Thứ 7, 21/12/2024, 19:07[GMT+7]

Hành trình tìm về địa chỉ đỏ

Thứ 7, 27/07/2019 | 08:47:14
3,407 lượt xem
Những ngày tháng 7, trong cái nắng chói chang phủ khắp dải đất miền Trung, cùng với dòng người tìm về địa chỉ đỏ, đoàn đại biểu tỉnh Thái Bình vào với mảnh đất Quảng Trị anh dũng, kiên cường để tri ân các anh hùng liệt sĩ.

Thành cổ Quảng Trị, nơi hàng nghìn chiến sĩ đã hy sinh để bảo vệ Thành cổ và thị xã Quảng Trị.

Điểm đến đầu tiên trong hành trình là Di tích quốc gia đặc biệt Thành cổ Quảng Trị, nơi ghi dấu cuộc chiến đấu anh dũng, kiên cường của quân và dân ta trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Thành cổ Quảng Trị thuộc thị xã Quảng Trị, cách quốc lộ 1A khoảng 2km về phía Đông. Nơi đây, Mỹ - ngụy đã tập trung lực lượng đông và mạnh, trung bình mỗi ngày Mỹ huy động từ 150 - 170 lượt máy bay phản lực, từ 70 - 90 lượt máy bay B52 ném bom hủy diệt. Trong 81 ngày đêm bảo vệ Thành cổ và thị xã Quảng Trị, hàng nghìn chiến sĩ đã anh dũng hy sinh. Đến Thành cổ, được tìm hiểu về mảnh đất anh dũng và đau thương này, chứng kiến từng đoàn người tiếp nối vào thăm Thành cổ càng cảm nhận rõ hơn sức mạnh Việt Nam, sức mạnh của tình yêu nước nồng nàn trong trái tim mỗi người con đất Việt. Bức thư của liệt sĩ Lê Văn Huỳnh, quê xã Lê Lợi, huyện Kiến Xương viết gửi mẹ và vợ trước lúc hy sinh được hướng dẫn viên Ban Quản lý Di tích giới thiệu đã để lại niềm xúc động mạnh mẽ trong nhiều người. Những dòng thư đã lột tả lại sự khốc liệt của chiến tranh, những người chiến sĩ ra trận chiến đấu biết sẽ không có ngày trở về nhưng vì nền độc lập, tự do của dân tộc họ đã không lo sợ đến điều đó, chỉ một niềm mong chờ một ngày đất nước sạch bóng quân thù, non sông thu về một mối, nhân dân hai miền Nam - Bắc được sống trong hòa bình, tự do.

Chia tay Thành cổ Quảng Trị, đoàn tiếp tục cuộc hành trình đến với Nghĩa trang Liệt sĩ quốc gia Đường 9. Đây là một trong hai nghĩa trang liệt sĩ lớn nhất cả nước thuộc địa phận thành phố Đông Hà, là nơi yên nghỉ của hơn một vạn anh hùng liệt sĩ đã từng chiến đấu, phục vụ chiến đấu trên mặt trận Đường 9 và ở đất bạn Lào trong suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ, trong đó có gần 500 liệt sĩ là người con quê hương Thái Bình. Giữa không gian rộng lớn, trước hàng nghìn ngôi mộ, mỗi người một tâm trạng, người mong muốn được gặp lại những đồng đội năm xưa, người hy vọng tìm thấy thân nhân của mình trong chuyến đi. Sau khi thắp hương tại đài tưởng niệm trung tâm, theo hướng dẫn, đoàn đến thắp hương tại khu mộ của các liệt sĩ quê Thái Bình. Đi qua từng hàng mộ, mỗi thành viên trong đoàn không khỏi ngậm ngùi xúc động. Những người con của quê hương nằm lại trên mảnh đất này tuổi đời đều còn rất trẻ, họ là những chàng trai, cô gái từ đủ các địa phương trong tỉnh xung phong ra trận vào những thời điểm ác liệt nhất của cuộc chiến. Quê hương đã tiễn đưa các anh các chị lên đường, không được đón các anh các chị trở về trong ngày đại thắng nhưng hình ảnh, tên tuổi của các anh các chị sẽ mãi khắc ghi trong lòng các thế hệ người dân quê hương. 

