khiến kinh tế của gia đình tôi thiệt hại rất lớn khi phải tiêu hủy đàn lợn hơn 40 con. Tôi thiết kế lại chuồng trại chuyển sang chăn nuôi gia cầm với hơn 3.000 con ngan, gà, vịt. Dịch cúm gia cầm phát sinh khiến tôi rất lo lắng, để bảo vệ đàn gia cầm tôi đã tiến hành tiêm phòng bổ sung vắc-xin cúm, chú trọng công tác chăm sóc, nuôi dưỡng để tăng cường sức đề kháng cho gia cầm, thường xuyên vệ sinh, tiêu độc, khử trùng môi trường chăn nuôi đồng thời quản lý việc nuôi nhốt, không thả vịt ra đồng.


Thanh Huyền