Trời gần về trưa, cái nóng bỏng của gió Lào, cát trắng không ngăn được từng dòng người vẫn tiếp nối nhau đến dâng hương tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ ở Nghĩa trang Liệt sĩ quốc gia Trường Sơn. Nghĩa trang Liệt sĩ quốc gia Trường Sơn nằm ở dưới chân phía Đông của dãy Trường Sơn, bên cạnh tuyến đường Hồ Chí Minh huyền thoại, được xây dựng từ tháng 10/1975, rộng trên 40ha, thuộc địa phận xã Vĩnh Trường, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị. Đây là nơi yên nghỉ của 10.263 liệt sĩ của các tỉnh, thành phố trong cả nước, trong đó có trên 500 liệt sĩ là con em quê hương Thái Bình. Cùng với Nghĩa trang Liệt sĩ quốc gia Đường 9 và nhiều nghĩa trang khác, Nghĩa trang Liệt sĩ quốc gia Trường Sơn chính là nơi tưởng niệm, tôn vinh những người con thân yêu của Tổ quốc đã anh dũng hy sinh trên các nẻo đường Trường Sơn vì sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc. Dẫu đã nghe nhiều nhưng đến đây mới cảm nhận hết sự hy sinh lớn lao trong cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại. Những hàng bia mộ như những đoàn quân trùng trùng, lớp lớp. Đứng ở nơi đây, mỗi người đều thấy mình trở nên nhỏ bé trước cả một thế hệ anh hùng đã không tiếc máu xương vì Tổ quốc thân yêu. Trong lòng mỗi người trào dâng sự xúc động, nghẹn ngào. Đó không chỉ niềm thương tiếc, xót xa mà xen lẫn sự khâm phục, lòng biết ơn. Những người nằm lại nơi đây là những người con của cả ba miền đất nước nhưng họ có chung một chí hướng, một con đường, đó chính là con đường vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì cuộc sống hạnh phúc của đồng bào. Phần lớn những liệt sĩ ngã xuống khi mới bước vào tuổi mười tám, đôi mươi. Thắp hương trên từng phần mộ liệt sĩ, tôi may mắn gặp được bác Mai Huy Thiều, quê xã Vũ Hội (Vũ Thư) cũng đang thắp hương cho người thân. Bác Thiều có người em là liệt sĩ Vũ Thị Xoan, sinh năm 1954 đã nằm lại mảnh đất này vào năm 1972 khi mới 18 tuổi. Thương nhớ em, hàng năm, cứ đến ngày Thương binh - Liệt sĩ bác và gia đình đều gác lại mọi việc vào thăm viếng. “Dù bận mải đến đâu tôi cũng sắp xếp công việc để đến thắp cho các liệt sĩ ở đây và em tôi nén nhang thơm để bày tỏ lòng thành kính, tri ân. Có được độc lập, tự do như ngày hôm nay, mỗi chúng ta phải nhớ đến công lao to lớn của các anh hùng liệt sĩ” - bác Thiều chia sẻ. 

Hơn 40 năm chiến tranh đã đi qua, thời gian có thể mờ phai ký ức, nhưng máu, nước mắt đã rơi trên mảnh đất này vẫn ngày nối ngày giục giã mỗi người con đất Việt trở về nơi đây. Tri ân những người đã ngã xuống càng thúc giục thế hệ đi sau phải tiếp nối, thắp sáng hơn ngọn lửa yêu nước. 

Tháng 7, dòng người tìm về địa chỉ đỏ dài như bất tận.

Nguyễn Cường - Minh Hãnh